Giáo viên vùng cao - những người gieo mầm xanh

Chia sẻ Facebook
20/11/2022 12:41:37

Nghề giáo được ví với nhiều điều, là người lái đò, là người thắp lửa... nhưng hôm nay chúng tôi muốn gọi họ là những "người gieo mầm xanh".

Nếu nói đến "gieo mầm" thì khó khăn nhất có lẽ là những vùng rẻo cao trùng điệp, nơi mà địa hình, thiên nhiên và cả khí hậu đều vô cùng khắc nghiệt cũng như hành trình "gieo con chữ" của các thầy cô bị bủa vây bởi trăm bề những thiếu thốn: thiếu điện nước, thiếu cơ sở vật chất dạy học, thiếu ăn thiếu mặc và thậm chí thiếu cả học trò.


Giáo viên vượt mưa lũ gieo chữ

Một tháng trước, mưa lũ xảy ra nghiêm trọng tại miền Trung nước ta, trong đó có tỉnh Nghệ An. Bởi thế, con đường đến trường mùa này của các thầy cô giáo cũng nhọc nhằn hơn cả. Sau những trận lũ quét, sạt lở, các thầy giáo ở điểm trường bản Nậm Tột của trường tiểu học Tri Lễ 4 lại bắt đầu hành trình dài gần 30 cây số vượt núi, đội mưa để trở lại trường. Còn ở trường tiểu học Bắc Lý 2, khi mưa lũ về, cuối tuần những lũ trẻ cũng chẳng thể về được nhà bởi nhà cách trường 20 cây số, đường đất vách núi vô cùng khó khăn. Các thầy cũng chẳng về nhà mà ở lại chăm cho lũ trẻ.

Ngày mưa gió giá rét, co ro giữa đêm lạnh, những cơn giật mình, thổn thức của lũ trẻ cứ chốc chốc lại về. Thế nhưng, bởi có những hơi ấm tình thương từ người thầy người cha mà những giấc ngủ con lại được an yên. Những bão giông cũng vì vậy mà dừng lại sau cánh cửa.

Sau mưa trời lại sáng, các thầy cô trở lại với công việc giảng dạy, gieo chữ nơi vùng cao biên giới đầy khắc nghiệt.


Thầy giáo nơi vùng cao

Dạy học ở vùng cao là công việc đầy khó khăn và thử thách bởi những người thầy cô giáo phải vượt lên những khó khăn về địa hình, khí hậu khắc nghiệt,... và có những người còn phải vượt qua cả những định kiến. Nói đến bậc học mầm non, nhiều người thường nghĩ đến hình ảnh các cô giáo trẻ hát hay, múa dẻo. Nhưng ở chính những lớp học mầm non ấy, còn có bóng dáng những người thầy đang từng ngày tận tụy chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ cho lớp măng non.

Clip về thầy giáo Ma Đình Hiểu - giáo viên mầm non tại tỉnh Thái Nguyên đang dạy các em học sinh học múa hát được đăng tải trên fanpage của Việc tử tế đến nay đã nhận về hơn 146 nghìn lượt yêu thích và hơn 3,4 triệu lượt xem, cùng với đó là những bình luận, những lời chia sẻ.

Vượt qua những định kiến rằng "nuôi dạy trẻ" là công việc chỉ phù hợp với nữ giới, thầy giáo Ma Đình Hiểu đã gắn bó với công việc là giáo viên mầm non nhiều năm nay. Giờ đây, trên khắp đất nước Việt Nam có nhiều những thầy giáo đã và đang bén duyên với công việc này. Một điểm trường tại Mèo Vạc, Hà Giang cũng có một thầy giáo đang miệt mài nuôi dạy trẻ như vậy.

Thầy giáo Nông Văn Thuyên - điểm trường Nà Pinh, xã Niêm Tòng, Mèo Vạc, Hà Giang công tác bên ngành mầm non được 12 năm.

"Khi tôi đi học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên thì cả trường có 2.000 người nhưng duy nhất chỉ có 2 nam. Còn lớp tôi có duy nhất tôi là nam đứng trong 62 sinh viên nữ" - thầy Thuyên chia sẻ.

Thầy Thuyên cho biết có những người cũng xì xào, rồi nói về giới tính này nọ nhưng bản thân anh không coi đó là điều sai trái.

"Xã hội đặt ra không có nghề nào dành cho nam, nghề nào dành cho nữ cả. Không phải cứ giáo viên mầm non là nữ, giáo viên thể dục phải là nam đâu. Ai thích nghề nào chúng ta chọn nghề đấy" - thầy Thuyên chia sẻ.

Không chỉ một mình thầy Thuyên, đặc biệt hơn trong gia đình thầy còn có thêm một giáo viên nam nuôi dạy trẻ nữa. Trong huyện Mèo Vạc có duy nhất 2 nam giáo viên mầm non là thầy Thuyên và em họ của thầy. Những ánh mắt thơ ngây, những nụ cười của trẻ thơ chính là động lực để những "người thầy đặc biệt" miệt mài gieo ươm những mầm non nơi cao nguyên.


Gác lại nỗi niềm riêng để gieo chữ

Với những đứa trẻ có bố mẹ là giáo viên vùng núi thì rất thiệt thòi. Các em phải làm quen với sự chia cắt gia đình từ nhỏ, học cách chia sẻ bố mẹ mình với những người bạn tại những vùng khó khăn hơn.

Ở điểm trường Bắc Lý 2, có những đứa trẻ theo bố theo mẹ đi học. 2 bố mẹ dạy ở 2 điểm trường khác nhau, nay ở với bố, mai ở với mẹ, những đứa trẻ chỉ có thể ở gần bố hoặc mẹ để thuận tiện cho việc học.

Chịu cảnh chia xa con cái, những thầy cô ở đây trở thành cha thành mẹ, dành hết tình yêu thương, chăm lo từng li từng tí cho những đứa trẻ này. Tạm gác lại nỗi niềm riêng, những người thầy người cô vẫn cứ miệt mài bám trụ, giữ mạch nguồn yêu thương, ươm mầm xanh ngày một khôn lớn.

Ở những nơi càng khắc nghiệt, sự sống lại càng vươn lên đầy mạnh mẽ và hành trình gieo mầm xanh cũng vậy, nhờ có bàn tay chăm chút, tưới tắm của các thầy cô giáo, những cây con sẽ bám rễ sâu trong lòng đất để cao lớn và trưởng thành. Thế nhưng, những người gieo mầm, họ không bao giờ cần ai phải báo đáp hay ghi nhớ công ơn của mình.

Ở trên nơi khó khăn như thế này, để có hoa hoặc quà thì rất ít nên các thầy cô chỉ chia vui với nhau bằng những tin nhắn qua điện thoại. Không phải hoa hay quà, chỉ cần các em học sinh đến lớp đầy đủ, biết cái chữ, chăm ngoan, đó là món quà vô giá, là động lực để thầy cô giáo gắn bó với sự nghiệp "trồng người" nơi non cao.

Chia sẻ Facebook