Giới chuyên gia khuyến cáo ECB cần sớm nâng lãi suất

Chia sẻ Facebook
12/05/2022 20:05:28

Nhiều chuyên gia đã lên tiếng kêu gọi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cần nhanh chóng nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát.

Chủ tịch ECB phát tín hiệu về khả năng tăng lãi suất trong tháng 7

Tại châu Âu, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde ngày 11/5 đã phát đi tín hiệu rằng ECB có thể nâng lãi suất từ mức thấp lịch sử vào tháng 7 tới, trong bối cảnh lạm phát tại Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang tăng mạnh.


Bà Lagarde cho rằng ECB nên kết thúc chương trình mua trái phiếu "vào đầu quý 3" và có thể nâng lãi suất "chỉ vài tuần" sau đó.


Giới chuyên gia khuyến cáo ECB sớm nâng lãi suất

Trước đó, nhiều chuyên gia cũng đã lên tiếng kêu gọi ECB cần nhanh chóng hành động, bởi ngân hàng này đã chậm hơn Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và nhiều ngân hàng trung ương lớn khác trong việc thực hiện các biện pháp để kiềm chế lạm phát.


Các số liệu thống kê cho thấy, lạm phát tại Eurozone trong tháng 4 đã tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2021 - mức cao nhất từ trước đến nay của khối này, và cũng cao hơn nhiều so với mức mục tiêu 2% ECB đặt ra. Tình hình này đã làm gia tăng những lời kêu gọi ECB cần nâng lãi suất như các ngân hàng trung ương khác.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde ngày 11/5 đã phát đi tín hiệu rằng ECB có thể nâng lãi suất từ mức thấp lịch sử vào tháng 7 tới. (Ảnh minh họa - Ảnh: EPA)

"ECB từ lâu đã đánh giá thấp động lực của lạm phát. Họ hy vọng đây chỉ là một hiện tượng nhất thời và sẽ tự biến mất. Họ đã quá phụ thuộc vào mô hình dự báo của mình và tin tưởng rằng, lạm phát sẽ quay trở lại mức mục tiêu 2% trong khoảng 1 - 2 năm. Cách hiểu sai lầm này khiến ECB vẫn do dự trong việc từ bỏ chính sách nới lỏng tiền tệ thời đại dịch", ông Otmar Issing, cựu chuyên gia kinh tế Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), đánh giá.


Ngân hàng Đức Bundes Bank khuyến cáo, ECB cần tiến hành nâng lãi suất trong tháng 7, trước khi tỷ lệ lạm phát tại Eurozone vượt ngoài tầm kiểm soát.

"Lạm phát tại châu Âu vẫn chưa quá cao, nhưng sẽ không mất nhiều thời gian để nó đạt mức tăng 2 con số. Tôi nghĩ lạm phát có thể giảm, sau khi giá năng lượng bắt đầu ổn định trở lại. Tuy nhiên, trong thời điểm này, giá cả vẫn đang leo thang ở mọi khu vực của nền kinh tế", ông Otmar Issing, cựu chuyên gia kinh tế Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), nhận định.

Các chuyên gia nhận định, đây đang là thời điểm quan trọng của cuộc chiến chống lạm phát, đòi hỏi những hành động nhanh chóng và đúng đắn không chỉ từ ECB, mà còn cả các ngân hàng trung ương lớn khác.

"Nếu các ngân hàng trung ương không thể giải quyết tốt những thách thức này, chúng ta sẽ phải đối mặt với tỷ lệ lạm phát cao hơn và biến động nhiều hơn. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế thực và thị trường tài chính", ông Otmar Issing, cựu chuyên gia kinh tế Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), nhấn mạnh.

Lần họp tiếp theo của các nhà hoạch định chính sách của ECB dự kiến sẽ diễn ra vào các ngày 9/6 và 21/7 để quyết định phương hướng hành động tiếp theo. Một đợt nâng lãi suất đầu tiên trong vòng hơn 10 năm trở lại đây tại châu Âu, hiện đang là điều được rất nhiều người chờ đợi.

Các đợt tăng lãi suất của FED có hiệu quả "đặc biệt mạnh mẽ" trong chính những lĩnh vực có sự mất cân bằng lớn nhất và có dấu hiệu quá "nóng".

Chia sẻ Facebook