'Giáo sư Xoay' Đinh Tiến Dũng: Ra ngoài hỏi xoáy, về nhà lại bị vợ 'xoay'
"Thực ra, tôi chỉ hoạt ngôn trên chương trình. Còn ở ngoài, cả ngày cạy răng tôi có nói gì đâu", "Giáo sư Cù Trọng Xoay" Đinh Tiến Dũng tiết lộ "góc khuất" cuộc sống hôn nhân bên ngoài màn ảnh nhỏ.
"Với người chịu cảnh bạo lực gia đình thì ly hôn là sự giải thoát"
Từ nhân vật Giáo sư Cù Trọng Xoay hài hước cho đến cách dẫn trí tuệ ở "Ai làm triệu phú", giờ lại là host của chương trình sắp lên sóng kể chuyện hậu ly hôn của những người nổi tiếng, khán giả khó hình dung về Đinh Tiến Dũng khi đảm nhận vị trí này?
Tôi không có gì khó khăn để đảm nhận talk show "Lối ra". Tôi nghĩ, các khách mời cần một người đủ chân thành để lắng nghe họ, đủ tôn trọng câu chuyện của họ và không cho họ cảm giác mất an toàn khi phải tiết lộ điều gì.
Tôi nghĩ lứa tuổi của mình rất phù hợp để đứng ở vị trí đó, vì nếu tôi già hơn chút nữa, tầm 50 tuổi thì khách mời sẽ có cảm giác bị phán xét. Nếu tôi trẻ hơn, tầm 30 tuổi thì dễ khiến người ta có cảm giác tôi "chưa trải mùi đời". Ở tuổi hơn 40, tôi nghĩ mình vừa đủ để dẫn chương trình với chủ đề hậu ly hôn.
Có người sẽ đặt câu hỏi, tôi chưa ly hôn sao lại dẫn chương trình về người ly hôn? Tất nhiên, không phải ai cũng phải trải qua mới có thể làm được. Ít nhất, trong cuộc sống mình cũng biết người thân, hay bạn bè bước qua những cuộc ly hôn. Ở góc độ nào đó, tôi cũng có sự tôn trọng nhất định về việc ly hôn. Tôi không dẫn chương trình với tâm thế phơi bày vết thương của các khách mời để… giải trí.
Hơn nữa, sự lạc quan bẩm sinh mà tôi có phần nào khiến cho cuộc nói chuyện, cảm xúc của các khách mời cân bằng hơn, không bị buồn quá. Tôi viết hài mà.
Anh có thể chia sẻ chút về talk show này?
Đây là một talk show với những nhân vật từng ly hôn, đề cập việc họ đã bước qua những nỗi đau khổ ly hôn như thế nào. Điều gì, sự kiện gì, con người hay ai, khoảnh khắc nào, chìa khóa nào giúp họ thoát khỏi sự đau khổ ấy. Từ đó có sự động viên, lời gợi ý hay hy vọng cho những người đang ở giai đoạn đau khổ ấy có thể thoát ra.
Ngoài ra, với số đông khán giả, sẽ tìm được trong đấy những kinh nghiệm thú vị để giữ gìn hạnh phúc gia đình của bản thân, để không bị rơi vào hoàn cảnh đấy. Nếu bị rơi vào hoàn cảnh ấy thì chuẩn bị sẵn tinh thần để đón nhận…
Chương trình muốn đề cập trực diện về vấn đề ly hôn. Nó thực sự nguy hại nếu mọi người cứ giữ trong lòng những hận thù, ẩn ức. Thậm chí, có người bị ảnh hưởng cả một đời. Có người sau ly hôn cứ mãi chìm trong đau khổ…
Anh nghĩ sao, nếu "Lối ra" ra mắt sẽ càng khiến nhiều người… ly hôn hơn?
Tôi nghĩ điều ấy không thể xảy ra. Bởi vì, chương trình này không "đánh" vào các drama, để mọi người nhanh chóng biết đến với những ồn ào. Mà chương trình như món thuốc ngấm dần, chưa lành vết thương tinh thần.
(Cười) Sau khi lên sóng, nếu chương trình nhận được thư của khán giả với nội dung: "Cảm ơn chương trình, vì nhờ chương trình mà tôi đã ly hôn" thì chương trình sẽ hồi đáp: "Không biết chương trình sẽ làm gì với bác. Nhưng trong cuộc tình của bác, nếu bác cảm ơn chúng tôi vì đã ly hôn thì chúng tôi nghĩ rằng sự ly hôn của bác là ly hôn tích cực".
Nếu nghĩ ly hôn là tiêu cực, mới cảm thấy có lỗi, còn với nhiều người thì ly hôn là sự cứu rỗi cả cuộc đời họ và những đứa con. Con của họ sẽ không bị tra tấn trong một gia đình mà bố mẹ suốt ngày "choảng nhau", dành cho nhau những lời không đẹp đẽ gì. Còn với những người đang chịu cảnh bạo lực gia đình thì ly hôn là sự giải thoát.
Ra ngoài hỏi xoáy, về nhà lại bị vợ "xoay"
Có thể ví talk show này như những mảnh gương để người khác soi vào đó cuộc hôn nhân của chính mình. Vậy, khi soi vào đó, anh thấy cuộc hôn nhân của mình hiện trạng như thế nào?
Nếu soi vào bản thân mình, tôi nghĩ cũng có nhiều điều. Không phải khi làm chương trình này, vợ chồng tôi mới có ý thức về việc gìn giữ hạnh phúc gia đình. Từ thực tế có bạn bè đã ly hôn, chúng tôi thường xuyên trao đổi với nhau về việc chăm sóc sức khỏe cho cuộc hôn nhân của mình.
Hôn nhân phải được chăm sóc hàng ngày, được tháo gỡ từ những mâu thuẫn nhỏ nhất. Vì tôi biết, có không ít người ly hôn chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ hàng ngày, lâu ngày tích tụ lại thành… quả bom có sức phá hủy lớn.
Những mâu thuẫn nhỏ hàng ngày nên giải quyết nhanh, ngủ dậy một giấc là xong. Có lần, hỏi lại chuyện tối hôm trước, cả hai đều… không nhớ.
Ở ngoài có biệt danh là Giáo sư Xoay, chuyên đi "xoay" người khác, vậy khi về nhà anh có "xoay" vợ không?
Tôi làm sao dám "xoay". Nhà phải có… nóc. Về nhà, tôi bị vợ "xoay" ý chứ.
Vậy, khi ở nhà, anh là người như thế nào?
Khi ở nhà, tôi đóng vai ông bố nghiêm khắc, thi thoảng nói thôi. Tôi cũng "lừa" con suốt khi chúng hỏi những câu nguy hiểm. Ví dụ, con tôi hỏi về khủng long, hỏi về vũ trụ thì tôi "lừa" được. Phần lớn, tôi nói ít và nói vừa đủ.
Ở góc độ nào đấy, tôi muốn làm gường để con trai mình sẽ nói ít làm nhiều, muốn con gái sau này kiếm được "thằng" cũng nói ít làm nhiều.
"Tôi bị nhầm là Giáo sư thật là chuyện bình thường"
Nhiều người vẫn nhận xét, anh có vẻ bề ngoài già hơn tuổi. Bản thân anh cũng không ít lần thừa nhận điều đó. Vậy vẻ ngoài già hơn tuổi với anh là lợi hay hại?
Tôi tủi thân lắm. Đi đâu, tôi cũng được chào bằng… chú, bằng bác. Tôi bế con đi chơi, có người còn tưởng ông bế cháu đi chơi…
Nói thế thôi, tôi chưa già lắm. Năng lượng từ mình toát ra, mọi người vẫn cảm nhận được sự hồn nhiên ấy.
Từ ngày gắn với biệt danh Giáo sư Xoay, sự nổi tiếng có đem đến cho anh những phiền phức?
Việc tôi bị nhầm là Giáo sư thật là chuyện bình thường. Có những chuyện trong cuộc sống còn phiền phức hơn.
Ví dụ, vợ chồng tôi đi du lịch thuê khách sạn, mấy cô lễ tân cứ nhòm vợ tôi xem là ai, có đúng vợ tôi không. Vợ tôi ngồi cười, nói: "Chắc các em đang nghĩ, đi cặp bồ sao không chọn cô chân dài mà chọn cô thấp thế".
Vợ tôi cũng thay đổi nhiều thói quen sinh hoạt trong cuộc sống, không muốn tôi phải va chạm nhiều. Từ việc chọn chỗ ngồi trong quán ăn, cho đến việc đi lại, cô ấy cũng kín tiếng hơn.
Anh từng chia sẻ, ngoài Giáo sư Xoay, anh còn được gọi bằng nhiều tên khác. Nghe cách gọi là anh biết ngay họ có mối quan hệ với mình như thế nào?
Nếu nghe thấy ai "chào Giáo sư" thì là khán giả hâm mộ. Nếu nghe thấy tiếng: "Dũng đê tiện ơi" thì là bọn FPT gọi. Nếu gọi tên kèm theo tên… phụ huynh thì chắc chắn là bọn cấp ba, còn nếu gọi tên kèm biệt danh như "Dũng vạc" thì chắc chặn là bạn đại học. Nếu gọi với biệt danh khác thì biết ngay bạn cấp học hai…
Theo Dân trí