Giật mình với việc làm của hai cựu tư lệnh cảnh sát biển
Từ phiên tòa xét xử 2 cựu tư lệnh cảnh sát biển có liên quan đến hối lộ, Tuổi Trẻ đã ghi nhận ý kiến của các chuyên gia về bài học cần rút ra.
* Ông Nguyễn Đức Sáu (nguyên chánh tòa Tòa hình sự TAND TP.HCM):
Không giám sát dễ sai phạm
Sau vụ án này có rất nhiều điều cần suy ngẫm. Những bị cáo để được phong cấp hàm từ sĩ quan trung cấp lên cao cấp và bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo chắc chắn đã có những bước cân nhắc, đánh giá rất nhiều về phẩm chất, năng lực, quá trình cống hiến, động cơ phấn đấu, quan hệ với đồng nghiệp đồng đội, quần chúng...
Quy trình sàng lọc 5 bước, 7 bước để chuẩn bị hồ sơ, sàng lọc, xem xét được thực hiện kỹ lưỡng, nhưng sau đó họ không giữ được mình thì không thể đổ lỗi hết cho công tác cán bộ.
Quá trình đó, mỗi cá nhân phải tự tu dưỡng, rèn luyện, giữ mình. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải xem lại việc quản lý.
Nguyên tắc các cơ quan cấp trên phải thường xuyên kiểm tra cấp dưới, trong tập thể phải kiểm tra, giám sát làm sao cho hiệu quả. Xưa nay, những vị trí công tác thường xuyên bị giám sát, đấu tranh, phê phán sẽ ít xảy ra sai phạm; ngược lại vị trí nào được tin tưởng quá mức, hoặc không có sự giám sát sẽ dễ chủ quan, bước chân vào cái sai.
Theo dõi vụ án thấy rất xót xa bởi có bị cáo là thiếu tướng, có bề dày công tác, cống hiến. Họ từng được trau dồi phẩm chất, đạo đức, có tinh thần đấu tranh, canh giữ, bảo vệ, ngăn chặn tất cả hành vi sai phạm, kể cả xâm phạm vùng trời vùng biển, xâm phạm tài sản, lãnh thổ quốc gia.
Họ từng cống hiến, phấn đấu, không sợ hy sinh, vất vả để rồi được ghi nhận, bổ nhiệm. Nhưng đáng buồn là chính họ lại bị gục ngã, mua chuộc trước cám dỗ mà không kịp thức tỉnh, bước chân ra.
Những lời ăn năn, xin lỗi của các bị cáo trước tòa dù thành thật, nhưng đáng tiếc lại muộn và hẳn sẽ còn khiến họ day dứt. Giá như ân hận sớm hơn, họ được tác động hoặc tự thức tỉnh chính lương tâm của mình sớm hơn thì hậu quả bớt đi nhiều cho Nhà nước, nhân dân, gia đình, xã hội và cá nhân họ.
* Thạc sĩ Lưu Đức Quang (giảng viên Đại học Kinh tế - luật, Đại học Quốc gia TP.HCM):
Vô cùng nguy hiểm khi người gác cửa biến chất
Việc hai cựu tướng lãnh đạo cảnh sát biển vùng 3 và 4 bị xét xử về tội nhận hối lộ tiếp tay cho buôn lậu xăng dầu trên biển đã nhận được sự quan tâm của dư luận cả nước.
Đó là do đặc thù vị trí công tác của hai cựu tư lệnh này lại khiến tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội càng được quan tâm hơn.
Hai vị cựu tư lệnh cảnh sát biển vùng 3 và 4 đều nhận hối lộ để tiếp tay bằng cách nhắn tin tọa độ cho tàu chở xăng dầu buôn lậu thuận lợi vượt qua trót lọt các lớp kiểm tra, giám sát của lực lượng chức năng trên biển.
Đây là hành vi vô cùng nguy hiểm. Bởi lẽ cảnh sát biển ngoài chức năng nhiệm vụ là lực lượng hành pháp trên biển thì vai trò còn quan trọng hơn là bảo đảm an ninh lãnh thổ trên biển, là phên giậu Tổ quốc trên biển.
Mà phên giậu trên biển do đặc thù khó kiểm soát hơn trên bộ nên an ninh trên biển luôn được đề cao và chức năng, vai trò của cảnh sát biển (cùng với các lực lượng có nhiệm vụ liên quan) cũng luôn là trọng yếu.
Vì vậy, việc nhắn tọa độ để tàu buôn lậu xăng dầu dễ dàng thoát qua các lực lượng kiểm soát trên biển không chỉ là tạo điều kiện cho mặt hàng quan trọng thiết yếu, phá hoại chính sách kinh tế được Nhà nước bảo vệ mà còn vô cùng nguy hiểm với nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia.
Tòa án quân sự Quân khu 7 tuyên phạt cựu thiếu tướng Lê Văn Minh mức án 15 năm tù, cựu thiếu tướng Lê Xuân Thanh 12 năm tù vì nhận hối lộ để bảo kê đường dây buôn lậu hơn 198 triệu lít xăng.