Gió đổi chiều: "Dự án thế kỉ" biến Trung Quốc thành chủ nợ lớn nhất thế giới hụt hơi, Bắc Kinh không thể giữ im lặng

Chia sẻ Facebook
24/11/2022 08:57:48

Sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc đang bộc lộ những yếu điểm lớn về mặt tài chính, buộc Bắc Kinh phải có những giải pháp phù hợp hơn - Forbes nhận định.


Tham vọng của Trung Quốc

Theo Forbes, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng tuyên bố rằng Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Bắc Kinh là "dự án thế kỷ", một đại công trình làm thay đổi cán cân quyền lực và ảnh hưởng toàn cầu. Nhưng hiện tại, ông Tập đang nhắc tới dự án này qua những thông điệp như "cải cách và cắt giảm".

BRI của Trung Quốc dường như đã không đạt được mục tiêu ban đầu cũng như gây ra quá nhiều lo ngại như phương Tây từng dự đoán.

Để thực hiện BRI, Bắc Kinh bắt tay với các nước thiếu điều kiện kinh tế ở Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ Latinh, Trung Đông và vùng ngoại vi Châu Âu và cung cấp các khoản vay cho các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng – như cảng, tuyến đường sắt, đập, đường xá,...

Các ngân hàng nhà nước Trung Quốc sẽ thu xếp tài chính và các nhà thầu Trung Quốc sẽ thực hiện các dự án và quản lý chúng sau khi hoàn thành. Qua đó, Bắc Kinh giành được tầm ảnh hưởng và đòn bẩy đáng kể đối với các quốc gia tham gia BRI. Kể từ khi ông Tập lần đầu tiên lên nắm quyền, Trung Quốc đã thu về hơn 1 nghìn tỷ USD từ các khoản vay như vậy ở khoảng 150 quốc gia, khiến nước này trở thành chủ nợ chính thức lớn nhất thế giới.

Việc cho vay nợ đã khiến Trung Quốc bị phương Tây cáo buộc là đang giăng "bẫy nợ" bằng dự án BRI. Ví dụ, ở Sri Lanka, ngay cả trước khi đại dịch Covid khiến hoạt động thương mại bị đình trệ, thì các cảng thuộc dự án BRI cũng không hoạt động đủ công suất đáp ứng các điều khoản của khoản vay.

Khoản vay đã trở nên tồi tệ ngay cả khi các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc có liên quan chưa đưa ra tuyên bố khẳng định điều đó. Những điều tương tự đang xảy ra trên toàn bộ sáng kiến BRI của Trung Quốc. Pakistan, một trong những nước tham gia BRI nhiều nhất, đã gặp khó khăn trong việc trả các khoản vay đến mức phải nhờ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cứu trợ.

Các nhà kinh tế tại Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính rằng hiện nay khoảng 60% các khoản vay BRI liên quan đến các quốc gia đang gặp khó khăn về tài chính. Các khoản cho vay ở Châu Phi rất dễ đổ vỡ. Ngay cả trước khi có thông tin mới nhất về khả năng vỡ nợ này, các chủ ngân hàng Trung Quốc đã cảnh báo về khả năng tài chính và kinh tế của các thỏa thuận BRI.


Rủi ro không lường trước

Một số chủ ngân hàng lo ngại về việc phải chịu trách nhiệm đến mức họ yêu cầu Bắc Kinh gia hạn cho một số khoản vay với xác nhận là "chính sách được chỉ định" để làm rõ rằng quyết định cho vay đến từ Bắc Kinh chứ không phải ban lãnh đạo ngân hàng.

Trong một thời gian dài, Bắc Kinh không nhắc tới những rủi ro tài chính. Theo Forbes, các quan chức gây áp lực cho các chủ ngân hàng để tránh mọi liên quan đến các khoản nợ khó đòi hoặc vỡ nợ. Trung Quốc cũng từ chối hợp tác với phương Tây thông qua nhóm Paris Club (một nhóm không chính thức gồm 22 quốc gia chủ nợ, là những nước có nền kinh tế lớn và mức độ tín nhiệm cao) về việc đàm phán lại các khoản vay khó trả.

Hiện tại Trung Quốc đã thể hiện một số thay đổi chiến lược. Với việc các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước phải đối mặt với các vụ vỡ nợ lớn từ các nhà phát triển bất động sản trong nước, chẳng hạn như Evergrande, cũng như các khoản vay BRI của họ, áp lực đã trở nên quá lớn khiến Trung Quốc không giữ im lặng.

Trước đây, khi nền kinh tế Trung Quốc phát triển vượt bậc, Bắc Kinh có thể bù đắp cho những khoản vỡ nợ bằng chính nguồn lực của mình, nhưng việc này cũng không còn hợp lí nữa. Theo đó, Trung Quốc chính thức trở nên cởi mở hơn nhiều đối với các cuộc đàm phán về tái cơ cấu nợ.

Các cuộc đàm phán đã bắt đầu giữa Bắc Kinh và Chad, Ethiopia và Zambia. Trung Quốc cũng tham gia cùng các tổ chức quốc tế, chẳng hạn như Paris Club, để tìm ra cái được gọi là "khuôn khổ chung" nhằm giải quyết các khoản tín dụng quốc gia này, cho dù nó có phải là một phần của BRI hay không.

Bài viết của Forbes cho rằng BRI đang mất đi một lượng lớn ảnh hưởng. Trung Quốc vấp phải rủi ro về uy tín và tài chính. Chủ tịch Tập Cận Bình cũng bắt đầu cho rằng BRI "ngày càng phức tạp" và cần kiểm soát rủi ro cũng như hợp tác mạnh mẽ hơn. Đây là điều không nên xảy ra đối với một "dự án thế kỷ." Trong khi đó, các biện pháp kiểm soát rủi ro mới sẽ khiến nó trở nên kém hấp dẫn hơn rất nhiều đối với các nước chủ nhà tiềm năng.

Chia sẻ Facebook