Giao tranh Nga-Ukraine không dừng lại ở Donbass

Chia sẻ Facebook
06/12/2022 17:15:26

Sức nóng giao tranh Nga-Ukraine không chỉ phả ra từ Donbass mà còn khuấy động những khu vực nằm giáp giới hai nước và cách tiền tuyến đến vài trăm km.


Giao tranh giữa Nga và Ukraine tiếp tục diễn ra ác liệt ở khu vực nằm giữa Lugansk và Donetsk, hai khu vực hợp thành Donbass ly khai Ukraine.


Ông Serhiy Haidai, người đứng đầu chính quyền quân sự khu vực Luhansk do Ukraine bổ nhiệm, cho biết trên truyền hình nhà nước hôm 5/12 rằng “Tình hình ở khu vực Donetsk là khó khăn nhất khi người Nga đang cố gắng kiểm soát Bakhmut - và tất cả các khu định cư nằm giữa Lysychansk (Lugansk) và Bakhmut (Donetsk) đều quan trọng đối với họ”.

Lysychansk nằm ở khu vực Luhansk và nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng Nga từ tháng 6 vừa qua.

Ông Haidai cho biết rằng quân đội Ukraine đã tiêu diệt “một số lượng lớn” binh sĩ và thiết bị của Nga tại làng Bilohorivka.

“Bây giờ họ đang cố gắng xuyên thủng tuyến phòng thủ, vì họ dự định tạo thêm một đầu cầu để mở rộng cuộc tấn công. Các cuộc tấn công đang diễn ra ở đó suốt ngày đêm, lãnh thổ này liên tục bị pháo kích. Sáu người vẫn ở trong làng; đó là những người lớn tuổi không muốn rời đi. Rất khó để sơ tán những người không có ý muốn rời đi”, vị quan chức này cho biết.

Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, ông Haidai cho biết rằng “việc giải phóng khu vực Luhansk là rất khó khăn. Tuy nhiên, có một điều tích cực. Quân đội của chúng tôi cách không xa Kreminna”, một thị trấn phía bắc Lysychansk do Nga kiểm soát từ những ngày đầu của cuộc giao tranh.

Ông Pavlo Kyrylenko, người đứng đầu chính quyền quân sự khu vực Donetsk do Ukraine bổ nhiệm, hôm 5/12 cũng xác nhận rằng tình hình xung quanh Bakhmut “cực kỳ căng thẳng. Tuyên bố của đối phương rằng họ đã chiếm được Bakhmut và đang ở ngoại ô thành phố là không đúng sự thật”.

“Hầu hết người dân đã sơ tán khỏi Bakhmut. Hiện có khoảng 12.000 cư dân ở Bakhmut trong tổng số 81.000 người trước giao tranh”, vị quan chức Ukraine cho biết.

Một ngôi nhà bị hư hại sau một cuộc tấn công quân sự ở Donetsk, ngày 5/12/2022. Ảnh: Anadolu Agency

Trong khi đó, dân quân thân Nga ở Donetsk và Lugansk cho biết quân đội Ukraine đã hứng chịu nhiều thương vong trong các cuộc đụng độ trong ngày 5/12.

“Tổn thất nhân lực của kẻ địch lên tới hơn 40 người. Ngoài ra dân quân Donetsk kết hợp với quân đội Nga cũng phá hủy một xe tăng T-72B, 2 trạm radar P-18 và 36D6, bệ phóng 5P85D của hệ thống tên lửa phòng không S-300 và 8 xe bọc thép và xe cơ giới của quân đội Ukraine”, cơ quan báo chí của Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng cho biết.

Trên Telegram, cơ quan báo chí của Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng cho biết, “Phía Ukraine tổn thất 70 binh sĩ, 3 xe tăng, 4 xe bọc thép chở quân, một UAV và 17 xe cơ giới đặc biệt”.

Trong ngày 5/12, các kỹ sư của LPR đã rà phá bom mìn hơn 5 ha, dọn sạch chất nổ do quân đội Ukraine gài trong khu vực các khu định cư Novoaleksandrovka và Katerinovka ở quận Popasnyansky, cơ quan báo chí của LPR cho biết thêm.


Cháy lớn ở vùng giáp giới Nga-Ukraine

Vào đầu ngày 6/12, một máy bay không người lái đã tấn công một cơ sở dầu mỏ gần một sân bay ở vùng Kursk của Nga giáp giới với Ukraine.

Ông Roman Starovoy, Thống đốc vùng Kursk của Nga, cho biết rằng cơ quan dịch vụ khẩn cấp đã dập tắt đám cháy theo sau vụ tấn công và không có ai bị thương. Sân bay ở thành phố Kursk, được sử dụng cho hàng không dân sự và quân đội Nga.

Video từ Kursk hôm 6/12 cho thấy một đám cháy lớn với những cột khói có thể nhìn thấy từ khắp thành phố, New York Times cho biết.

Bản đồ cho thấy vị trí các căn cứ quân sự Nga bị tập kích trong ngày 5/12/2022. Đồ họa: NY Times


Thiệt hại tại căn cứ không quân Nga

Trước đó, trong ngày 5/12 đã xảy ra các cuộc tấn công táo bạo nhằm vào 2 căn cứ quân sự nằm sâu trong lãnh thổ Nga.

Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine nhằm vào căn cứ không quân Dyagilevo ở Ryazan và căn cứ không quân Engels ở Saratov đã khiến 3 quân nhân thiệt mạng và 2 máy bay bị hư hại nhẹ, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, đồng thời bổ sung “các drone của Ukraine bay ở độ cao thấp” đã bị lực lượng phòng không Nga đánh chặn.

Sân bay Engels, trên sông Volga ở miền Nam nước Nga, là căn cứ cho một số máy bay ném bom tầm xa, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Nga, bao gồm Tupolev-160 và Tupolev-95.

Công ty hình ảnh vệ tinh ImageSat International (ISI) của Israel hôm 5/12 đã công bố những hình ảnh được cho là cho thấy hậu quả của một vụ nổ tại căn cứ không quân Dyagilevo, ở Ryazan, Đài CNN đưa tin.

“Trên một hình ảnh từ ngày 5/12/2022, các vết cháy và vật thể được nhìn thấy gần một chiếc máy bay Tu-22M dường như đã bị hư hại”, ISI cho biết, Công ty này đã cung cấp hình ảnh cho CNN.

Engels và Dyagilevo nằm cách biên giới Ukraine 300-450 dặm (khoảng 483-724 km), nằm ngoài tầm bắn của bất kỳ tên lửa nào được biết đến trong kho vũ khí của Ukraine.

Hình ảnh được cho là cho thấy hậu quả của một vụ nổ tại căn cứ không quân Dyagilevo ở Ryazan, Nga, ngày 5/12/2022. Ảnh: CNN

Bộ Quốc phòng Ukraine không đưa ra bình luận chính thức nào về các vụ nổ, và chính phủ Ukraine không thừa nhận việc bổ sung các drone tấn công tầm xa vào kho vũ khí của mình.

Tuy nhiên, nhà sản xuất vũ khí thuộc sở hữu nhà nước Ukroboronprom đã nhiều lần chỉ ra rằng họ sắp hoàn thành công việc chế tạo một loại drone tầm xa mới, Đài CNN cho biết.

Theo CNN, vào tháng 10, Ukroboronprom đã đăng trên Facebook — cùng với một hình ảnh về thứ dường như là một phần cấu trúc của chiếc drone: “Tầm hoạt động là 1.000 km, trọng lượng của đơn vị chiến đấu là 75 kg. Đang hoàn thiện những chi tiết cuối cùng cho chiếc này”.

Vào ngày 24/11, Ukroboronprom đã có một bài đăng khác: “Giai đoạn tiếp theo của thử nghiệm UAV - Thay mặt Tổng Tham mưu trưởng (Ukraine), chúng tôi đã sẵn sàng cho các chuyến bay thử nghiệm dưới tác động của tác chiến điện tử”.

Hôm 3/12, một phát ngôn viên của công ty Natalia Sad được hãng thông tấn Ukrinform đưa tin đã nói với truyền hình Ukraine: “Cho đến hôm nay, một số giai đoạn thử nghiệm thành công đã hoàn thành. Theo chỉ thị của Tổng tham mưu trưởng Ukraine, chúng tôi đang chuyển sang giai đoạn thử nghiệm liên quan đến môi trường gây nhiễu tác chiến điện tử”.

Tuy nhiên, không có dấu hiệu công khai nào cho thấy chiếc drone được đề cập đã sẵn sàng triển khai hoặc có liên quan đến các vụ nổ bên trong nước Nga.


Ông Putin thị sát cầu Crimea

Tổng thống Vladimir Putin đã đích thân thị sát cây cầu nối đất liền Nga với bán đảo Crimea hôm 5/12, gần 2 tháng sau khi một vụ nổ phá sập một phần cây cầu.

Cuộc tấn công vào cầu Kerch hồi đầu tháng 10, một dự án tâm huyết của ông Putin đã trở thành tuyến đường tiếp tế quan trọng cho các lực lượng của Moscow ở miền Nam Ukraine, là một mốc quan trọng trong xung đột Nga-Ukraine.

Điện Kremlin cáo buộc Ukraine dàn dựng vụ nổ và kích hoạt một làn sóng không kích trả đũa.

Ông Putin thăm cầu Kerch nối bán đảo Crimea và đất liền Nga, ngày 5/12/2022. Ảnh: CNN

Video do Điện Kremlin công bố cho thấy ông Putin lái xe Mercedes qua cầu. Cùng đi với Phó Thủ tướng Marat Khusnullin, người phụ trách việc sửa chữa, ông Putin đã hỏi thăm tiến độ công việc và cho biết ông hy vọng cầu đường bộ và đường sắt sẽ được khôi phục hoàn toàn vào giữa kỳ nghỉ hè tới.

Chỉ vào đoạn đường sắt vẫn còn cháy đen của cây cầu, ông nhận xét “Đây là một vụ nổ lớn”.

Được khánh thành vào năm 2018, cầu Kerch – cây cầu dài nhất châu Âu – là biểu tượng cho sự kết nối mà Điện Kremlin đang cố gắng tạo dựng giữa Nga và Crimea.

Theo New York Times, trong khi chính phủ Ukraine không nhận trách nhiệm về vụ nổ khiến một phần của cây cầu sập xuống biển vào ngày 8/10, một quan chức cấp cao của Ukraine, người phát biểu với điều kiện giấu tên vì chính phủ Ukraine cấm thảo luận về vụ nổ, xác nhận rằng tình báo Ukraine đứng đằng sau vụ việc.


Cái giá châu Âu phải trả cho xung đột Nga-Ukraine


Thủ tướng Hungary Viktor Orban hôm 5/12 kêu gọi xem xét lại các biện pháp trừng phạt chống Nga và ủng hộ bình luận của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng chi phí cho cuộc xung đột ở Ukraine là khác nhau đối với EU và Mỹ, mặc dù hai bên đều tuân thủ các nguyên tắc giống nhau.

Người dân Ukraine tới cầu nguyện ở Pechersk, thủ đô Kiev, ngày 4/12/2022, trong cảnh mất điện. Ảnh: Getty Images

“Tổng thống Emmanuel Macron đã đúng: Chi phí của xung đột Nga-Ukraine ở hai bờ Đại Tây Dương là không giống nhau. Nếu chúng ta muốn ngành công nghiệp châu Âu tồn tại, chúng ta phải nhanh chóng giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu. Đã đến lúc phải tái đánh giá các lệnh trừng phạt”, ông Orban viết trên Twitter.

Ngày 4/12, trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình CBS, ông Macron tuyên bố rằng Brussels và Washington phải trả giá khác nhau cho tình hình ở Ukraine. Ông cũng cho rằng người tiêu dùng các nước EU buộc phải trả giá cao cho năng lượng cung cấp từ Mỹ, điều này ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ hai bên và ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các nước châu Âu.


Minh Đức (Theo CNN, NY Times, TASS)

Chia sẻ Facebook