Giáo sư nổi tiếng nói: Trẻ có 4 dấu hiệu này KHÔNG HỀ THÔNG MINH mà EQ cực thấp, không sửa sớm sẽ hối hận cả đời
Nhiều phụ huynh thường lầm tưởng đây là dấu hiệu của sự thông minh nhưng thật ra không phải như vậy.
Trí tuệ cảm xúc là chìa khoá thành công của một người. Trong tỷ lệ thành công, chỉ số IQ chỉ chiếm 20%, còn chỉ số EQ – hay còn gọi là trí tuệ cảm xúc chiếm đến 80%. So với bản chất bẩm sinh của IQ, EQ được trau dồi và cải thiện qua từng ngày. Đối với những bậc phụ huynh muốn con "hoá rồng, hoá phượng" cần chú ý nuôi dưỡng trí tuệ cảm xúc cho con ngay từ khi còn nhỏ. Tuy nhiên, không phải ai cũng chú ý tới điều này.
Mỹ Mỹ (Trung Quốc) đang rất buồn phiền bởi con trai cô là Tiểu Vương, mới 5 tuổi nhưng đã hay nói bậy. Bất kể ai làm điều gì không hài lòng, cậu bé đều nói ra những lời không hay, khiến người khác tổn thương.
Chẳng hạn, khi tức tối trước điều không hài lòng, Tiểu Vương có thể nói: "Mẹ ơi, sao mẹ ngốc thế", "Bố là đồ đầu heo",… Thậm chí, khi ông bà nội chưa kịp mang đồ ăn đến, cậu bé còn nói: "Chậm chạp quá, già rồi mà còn chưa chết" .
Ban đầu, khi Tiểu Vương mới 3 tuổi đã có tật xấu như vậy. Lúc đó, Mỹ Mỹ muốn giúp con trai sửa nhưng ông bà và chồng cô đều cảm thấy đây là dấu hiệu tài năng ngôn ngữ và thể hiện trí thông minh cao. Lớn lên, cậu bé sẽ tự nhận ra vấn đề và chỉnh sửa, bố mẹ không cần nặng nề điều này.
Trên thực tế, nguyên nhân xuất phát từ việc bố mẹ chồng Mỹ Mỹ chăm sóc cháu nội không cẩn thận. Họ quen miệng thể hiện tình cảm với cháu bằng những câu nói bậy hài hước. Ngoài ra, khi chồng cô cãi nhau với ông bà nội cũng thường mắng những câu liên quan đến "người già", "tuổi già nghễnh ngãng",… Lâu dần, cậu bé học theo và có phát ngôn không tốt.
Sự việc ngày càng trở nên nghiêm trọng, giáo viên mẫu giáo của Tiểu Vương đã gọi điện cho Mỹ Mỹ, nhắc nhở cô giáo dục lại con. Ở lớp, con trai cô bị các bạn tẩy chay bởi thường xuyên nói bậy, tính tình cục cằn. Dù cô giáo đã nhiều lần chỉnh đốn, thậm chí là kỷ luật nhưng cậu bé không hề thay đổi. Nếu không sửa lỗi này sớm thì mai sau, Tiểu Vương sẽ bị mọi người xa lánh, đánh giá kém.
Trên thực tế, biểu hiện của Tiểu Vương hoàn toàn trùng khớp với 1 trong 4 biểu hiện của trí tuệ cảm xúc kém mà Giáo sư Lý Mai Cẩn - Chuyên gia Tâm lý học nổi tiếng (Trung Quốc) đã chỉ ra. Nếu không kịp thời chỉnh sửa sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai đứa trẻ.
1. Thường xuyên nói bậy
Có nhiều ông bố bà mẹ thích nói bậy nên coi việc con mình thực hiện hành vi này là hoàn toàn bình thường, không phải thói quen xấu. Một số phụ huynh khác lại cho rằng, trẻ dùng các câu nói bậy để bộc lộ cảm xúc. Đó là biểu hiện của trí thông minh và năng khiếu ngôn ngữ vượt trội.
Tuy nhiên, trong mắt người khác, nói bậy là hành vi bất lịch sự, thiếu giáo dục. Người bị đối xử như vậy sẽ cảm thấy bị xúc phạm và tổn thương nghiêm trọng. Thích và thường xuyên nói bậy không những không được người khác hoan nghênh mà theo thời gian sẽ khiến trí tuệ cảm xúc xuống thấp.
Vì vậy, khi bố mẹ phát hiện ra con nói tục phải nghiêm khắc uốn nắn ngay. Hãy dạy con học cách tôn trọng người khác, sử dụng ngôn ngữ lịch sự.
2. Thích phàn nàn
Không một ai thích kết giao với những người có năng lượng tiêu cực, hay cằn nhằn đủ thứ. Nếu đứa trẻ thường xuyên phàn nàn, khi mắc lỗi thường đổ lý do cho người khác hoặc đưa ra nguyên nhân khách quan nào đó thì bố mẹ cần xem xét lại. Việc này thể hiện trẻ vô trách nhiệm, không tôn trọng người khác.
Nếu con thường xuyên cằn nhằn, đổ lỗi cho người khác thì bố mẹ cần giáo dục ngay lại. (Ảnh minh hoạ)
Bố mẹ hãy rèn cho con tinh thần lạc quan, suy nghĩ tích cực. Khi con mắc lỗi, hãy nhắc nhở kịp thời, cùng con tìm ra nguyên nhân và nỗ lực khắc phục hậu quả. Đây mới là biểu hiện của người có trí tuệ cảm xúc cao, sẽ luôn được mọi người quý mến và tin tưởng.
3. Không sẵn sàng chia sẻ
Ngày nay, nhiều gia đình thường nuông chiều con cái khiến trẻ có "cái tôi" quá cao, không hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của sự sẻ chia. Các bậc phụ huynh đừng nghĩ rằng việc duy trì "cái tôi" là biểu hiện của sự quyết đoán. Thật ra đây là hành vi cho thấy trẻ đang quá yêu bản thân, coi mình là nhất.
Trẻ có "cái tôi" lớn cũng là báo hiệu của việc có chỉ số cảm xúc thấp. (Ảnh minh hoạ)
Khi lớn lên, những đứa trẻ này sẽ có trí tuệ cảm xúc thấp, có tính ích kỷ, bủn xỉn, không biết yêu thương và quan tâm đến người khác. Người như vậy sẽ không biết ơn ngay chính gia đình mình và bị mọi người xa lánh.
Vì vậy, ngay từ khi con còn nhỏ, bố mẹ cần hướng dẫn con cách chia sẻ, tất nhiên là không nên ép trẻ thực hiện. Hãy giải thích để con hiểu ý nghĩa và niềm vui của việc chia sẻ. Từ đó, trẻ sẽ sở hữu một trái tim ấm áp, luôn chủ động giúp đỡ người khác.
4. Không kiểm soát được cảm xúc
Đối với những người có chỉ số EQ cao, họ sẽ biết cách kiểm soát cảm xúc. Họ sẽ không biến người khác thành công cụ trút bỏ cảm xúc, không gây ảnh hưởng đến công việc chung.
Ngược lại, những người có trí tuệ cảm xúc thấp thường không làm chủ được cảm xúc, dễ cáu gắt làm tổn thương người khác. Một số phụ huynh cảm thấy hành vi đó là đúng mà không nghĩ đến ảnh hưởng tiêu cực đến tương lai của con mình.
Bố mẹ cần chú ý rèn luyện khả năng kiểm soát cảm xúc cho con. Khi cơn tức giận đi qua, hãy khéo léo hướng dẫn con những mẹo nhỏ kiểm soát cảm xúc như: Đi ra chỗ khác để lấy lại bình tĩnh, uống một cốc nước đầy để nguôi giận, chỉ nói chuyện khi đã hết cáu tức,…
Ứng Hà Chi
Pháp luật và Bạn đọc