Giới bất đồng chính kiến ​​kêu gọi phương Tây hành động trước các “đồn cảnh sát” TQ ở nước ngoài

Chia sẻ Facebook
25/04/2023 10:19:42

Các đồn cảnh sát Trung Quốc ở nước ngoài làm dấy lên mối lo ngại rằng Bắc Kinh đang chính thức hóa hoạt động giám sát ngoài tầm biên giới của mình.


Embed from Getty Images


Một khách sạn ở Stockholm, văn phòng đại lý bất động sản ở London và căn phòng trên một cửa hàng mì ở Manhattan, New York có vẻ như là những nơi vô hại, nhưng chúng nằm trong số các địa điểm trên khắp thế giới từng là nơi đặt trụ sở của các đồn cảnh sát Trung Quốc.


Những công dân Trung Quốc từng chạy trốn khỏi sự đàn áp ở quê nhà lo sợ rằng họ có thể bị gài bẫy bởi cánh tay ngày càng dài của cơ quan thực thi pháp luật của ĐCSTQ.


“Mọi người sợ rằng không thể thoát khỏi sự đàn áp của Trung Quốc ngay cả ở những nơi như London,” Simon Cheng, người từng bị giam giữ ở miền nam Trung Quốc và là người sáng lập tổ chức Hong Kongers ở London, cho biết, theo Al Jazeera.


Sự tồn tại của các đồn cảnh sát đã được tiết lộ vào cuối năm ngoái khi tổ chức phi chính phủ Safeguard Defenders có trụ sở tại Tây Ban Nha công bố hai báo cáo dựa trên nghiên cứu nguồn mở rằng ít nhất 100 đồn cảnh sát đã được thành lập bên ngoài Trung Quốc kể từ năm 2018.


Ngoài một địa điểm ở Dublin có tấm bảng phía trước ghi “Trạm Dịch vụ Cảnh sát Phúc Châu ở nước ngoài”, hầu hết các đồn đều hoạt động bí mật và không được công chúng biết đến.


Trong các cộng đồng hải ngoại – từ những người bất đồng chính kiến Trung Quốc và Hồng Kông đến người Tây Tạng và người Duy Ngô Nhĩ – các đồn này như một lời cảnh báo rằng nếu không có hành động cụ thể của các quốc gia dân chủ nơi nhiều cơ sở bị cáo buộc đang hoạt động, thì sẽ chỉ còn rất ít nơi trên thế giới để họ có thể được an toàn khỏi ĐCSTQ.


Sau nhiều tháng không hành động, Hoa Kỳ đã công bố các vụ bắt giữ đầu tiên liên quan đến các đồn cảnh sát Trung Quốc vào tuần trước.


Tại một cuộc họp báo vào ngày 17/4, Bộ Tư pháp cho biết họ đã bắt giữ Liu Jianwang, 61 tuổi và Chen Jinping, 59 tuổi, với cáo buộc điều hành một đồn cảnh sát thay mặt cho Trung Quốc, cáo buộc họ tham gia vào cuộc đàn áp xuyên quốc gia đối với các thành viên của cộng đồng người Hoa hải ngoại ở Mỹ.

Phản ứng chậm


Các quốc gia phương Tây khác vẫn chưa đạt được bước tiến nào về vấn đề này, bao gồm cả Vương quốc Anh nơi ông Cheng được tị nạn chính trị vào năm 2020.


Cheng cho biết ông không ngạc nhiên trước những tiết lộ của Safeguard Defenders, lưu ý đến mối quan hệ thân thiết giữa một số nhà lãnh đạo cộng đồng người Hoa ở London và các quan chức Trung Quốc không chỉ ở Anh mà còn ở Trung Quốc.


Ông tin rằng sự hiện diện của các đồn cảnh sát Trung Quốc là một dấu hiệu cho thấy việc thực thi pháp luật của Trung Quốc đang trở nên chính thức hơn ở nước ngoài và điều đó đã gây lo ngại cho người Hồng Kông ở Anh. Nhiều người Hồng Kông đã rời thành phố Trung Quốc sau khi Luật An ninh Quốc gia được áp dụng gần ba năm trước.


“Chúng tôi đặc biệt lo ngại rằng các đồn cảnh sát sẽ được sử dụng để thực thi Luật An ninh Quốc gia ở nước ngoài,” ông Cheng nói với Al Jazeera.


Luật An ninh Quốc gia có ngôn từ mơ hồ, về cơ bản là đặt ngoài vòng pháp luật hành động chính trị không được chính phủ Trung Quốc chấp thuận, nhưng nó cũng đe dọa áp dụng trong phạm vi ngoài lãnh thổ theo Điều 38 (PDF), tức về mặt kỹ thuật trao cho chính quyền Trung Quốc quyền truy tố những người bị cáo buộc vi phạm các điều khoản của nó ở bất kỳ đâu trên thế giới.


Trong khi đó, tại Stockholm, người sáng lập Ủy ban Duy Ngô Nhĩ Thụy Điển, Shukur Samsak, cũng lo ngại.


Ông coi đồn cảnh sát Trung Quốc là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang tăng cường giám sát cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ ở Thụy Điển.


Ông nói với Al Jazeera: “Khi bạn tham dự một cuộc biểu tình hoặc mít tinh của người Duy Ngô Nhĩ ngày nay, ngày càng có nhiều người trông có vẻ đáng ngờ đứng bên lề chụp ảnh và quay phim bạn.”


Việc vận hành các đồn cảnh sát ở nước ngoài là một bước tiến lớn tại cơ quan thực thi pháp luật của Trung Quốc, đặc biệt là vì những cơ sở như vậy bên ngoài khu ngoại giao là vi phạm luật pháp quốc tế.


Vào tháng 10 năm ngoái, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã bác bỏ cáo buộc rằng việc Trung Quốc đang điều hành các đồn cảnh sát bất hợp pháp “đơn giản là sai sự thật”.


Ông mô tả những nơi như vậy là “trung tâm dịch vụ” nhắm vào những công dân Trung Quốc cần trợ giúp về các công việc hành chính như gia hạn hộ chiếu, điều đặc biệt khó khăn đối với người Trung Quốc sống ở nước ngoài trong đại dịch COVID-19 khi Trung Quốc tự đóng cửa với thế giới.


Nhưng ông Uông đã không giải thích lý do tại sao công việc như vậy cần phải được thực hiện một cách bí mật.


Laura Harth, giám đốc chiến dịch của Safeguard Defenders, hoài nghi về những phủ nhận của Trung Quốc.


Bà nói: “Trạm đầu tiên trong số này được thành lập nhiều năm trước COVID nên rõ ràng COVID không phải là yếu tố quyết định.”


“Chúng tôi cũng phát hiện ra rằng có một đồn cảnh sát ở Frankfurt cách không xa một trong những lãnh sự quán lớn nhất của Trung Quốc ở châu Âu, vì vậy nếu họ chỉ cung cấp các dịch vụ lãnh sự thì tại sao họ lại cần một không gian cho điều đó ngay bên cạnh một lãnh sự quán lớn đã cung cấp các dịch vụ này?”


Ngay cả khi các đồn cảnh sát thực sự là trung tâm dịch vụ cung cấp các dịch vụ hành chính, thì việc điều hành các văn phòng như vậy từ các địa điểm không được tiết lộ ở nước ngoài sẽ vẫn là bất hợp pháp theo luật quốc tế, như được quy định trong Điều 2 đến Điều 5 của Công ước Viên về Quan hệ Lãnh sự năm 1963.


Bà Harth nói: “Chính quyền Trung Quốc đã không thông báo cho các nước sở tại hoặc không nhận được sự đồng ý để thiết lập và vận hành các dịch vụ như vậy nên trong cả hai trường hợp, chúng đều là bất hợp pháp.”


Nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc Wang Jingyu đã nói rằng ông đã bị cảnh sát Trung Quốc truy đuổi ở Hà Lan và nhận được điện thoại từ những người tự xưng là từ một đồn cảnh sát Trung Quốc ở nước này. Họ nhiều lần giục ông trở về Trung Quốc.


Trên cả phương tiện truyền thông Trung Quốc trong nước và hải ngoại, đã có rất nhiều câu chuyện về việc đại diện từ một số khu vực pháp lý khác nhau của cảnh sát Trung Quốc thừa nhận và ca ngợi việc thành lập các văn phòng cảnh sát Trung Quốc ở nước ngoài trên khắp thế giới và vai trò của những người này trong việc đưa 230.000 công dân Trung Quốc trở về Trung Quốc để truy tố.


Để thuyết phục những Hoa kiều đó trở về Trung Quốc để truy tố, chính quyền cũng đã nhắm mục tiêu vào các thành viên gia đình ở quê nhà bằng cách đe dọa để đảm bảo họ “tự nguyện” trở về. Trong một số trường hợp khi áp lực như vậy không đạt được mục tiêu, chính quyền Trung Quốc đã dùng đến các vụ bắt cóc.


Vào năm 2015, nhà bảo vệ nhân quyền Trung Quốc Dong Guangping khi đang chờ tái định cư đến Canada trong một trung tâm giam giữ người nhập cư Thái Lan thì cảnh sát Trung Quốc ập đến. Họ còng tay ông trước mặt các sĩ quan Thái Lan và dẫn ông đi.


Khi những người như Dong bị giam giữ và đưa đến Trung Quốc, việc kết tội họ hầu hết là một kết luận đã được định trước. Các tòa án Trung Quốc, do Đảng Cộng sản kiểm soát, có tỷ lệ kết án hơn 99%, và trong thời gian bị giam giữ và xét xử, các bị cáo thường không thể liên lạc với luật sư của họ.


Hơn 14 chính phủ đã mở cuộc điều tra về vấn đề này kể từ tiết lộ của Safeguard Defenders vào năm ngoái.


Nhưng các nhà vận động nói rằng các cuộc điều tra cần phải đi sâu hơn.


Bà Harth nói với Al Jazeera: “Các đồn cảnh sát ở nước ngoài của người Hoa này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm trong một chiến dịch đàn áp xuyên quốc gia bao gồm các chủ thể khác nhau và các phương pháp khác nhau mà chính quyền Trung Quốc sử dụng để đe dọa và quấy rối người dân trên khắp thế giới”.


Cho đến nay, một số đồn cảnh sát ở các quốc gia bao gồm Hà Lan, Thụy Điển và Hoa Kỳ đã được báo cáo là đã đóng cửa, nhưng ít người nghĩ rằng những cánh cửa đóng lại đánh dấu sự chấm dứt đối với các đồn cảnh sát Trung Quốc.


Xuân Lan (theo Al Jazeera)

Pháp, Đức điều tra các “đồn cảnh sát” bí mật của Trung Quốc Pháp và Đức đang tiến hành điều tra các hoạt động bị cáo buộc của ĐCSTQ tại lãnh thổ của họ liên quan đến các “đồn cảnh sát" bí mật.

Chia sẻ Facebook