Giàu nghèo theo cách nhìn nhận của cổ nhân

Chia sẻ Facebook
15/09/2023 03:05:24

Quan điểm về giàu nghèo của người xưa không giống với cách nhìn nhận của người thời nay, mà vô cùng thông minh sáng suốt.


Người ta thường cho rằng người có nhiều tiền bạc của cải là người giàu có, còn người không có tài sản gì trong tay là người nghèo. Dưới đây là câu chuyện Hoàng đế Càn Long cùng Kỷ Hiểu Lam và Hòa Thân bàn luận về giàu nghèo được ghi chép lại trong sử sách triều Thanh.

(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan)

Một lần, Càn Long Đế nghỉ mát ở Sơn Trang Thừa Đức. Trong lúc nhàn rỗi không có việc gì làm, ông bèn nói chuyện với Kỷ Hiểu Lam và Hòa Thân.


Càn Long hỏi Kỷ Hiểu Lam và Hòa Thân: “Hai vị ái khanh, các ngươi nói xem ai là người giàu nhất thiên hạ? Ai là người nghèo nhất thiên hạ?”


Hòa Thân là đại thần luôn nịnh nọt nên nhanh nhảu trả lời trước: “Bẩm, thần cho rằng thiên hạ là của ngài nên bệ hạ là người giàu có nhất. Người nghèo nhất là tên ăn mày, hắn trên không có một viên ngói, dưới không có mảnh đất cắm dùi.”


Lời nói này nghe qua thì không có gì sai nhưng vua Càn Long lại không bình luận gì. Ông quay sang phía Kỷ Hiểu Lam: “Kỷ ái khanh, ngươi nói xem.”


Kỷ Hiểu Lam thưa: “Bẩm, thần cho rằng người giàu nhất thiên hạ là người cần kiệm, còn người nghèo nhất thiên hạ là người tham lam. Chỉ cần cần kiệm thì cho dù nhà có bốn bức tường không cũng sẽ dần dần mà giàu có. Còn nếu như đã tham mà lại thèm thì cho dù có gia tài bạc triệu rồi cũng sẽ tiêu xài sạch.”


Nghe xong lời của Kỷ Hiểu Lam, Càn Long gật đầu nói: “Hay!”

Một lần khác, Kỷ Hiểu Lam theo Càn Long đi nghỉ mát ở một sơn trang ngoại thành. Họ vô tình gặp một ngôi làng nhỏ, chỉ có khoảng hai ba chục hộ gia đình sinh sống. Những ngôi nhà ở đây đều thấp bé, tường vách bong tróc, thể hiện ra cuộc sống khốn khó của người dân.

Trong làng có một nơi, kiến trúc giống miếu mà không phải miếu, giống chùa mà không phải chùa. Bên trong có một cái ban thờ đặt một tượng Thần Tài và một pho tượng Dược Vương. Việc thờ phụng này không giống như bình thường.


Vua Càn Long sau khi quan sát, cảm thấy thú vị, liền chỉ vào ban thờ và nói với Kỷ Hiểu Lam: “Kỷ ái khanh, khanh thay họ viết một đôi câu đối.”


Kỷ Hiểu Lam đứng trước ban thờ có phần lạ lùng này, thuận miệng nói: “Hữu tiền nan mãi mệnh. Vô dược khả y bần”, c ó tiền khó mua mệnh, không thuốc chữa được nghèo. Câu trước là chỉ Thần Tài, câu sau chỉ Dược Vương.


Từ bộ câu đối này cũng hiển lộ ra triết lý nhân sinh sâu sắc của Kỷ Hiểu Lam. Với ông, kẻ giàu có cũng không phải là kẻ hạnh phúc, và còn người nghèo muốn giàu có nhanh chóng, uống “thuốc” mà chữa nghèo, thì chắc chắn chỉ có làm trái đạo đức. Như vậy đến lúc chuyện gian trá bị phanh phui, thì hậu quả đúng là “có tiền khó mua mệnh”. Kỳ thực Kỷ Hiểu Lam muốn nói rằng làm người thì cần tu đức, có đức ấy rồi thì phúc sẽ tự nhiên theo tới, giàu có không phải là điều nên theo đuổi, cưỡng cầu.

Từ xưa đến nay, cần kiệm không chỉ là cách làm giàu mà còn là một đức tính tốt đẹp của con người. Người siêng năng cần cù, lại biết tiết kiệm tiền của mình làm ra, chi tiêu hợp lý, thì tài sản ắt sẽ mỗi ngày một nhiều lên. Người đã tham (tham ăn, tham tình ái, tham hưởng thụ…) nhiều, trong lòng lại luôn thèm khát có được, không khống chế được sự thèm khát của mình thì cho dù có làm ra bao nhiêu cũng sẽ tiêu tán hết. Hơn nữa, không chỉ tài sản hết sạch mà đạo đức cũng sẽ theo những dục vọng đó mà đi xuống, rất có thể sẽ đến bước đường tán gia bại sản, thân mang tội lớn. Điều này cũng thực sự ứng với cuộc đời của Hòa Thân.


Nhiều người trẻ tuổi trong xã hội ngày nay cho rằng gia đình không có nhiều của cải, bản thân lại không làm ra nhiều tiền nên lâm vào bi quan chán nản, than trời trách người, lại luôn nghĩ muốn làm giàu nhanh chóng. Kỳ thực chỉ cần dưỡng thành tính “cần kiệm” và giảm bớt “tham thèm” thì chắc chắn cuộc sống đã trở nên đầy đủ và sung túc hơn rồi.


Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook