Giới hạn của quyền được biết

Chia sẻ Facebook
06/04/2022 10:41:48

Tò mò và thích bình phẩm chuyện của người khác là một phần tính cách xã hội của con người. Nhưng biết và dùng sự hiểu biết của mình để gây tổn thương, thiệt hại cho người khác thì lại là việc làm sai trái và không thể chấp nhận.

Minh hoạ: DAD


Clip quay lại cảnh một nam sinh trung học 16 tuổi nhảy lầu tự tử cùng với bức thư tuyệt mệnh đã được một người nào đó phát tán qua mạng xã hội.


Việc chia sẻ clip và thư được thực hiện nhanh và lan rộng với tốc độ chóng mặt; cùng với động tác chia sẻ là những lời bình phẩm mang tính chỉ trích, công kích, lên án, thậm chí thóa mạ rất nặng nề với cha mẹ của nạn nhân.

Tất cả những việc đó không chỉ xoáy sâu vào nỗi đau mất mát người thân của những người này, đồng thời đang tạo ra áp lực dư luận xã hội rất kinh khủng đối với họ, mà còn khiến không gian giao tiếp công cộng trở nên ngột ngạt, u ám.

Được biết, cơ quan công an đang phối hợp cơ quan quản lý thông tin truyền thông thực hiện các thao tác chuyên môn để gỡ bỏ clip và lá thư trên các tài khoản mạng xã hội của các cá nhân theo cách ứng xử dành cho thông tin bị coi là độc hại.

Ngoài ra, nhà chức trách cũng nỗ lực truy tìm người có hành vi phát tán clip và thư tuyệt mệnh, đồng thời cân nhắc về biện pháp chế tài dành cho người này cũng như những người tiếp tay trong việc lan truyền các thông tin trên ra công chúng.

Thật ra, tò mò và thích bình phẩm chuyện của người khác là một phần tính cách xã hội của con người.

Suy cho cùng, mỗi người đều có quyền đặt câu hỏi và tìm câu trả lời về những gì đang diễn ra xung quanh mình. Biết tường tận về các sự việc cho phép hình dung bức tranh cuộc sống một cách trung thực và chính xác, từ đó xác định thái độ sống thích hợp, cho phép hiện thực hóa lẽ sống của bản thân.

Sự phát triển mạng xã hội trong thời đại công nghệ số tạo điều kiện thuận lợi cho việc thỏa mãn trí tò mò cũng như cho việc chia sẻ những suy nghĩ, nhận định theo quan điểm cá nhân đối với sự việc diễn ra trong đời sống xã hội.

Nhưng mặt trái của sự phát triển đó là trong trường hợp những suy nghĩ, nhận định có tính chất quy chụp được nhiều người tán đồng sẽ làm hình thành những xu hướng đánh giá cực đoan, có sức tác động của một thứ vũ khí tấn công, khiến người được đánh giá lâm vào tình cảnh giống như người chịu hình phạt ném đá theo luật của một số nước.

Đáng nói trong không ít trường hợp, người chia sẻ thông tin, bày tỏ suy nghĩ, nhận định về sự việc không phải nhằm mục đích đóng góp vào việc hoàn thiện mô hình ứng xử tích cực, mô hình giáo dục con người mà chỉ để câu like, câu view, thậm chí để bán hàng.

Người phát tán clip và thư tuyệt mệnh của em học sinh trong câu chuyện bi thảm vừa qua hẳn sẽ được phát hiện và phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về hậu quả gây ra do hành vi của mình, cùng với những người tiếp tay trong việc lan truyền thông tin này.

Nhưng về lâu dài, để ngăn chặn ngay từ đầu hành vi tương tự trong trường hợp tương tự thì cần có các biện pháp căn cơ trong giáo dục, uốn nắn nhân cách.

Cần quan tâm dạy dỗ con người từ tấm bé về việc tự kiểm soát đối với những ham muốn hiểu biết mang tính bản năng. Và cần xây dựng ý thức tôn trọng sự riêng tư, tiết chế những ham muốn hiểu biết mà việc thỏa mãn có nguy cơ xâm hại đến lợi ích chính đáng của người khác.

Các đơn vị nghiệp vụ Công an TP Hà Nội đang phối hợp cùng Công an quận Hà Đông truy tìm người phát tán clip và bức thư tuyệt mệnh của nam sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam rơi từ tầng cao chung cư tử vong.

Chia sẻ Facebook