Giàu tài nguyên, nhưng các ngành công nghiệp phi dầu mỏ lại lạc hậu, liệu Nga có trở thành một "Ả Rập Xê Út lớn”?
Nga là một quốc gia rất hùng mạnh, giàu tài nguyên, đặc biệt là dầu mỏ, nhưng nhiều người cho rằng Nga đang dần trở thành một "Ả Rập Xê Út lớn"? Hãy xem Ả Rập Xê Út và Nga có những điểm chung và khác nhau như thế nào.
“Sa mạc công nghệ” không có gì ngoài dầu mỏ
Theo trang tin Sohu của Trung Quốc, Ả Rập Xê Út được mệnh danh là “Vương quốc dầu mỏ”, là một trong những quốc gia có trữ lượng, sản lượng và kinh doanh dầu mỏ lớn nhất thế giới.
Trữ lượng dầu thô đã được xác định của Ả Rập Xê Út là 36,35 tỷ tấn, chiếm 16% trữ lượng toàn thế giới, đứng thứ hai thế giới, sau Venezuela. Doanh thu từ dầu mỏ là nguồn thu nhập chính của Ả Rập Xê Út và GDP bình quân đầu người của đất nước này vào thời kỳ đỉnh cao là 30.000 USD.
Theo trang tin Sohu, Ả Rập Xê Út có diện tích 2,15 triệu km2, đứng thứ 12 trên thế giới; dân số tính đến hết năm 2021 là 35,6 triệu người.
Mặc dù ngành công nghiệp dầu mỏ là "huyết mạch" của Ả Rập Xê Út, nhưng các ngành công nghiệp khác lại chậm phát triển. Những ngành công nghiệp phi dầu mỏ của Ả Rập Xê Út như sắt thép, luyện kim, xi măng, khử mặn nước biển, điện lực, nông nghiệp và dịch vụ đều rất manh mún.
Ả Rập Xê Út thậm chí không được coi là một quốc gia công nghiệp. Nước này không sản xuất ô tô, máy bay, chứ chưa nói đến xe tăng, tên lửa và các loại vũ khí hiện đại khác. Trong vài thập kỷ qua, các khí tài quân sự của Ả Rập Xê Út đều là mua của nước ngoài: xe tăng M1A2, máy bay chiến đấu F15 và máy bay trực thăng vũ trang AH-64 là sản phẩm của Mỹ; máy bay chiến đấu Typhoon là của châu Âu; còn tên lửa Hongqi là của Trung Quốc.
Trong thế kỷ 21, Ả Rập Xê Út cũng không đạt được thành tựu nào về internet di động, trí tuệ nhân tạo, năng lượng mới, năng lượng hạt nhân, công nghệ hàng không vũ trụ... Ả Rập Xê Út cũng không có ngành công nghiệp độc lập như điện thoại di động và máy tính.
Các công trình xây dựng của Ả Rập Xê Út đều được ký hợp đồng với các đối tác nước ngoài như Trung Quốc, Hàn Quốc...
Bởi vậy, trang tin Sohu nhận định, Ả Rập Xê Út là một “sa mạc công nghệ” không có gì ngoài dầu mỏ.
Nga dần trở thành một “Ả Rập Xê Út lớn”
Theo trang tin Sohu, Nga có diện tích đất liền lớn nhất thế giới, lên tới 17,098 triệu km2, nhưng dân số tính đến tháng 12/2021 chỉ có 145,9 triệu người.
Nga là nước xuất khẩu dầu mỏ và khí tự nhiên lớn nhất thế giới. Vùng đất và vùng biển có triển vọng dầu khí của Nga rộng khoảng 12,9 triệu km2, trong đó thềm lục địa và vùng biển là 5,6 triệu km2. Tổng tài nguyên dầu mỏ, khí ngưng tụ và khí tự nhiên ở Nga lần lượt là 35,35 tỷ tấn, 840 triệu tấn và 98,74 nghìn tỷ m3. Trữ lượng khí tự nhiên còn lại đã được xác định là 47,57 nghìn tỷ m3, đứng đầu thế giới, chiếm 31,9% tổng trữ lượng 149 nghìn tỷ m3 của thế giới.
Trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, phương Tây đã áp đặt các lệnh trừng phạt lên dầu Nga. Để trả đũa, Nga cũng đã cắt nguồn xuất khẩu khí đốt và dầu mỏ sang châu Âu. Tính đến nay, bên thiệt hại nặng nề lại đang là châu Âu, phải hứng chịu cuộc khủng hoảng năng lượng. Điều này cho thấy sức mạnh của tài nguyên dầu mỏ.
Ngoài dầu mỏ, Nga còn có trữ lượng rừng lớn nhất thế giới và các hồ chứa nước ngọt chiếm khoảng 25% trữ lượng nước ngọt của thế giới. Và quặng sắt cũng như các tài nguyên khác cũng đứng đầu thế giới.
Tuy nhiên, theo trang tin Sohu, mặc dù có nguồn tài nguyên vô cùng phong phú, nhưng tình hình phát triển của Nga lại không được như kỳ vọng.
Nếu như sức mạnh thời Liên Xô là sức mạnh toàn diện với nhiều dấu mốc quan trọng trong lịch sử nhân loại:
Năm 1949, Liên Xô trở thành quốc gia thứ hai sản xuất bom nguyên tử, sau Mỹ.
Năm 1961, Liên Xô là quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa con người (Yuri Gagarin) vào vũ trụ thành công.
Năm 1986, Liên Xô phóng trạm vũ trụ Mir, là vật thể bay lớn nhất mà nhân loại từng chế tạo cho đến khi nó chấm dứt hoạt động vào năm 2001.
Về mặt quân sự, Liên Xô đã từng đánh bại Phát xít Đức trong Chiến tranh thế giới thứ hai, trở thành cường quốc quân sự chỉ đứng sau Mỹ.
Phạm vi ảnh hưởng của Liên Xô ở thời kỳ đỉnh cao trong thế kỷ trước bao gồm: Liên bang Xô Viết, các nước thuộc khối Hiệp ước Warsaw ở Đông Âu, Mông Cổ, hầu hết các nước ở Trung Đông, các nước châu Phi và một số nước ở châu Mỹ...
Nhưng trang tin Sohu nhận định, nước Nga ngày nay không làm được như vậy. NATO ngày càng mở rộng về phía đông, đây cũng là một trong những lý do gây ra xung đột Nga-Ukraine.
GDP của Nga năm 2021 là 1,77 nghìn tỷ USD, chỉ bằng 1/13 của Mỹ và 1/10 của Trung Quốc, thậm chí chưa bằng Hàn Quốc. Trong khi vào thời Liên Xô, những lúc đỉnh cao, GDP của Liên Xô có thể bằng một nửa của Mỹ, và từng là nước công nghiệp lớn thứ hai thế giới.
Theo trang Sohu, về công nghệ, Nga đã bắt đầu tụt hậu so với Mỹ, châu Âu và Trung Quốc, ngoại trừ ngành công nghiệp quân sự và hàng không vũ trụ có từ thời Liên Xô.
Hiện tại, năng lực công nghiệp của Nga thậm chí không nằm trong top 10 thế giới, và giá trị sản xuất của Nga chỉ là 0,18 nghìn tỷ USD.
Bởi vậy, trang tin Sohu nhận định, ngoại trừ công nghiệp quân sự và hàng không vũ trụ, với nguồn tài nguyên phong phú và nền công nghiệp ngày càng lạc hậu, Nga đang dần trở thành một "Ả Rập Xê Út lớn”.