Giao tranh trên chiến tuyến Ukraine như “chơi trốn tìm với Thần chết”
Trong các khu vực xung đột đang diễn ra, Ukraine nhắm vào các lực lượng Nga bằng pháo, xe tăng và tên lửa, và Nga cũng đáp trả tương xứng.
Các lực lượng ly khai thân Nga hôm 7/10 tuyên bố đã giành được một loạt ngôi làng gần Bakhmut, miền Đông Ukraine.
Với dân số trước giao tranh vào khoảng 70.000 người, Bakhmut là một thị trấn công nghiệp sản xuất rượu và khai thác muối, nằm trên trục đường chính từ Donetsk đến thủ đô Kiev.
Nơi đây đã hứng chịu nhiều tuần pháo kích liên miên trong cuộc xung đột, và hiện đang do quân đội Ukraine trấn giữ. Tuy nhiên, việc phòng thủ Bakhmut vẫn là một trong những thách thức lớn nhất của Ukraine ở tiền tuyến phía Đông.
Đưa tin từ Bakhmut, phóng viên Charles Stratford của Al Jazeera mô tả tình huống ở đó giống như một “trò chơi trốn tìm với Thần chết”, với việc cả hai bên đều phát động tấn công.
Chỉ vào một khẩu pháo được huy động nhắm vào nguồn tiếp tế và các vị trí pháo binh của Nga cách hơn 30 km bên ngoài Bakhmut, phóng viên của Al Jazeera nói, “Phải mất khoảng 40 giây để quả đạn tiếp cận mục tiêu. Quỹ đạo của nó sẽ được điều chỉnh sau khi nhận được thông tin từ máy bay không người lái và máy dò tìm vùng mục tiêu”.
Các cuộc pháo kích dữ dội có thể nghe thấy từ hướng Otradovka, Veselaya Dolina và Zaitsevo, những nơi dường như đã nằm trong tay các lực lượng của Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng mới gần đây gia nhập Liên bang Nga.
Một chỉ huy pháo binh Ukraine nói với Al Jazeera rằng các binh sĩ Ukraine đang ở Bakhmut vì “đó là một vị trí then chốt”, và nhiệm vụ của họ là tiêu diệt những cứ điểm tập trung nhân lực và các khẩu đội pháo của đối phương.
Tuyên bố về của phía Nga về những lợi ích thu được xung quanh Bakhmut được đưa ra trong bối cảnh Ukraine đang gặt hái nhiều thành công trong cuộc phản công gần đây và đẩy lùi các lực lượng Nga trên khắp các chiến tuyến ở miền Nam và miền Đông, bao gồm cả ở các khu vực của Donetsk.
Vũ khí phương Tây đã giúp quân đội của Kiev giành lại nhiều lãnh thổ hơn trong tháng qua so với số lượng mà các lực lượng Nga chiếm được trong 5 tháng.
Trong bài phát biểu hàng đêm hôm 7/10, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết, riêng trong tuần này, các lực lượng Ukraine đã giải phóng 776 km2 lãnh thổ ở miền Đông và 29 khu định cư, trong đó có 6 khu ở vùng Luhansk thuộc Donbass.
Hãng thông tấn nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu Agency đã chụp được những bức ảnh về một ngôi làng mà Ukraine tái chiếm ở khu vực giáp ranh Kherson.
Ngôi làng này, nằm gần chiến tuyến, đã bị thiệt hại nặng nề, hầu như không còn căn nhà nào không bị tổn hại. Hầu hết các cư dân đã phải rời bỏ nhà cửa của họ.
Những người ở lại dành phần lớn thời gian ở nhà dưới làn đạn pháo và tên lửa, với tiếng bom nổ rền vang khắp các đường phố.
Mặc dù Ukraine đã giành lại quyền kiểm soát, nhưng có thể mất nhiều thời gian hơn để cuộc sống ở ngôi làng này trở lại bình thường do xung đột vẫn tiếp diễn trong khu vực xung quanh và hầu hết các ngôi nhà vẫn cần được sửa chữa.
Cầu huyết mạch Crimea bị đánh bom
Cây cầu duy nhất nối bán đảo Crimea với vùng Krasnodar ở Tây Nam nước Nga, đồng thời cũng là cây cầu dài nhất châu Âu, đã bị rung chuyển bởi một vụ nổ sáng sớm hôm 8/10. Cảnh quay về một đoàn tàu chìm trong biển lửa xuất hiện trên mạng xã hội.
Hình ảnh cho thấy ngọn lửa bùng lên trên ít nhất 2 toa của một đoàn tàu trên cầu Kerch bên cạnh những đoạn đường bị sập.
Các nhân chứng cho biết vụ nổ xảy ra vào khoảng 6h sáng theo giờ địa phương (10h giờ Nà Nội) ngày 8/10 và nói rằng nó có thể được nghe thấy từ cách xa hàng km. Một cột khói đen bốc lên nghi ngút từ cây cầu và một nửa cây cầu đường bộ chạy song song với đường sắt đã bị sập ở eo biển Kerch.
Ủy ban chống khủng bố quốc gia Nga (NAC) cho biết, một chiếc xe tải đã phát nổ trên cầu từ phía bán đảo Taman, làm lửa cháy lan sang 7 thùng nhiên liệu trên một đoàn tàu hỏa đang chạy về phía bán đảo Crimea, RIA Novosti đưa tin.
Ông Oleg Kryuchkov, cố vấn của người đứng đầu Crimea, cho biết dường như không có bất kỳ thương vong nào, hãng thông tấn Nga TASS đưa tin.
Một chuyên gia về chất nổ nói với truyền thông rằng có những dấu hiệu cho thấy đám cháy có thể không phải do tên lửa gây ra, và có lẽ “một cuộc tấn công được lên kế hoạch tốt có thể là nguyên nhân”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thành lập một ủy ban chính phủ về vụ việc, hãng tin Vesti cho biết.
Kiev chưa nhận trách nhiệm về vụ việc. Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Ukraine để yêu cầu bình luận.
Chưa ngã ngũ việc ông Zelenskyy dự thượng đỉnh G20
Ông Zelenskyy vẫn chưa quyết định liệu ông có đi dự Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Indonesia vào tháng 11 tới hay không, người phát ngôn của Tổng thống Ukraine nói với hãng tin Strana hôm 7/10.
“Không, quyết định cuối cùng vẫn chưa được đưa ra”, ông Sergey Nikiforov cho biết.
Trước đó, trang The National News của UAE đưa tin, dẫn lời Đại sứ Indonesia tại UAE rằng Tổng thống Nga và nhà lãnh đạo Ukraine đã đồng ý tới dự sự kiện này , dự kiến diễn ra vào ngày 15-16/11 tới tại thiên đường nghỉ dưỡng nổi tiếng của Indonesia là đảo Bali.
Theo nhà ngoại giao Indonesia, công tác chuẩn bị hậu cần cho việc đón tiếp hai vị Tổng thống đang được tiến hành.
Ông Putin ký sắc lệnh về quyền kiểm soát dự án dầu khí
Sakhalin-1
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 7/10 đã ký sắc lệnh thành lập ban lãnh đạo mới cho dự án dầu khí Sakhalin-1 ở vùng Viễn Đông của Nga, với tập đoàn dầu khí Mỹ Exxon Mobil Corp là cổ đông lớn nhất.
Động thái của ông Putin gây ảnh hưởng đến khoản đầu tư lớn nhất của Exxon vào Nga. Exxon từ chối bình luận về sắc lệnh.
Sắc lệnh trên trao cho chính phủ Nga quyền quyết định liệu các cổ đông nước ngoài có thể giữ lại cổ phần trong dự án hay không. Exxon nắm giữ 30% cổ phần điều hành tại Sakhalin-1, trong khi công ty Rosneft của Nga, ONGC Videsh của Ấn Độ và SODECO của Nhật Bản là đối tác.
Theo sắc lệnh, chính phủ Nga đang thành lập một công ty Nga, do Sakhalinmorneftegaz - công ty con của Rosneft quản lý, và sẽ sở hữu quyền của các nhà đầu tư tại Sakhalin-1.
Các đối tác nước ngoài sẽ có 1 tháng sau khi công ty mới được thành lập để yêu cầu chính phủ Nga chia cổ phần trong thực thể mới, sắc lệnh cho biết.
Sản lượng dầu tại dự án Sakhalin-1 đã giảm xuống chỉ còn 10.000 thùng/ngày vào tháng 7, từ mức 220.000 thùng/ngày trước khi chiến sự bùng phát.
Hồi tháng 7, một sắc lệnh tương tự đã được ban hành để trao cho Nga toàn quyền kiểm soát Sakhalin-2, một dự án khí đốt và dầu khác ở vùng Viễn Đông của Nga, với Shell và các công ty Nhật Bản Mitsui và Mitsubishi là đối tác.
Một số diễn biến khác quanh xung đột Nga-Ukraine
Ban điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm 7/10 đã chấp thuận yêu cầu của Ukraine về khoản tài trợ khẩn cấp bổ sung trị giá 1,3 tỷ USD để giúp nước này duy trì nền kinh tế trong bối cảnh giao tranh với Nga vẫn đang tiếp diễn. Khoản tài trợ này sẽ đến từ một chương trình cho vay khẩn cấp mới để giải quyết tình trạng thiếu lương thực.
Chính phủ Ba Lan đã bổ nhiệm lãnh đạo tạm thời để điều hành công ty Novatek Green Energy của Nga ở Ba Lan sau khi công ty này bị trừng phạt vào đầu năm nay và buộc phải tạm dừng hoạt động ở quốc gia Trung Âu này, chính phủ Ba Lan cho biết hôm 7/10. Động thái bổ nhiệm ban lãnh đạo mới tạm thời cho Novatek sẽ đảm bảo an ninh năng lượng cho 1.000 khách hàng ở Ba Lan.
Ông Rafael Grossi, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) - cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc, sẽ đến Nga vào đầu tuần tới để đàm phán về việc thiết lập một khu vực bảo vệ xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia do Nga kiểm soát ở miền Nam Ukraine, cơ quan này cho biết trong một tuyên bố hôm 7/10. Trước đó, IAEA cho biết ông Grossi sẽ đến Kiev và Moscow trong tuần này. Và ông Grossi đã ở Kiev ngày 7/10.
Pháp đã thành lập một quỹ, ban đầu trị giá 100 triệu Euro (98 triệu USD), để giúp Ukraine trực tiếp mua vũ khí và các thiết bị khác mà nước này cần trong cuộc chiến chống Nga, Tổng thống Emmanuel Macron cho biết sau một hội nghị thượng đỉnh của Cộng đồng Chính trị châu Âu (EPC) ở Prague, Cộng hòa Séc, hôm 7/10. Ông Macron cũng cho biết rằng Pháp đang thảo luận với Đan Mạch để tìm cách chuyển giao thêm các khẩu lựu pháo bánh lốp CAESAR cho Ukraine, bên cạnh 18 khẩu mà Paris đã chuyển giao.
Nga sẽ cân nhắc việc bắt đầu cuộc điều tra của riêng mình về sự cố rò rỉ đường ống Nord Stream 1 và 2 vì Đan Mạch không cho phép Nga tham gia vào cuộc điều tra của họ, Đại sứ quán Nga tại Đan Mạch cho biết hôm 7/10. Cơ quan đại diện của Nga cũng cho rằng việc Đan Mạch từ chối cho phép Nga tham gia cuộc điều tra làm suy yếu độ tin cậy của bất kỳ kết quả nào trong tương lai.
Hôm 7/10, Giải Nobel Hòa bình năm 2022 đã được trao cho nhà hoạt động nhân quyền Ales Bialiatski của Belarus, tổ chức nhân quyền Memorial của Nga và tổ chức nhân quyền Center for Civil Liberties của Ukraine vì các đóng góp trong vấn đề nhân quyền .
Minh Đức (Theo Al Jazeera, Reuters, Newsweek, Anadolu Agency)