Giỏ hàng của người tiêu dùng hậu COVID-19 có gì thay đổi?

Chia sẻ Facebook
14/08/2022 08:18:13

VTV.vn-Sau dịch COVID-19, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, danh mục trong giỏ hàng của người tiêu dùng đã có nhiều thay đổi. Họ dành nhiều tiền hơn cho các sản phẩm chăm sóc sức khoẻ.


Sau hai năm "thắt lưng buộc bụng" vì dịch COVID-19, gia đình chị Nguyễn Thị Yến ở Sơn Tây, Hà Nội đã thoải mái hơn trong việc chi tiêu. Giỏ hàng đi siêu thị của bà giờ đây, ngoài thực phẩm thiết yếu, còn được lấp đầy bởi nhiều mặt hàng khác nhau. Chị đặc biệt quan tâm đến các sản phẩm chăm sóc sức khỏe cho gia đình.

Chị Nguyễn Thị Yến tâm sự: "Trước đây dịch bệnh nên mua cái gì mình cũng phải đắn đo giá cả, túi tiền lúc đấy rất khó khăn nhưng mà giờ mình cũng thoải mái lựa chọn, những gì tốt cho sức khỏe thì chọn ngay chứ không đắn đo lựa chọn như trước nữa".

Là một người được xem như "tay hòm chìa khóa" của gia đình, chị Phùng Thị Tú Uyên ở Hà Nội giờ cũng mạnh tay chi tiêu hơn cho mỗi lần đi siêu thị mua sắm.

Chị Phùng Thị Tú Uyên nói: "Trước dịch tôi thường viết ra 3 mặt hàng, và chỉ lấy đúng những mặt hàng đó thôi để còn nhanh nhanh chóng chóng ra thanh toán. Sau dịch thì tôi đi mua sắm cũng thoải mái hơn từ gian đến tài chính cũng không còn khó khăn, giờ thì giỏ hàng của tôi đầy ắp vì tôi có thể lựa chọn thoải mái hơn".

Hình minh họa. Ảnh: thitruongtaichinhtiente.vn

Theo khảo sát của Nielsen, đại dịch COVID-19 đã khiến xu hướng tiêu dùng các sản phẩm có yếu tố sức khỏe tăng vượt trội. 39% người tiêu dùng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã mua các sản phẩm lành mạnh hơn để ngăn ngừa những vấn đề về sức khỏe.

Sau một thời gian dịch bệnh kéo dài thì đến thời điểm hiện tại thì giỏ hàng của người đi siêu thị cũng đầy hơn so với trước. Khảo sát của PwC hơn 9.000 người tiêu dùng ở 25 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam, chỉ ra rằng: Trên 75% dự kiến duy trì hoặc tăng mức chi tiêu hiện tại trên hầu hết danh mục trong 6 tháng tới, đặc biệt, 47% người được hỏi mong muốn chi tiêu nhiều hơn cho hàng nhu yếu phẩm".

Còn Báo cáo "Dấu chân thương hiệu" mà Kantar vừa mới phát hành chỉ sự thay đổi lớn về lực lượng người tiêu dùng chính - Gen Z (thế hệ được sinh từ năm 1995) và dần tiếp cận với Gen Alpha (sinh từ năm 2010) cũng khiến danh mục trong giỏ hàng tiêu dùng có nhiều sự thay đổi.

Ông Peter Christou, Tổng Giám đốc Kantar Vietnam, nói: "Một xu hướng quan trọng là quan tâm đến sự bền vững. Điều này đang phát triển ở các nơi trên thế giới và cả ở Việt Nam. Xu hướng này được thúc đẩy bởi COVID-19. Mọi người chú trọng đến cách họ mua hàng, những gì họ mua và dẫn đầu xu hướng này là Gen Z".

Cũng theo Kantar, nhìn chung là niềm tin của NTD đã tăng trở lại và họ sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn.

Chia sẻ Facebook