Giới đầu tư kêu gọi Mỹ tăng thanh khoản thị trường trái phiếu
Các nhà đầu tư trái phiếu chính phủ Mỹ kêu gọi Bộ Tài chính Mỹ can thiệp vào thị trường trái phiếu trị giá 24 ngàn tỷ USD này, với hy vọng chính phủ sẽ thực hiện chương trình mua lại sau nhiều tháng giá biến động mạnh và thanh khoản kém.
Giới đầu tư kêu gọi Mỹ tăng thanh khoản thị trường trái phiếu
Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng mạnh lãi suất và thắt chặt định lượng trong năm 2022 khiến thị trường trái phiếu chính phủ nước này vốn đang bình thường bỗng bị xáo trộn. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ - yếu tố xác định chi phí đi vay của chính phủ và được sử dụng để làm thước đo chuẩn cho giá các loại tài sản – đã biến động mạnh trong năm nay. Biến động này khiến hoạt động mua – bán trái phiếu chính phủ Mỹ trở nên khó khăn và đắt đỏ hơn dù đây vốn được biến đến là thị trường có tính thanh khoản cao nhất thế giới.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết bà đang theo dõi sát sao tình hình. Cơ quan này cũng đã tham vấn các đại lý chính, tức là các ngân hàng mua trái phiếu trực tiếp Bộ Tài chính, trong một cuộc khảo sát vào giữa tháng 10 rằng họ có nên mua lại những trái phiếu cũ – là những trái phiếu được giao dịch ít thường xuyên hơn – hay không.
Đề xuất về chương trình mua lại trái phiếu lần đầu tiên được đưa ra bởi Uỷ ban Tư vấn cho vay của Bộ Tài chính Mỹ trong báo cáo hồi tháng 08/2022, trong đó nhấn mạnh sự sụt giảm mạnh về thanh khoản của thị trường trái phiếu.
Mặc dù kế hoạch mua lại dự kiến chưa được công bố, song triển vọng về hành động can thiệp này có thể giúp thúc đẩy thị trường trái phiếu mà ở đó, thanh khoản đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 03/2020.
“Kế hoạch mua lại sẽ tạo cho thị trường niềm tin rằng họ luôn có đường lùi khi mọi thứ trở nên quá rẻ. Mua lại cũng đồng nghĩa các ngân hàng có thể cắt giảm lượng trái phiếu khỏi bảng cân đối kế toán khi không có người mua, từ đó cho phép họ sử dụng bảng cân đối kế toán hiệu quả hơn”, Gennadiy Goldberg, chiến lược gia tỷ giá tại TD Securities, nói.
Đây là sự cố mới nhất trong loạt vấn đề về thanh khoản của thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ sau khi phục hồi từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Những yêu cầu về vốn sau cuộc khủng hoảng năm 2008 đã đẩy chi phí để các ngân hàng sở hữu trái phiếu chính phủ Mỹ lên cao. Kết quả, tỷ lệ nắm giữ trái phiếu của họ so với quy mô thị trường giảm xuống. Khi giới nhà băng lùi bước, các quỹ đầu tư và công ty giao dịch tốc độ cao lại xuất hiện và đóng một vai trò lớn hơn. Khi cấu trúc của thị trường thay đổi và thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ tăng gấp 4 lần về quy mô, các vấn đề cũng theo đó gia tăng, phải kể đến đợt tăng chớp nhoáng vào năm 2014, cuộc khủng hoảng trên thị trường repo vào năm 2019 và đợt sụp đổ của thị trường hồi tháng 03/2020.
Mua lại trái phiếu tức là Bộ Tài chính Mỹ sẽ mua lại các trái phiếu cũ đã lưu hành trên thị trường trong thời gian dài và khó để giao dịch hơn. Những đợt mua lại này giúp giải phóng không gian trên bảng cân đối kế toán để những người tham gia thị trường có thể giao dịch trái phiếu mới, thu hẹp khoảng cách về lợi suất giữa trái phiếu cũ và mới – một thước đo thanh khoản quan trọng. Sau khi mua lại trái phiếu cũ, Bộ Tài chính Mỹ phải đồng thời thay thế chúng bằng trái phiếu mới.
Tuy nhiên, một lo ngại hiện nay là chương trình mua lại trái phiếu chính phủ Mỹ có vẻ đi ngược lại những gì Fed đang cố gắng thực hiện là thắt chặt nhanh chóng chính sách tiền tệ bằng cách tăng lãi suất và thu hẹp bảng cân đối kế toán gần 9 ngàn tỷ USD của họ. Kể từ tháng 06/2022, Fed bắt đầu giảm nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ và trái phiếu được đảm bảo bằng tài sản thế chấp bằng cách ngừng tái đầu tư số tiền thu được từ những trái phiếu đã đáo hạn.
Để khắc phục điều này, bà Kathy Bostjancic, chuyên gia kinh tế trưởng về Mỹ tại Nationwide, cho rằng Bộ Tài chính Mỹ cần phải định hình việc mua lại trái phiếu của họ chỉ đơn thuần là nghiệp vụ để cải thiện thanh khoản, nhằm tách biệt với nghiệp vụ của Fed.
Nhìn ở khía cạnh khác, việc mua lại trái phiếu có thể giúp Fed thúc đẩy nhanh hơn kế hoạch thu hẹp bảng cân đối kế toán của họ, vì nó sẽ giúp giảm đáng kể rủi ro của một giai đoạn kém thanh khoản, mất ổn định.
Kim Dung (Theo Financial Times)