Giáo sư Nhật Bản yêu cầu nhà sản xuất Em và Trịnh xin lỗi
Giáo sư Michiko Yoshii – một trong những bóng hồng từng một thời bên cạnh cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, thông qua luật sư đại diện Nguyễn Thị Diễm Phượng yêu cầu nhà sản xuất phim Em và Trịnh xin lỗi về việc sử dụng hình ảnh, thông tin về bà nhưng không xin phép.
Chiều 15-9, trong video clip tập đầu chương trình Coffee Sharing do Coffeerary sản xuất đăng tải trên kênh YouTube Coffeerary, luật sư Nguyễn Thị Diễm Phượng cho biết: "Nếu ai đã từng biết đến giáo sư Michiko thì đều biết hành trình thiện nguyện hơn 30 năm qua tại Việt Nam của bà. Với tính cách kín đáo, tốt bụng vốn có, khi phim "Em và Trịnh" vướng lùm xùm từ các nhân vật với cáo buộc sử dụng hình ảnh họ không xin phép, Michiko không chọn lên tiếng thời điểm đó vì sợ sự lên tiếng của mình sẽ ảnh hưởng đến việc chiếu thương mại của phim.
Sau khi phim chiếu thương mại xong, Michiko muốn trở lại vấn đề với nhà sản xuất phim là Galaxy, không nhằm đòi hỏi bất kỳ điều gì khác hơn ngoài lời xin lỗi công khai".
Điều đáng chú ý, luật sư Nguyễn Thị Diễm Phượng khẳng định giáo sư Michiko cho biết đoàn phim, nhà sản xuất "Em và Trịnh" chưa bao giờ liên lạc với bà để xin phép trước khi làm phim. Bà cũng chưa bao giờ đồng ý để nhà sản xuất sử dụng thông tin đời sống riêng tư của mình làm chất liệu để làm phim.
Tuy trong phim "Em và Trịnh" không sử dụng hình ảnh Trịnh Công Sơn cùng Michiko thời trẻ đưa lên màn ảnh rộng nhưng toàn bộ nội dung phim thì nói về cả hai.
"Khi phim trình chiếu, con trai giáo sư Michiko có đến xem do đang làm thiện nguyện ở Việt Nam. Anh thấy nhân vật giống mẹ mình nên đã mang những thắc mắc hỏi ba mình. Những thắc mắc làm gia đình giáo sư Michiko không thoải mái với nhau. Việc yêu cầu nhà sản xuất xin lỗi chỉ là để giải tỏa khúc mắc gia đình, giải tỏa việc không thoải mái khi phim đưa một giai đoạn đời tư rất riêng của bà lên phim" – luật sư Nguyễn Thị Diễm Phượng cho biết.
Theo đó, nếu trong vòng 7 ngày kể từ 13-9, nhà sản xuất không phúc đáp lại yêu cầu từ giáo sư Michiko thì luật sư đại diện sẽ thực hiện bước đệm trước khi gửi đơn ra tòa án là nhờ Cục Điện ảnh can thiệp.
Phía Galaxy EE hiện vẫn chưa lên tiếng về vụ việc nhưng không phải lần đầu phim "Em và Trịnh" vướng lùm xùm.
Trước đó, ca sĩ Khánh Ly cũng lên tiếng về nhân vật Khánh Ly trong phim, danh ca Thanh Thúy cũng lên tiếng phản ứng cách xây dựng hình tượng cũng như những chi tiết sai lệch về bà trong phim.
Thời điểm đó, ông Lương Công Hiếu, CEO của Galaxy EE, nhà sản xuất phim khẳng định trong thông cáo chung rằng "Em và Trịnh" là một bộ phim lãng mạn, không phải là phim tài liệu hay phim tiểu sử.
"Ngay từ đầu, chúng tôi đã khẳng định và còn ghi rõ trong phim "Lấy cảm hứng từ nhân vật có thật," chỉ lấy cảm hứng và kể câu chuyện bằng ngôn ngữ điện ảnh chứ không copy y nguyên sự thật ngoài đời vào trong phim. Chủ đề bộ phim nằm ở hai câu nói của cố nhạc sĩ. Câu thứ nhất là: "Có những ngày tuyệt vọng đến cùng cực, tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau’. Câu thứ hai, "Khi bạn hát một bản tình ca là bạn đang muốn hát về cuộc tình của mình. Hãy hát đi đừng e ngại, dù hạnh phúc hay dở dang thì cuộc tình ấy cũng đã là một phần máu thịt bạn rồi’. Các tình tiết có thật hay hư cấu đều nhằm phục vụ cho chủ đề trên" - ông Hiếu cho hay.
Cũng theo đại diện nhà sản xuất bộ phim, trên thế giới, đã có nhiều bộ phim hư cấu dựa trên nhân vật có thật. Một ví dụ là bộ phim "The Social Network" (Mạng Xã hội) sản xuất năm 2010, nói về sự hình thành của mạng xã hội Facebook. Phim lấy đúng tên thật và nhiều chi tiết tiểu sử của Mark Zuckerberg. Ông trùm này lên tiếng chê phim đã "bịa ra nhiều thứ" khiến bộ phim hào nhoáng và u ám hơn thực tế. Thế nhưng bộ phim vẫn cực kỳ thành công về doanh thu và gặt hái đến 3 giải Oscar, trong đó có giải cho kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất. Từ ví dụ này, có thể thấy "giống như thật" không phải là cơ sở để đánh giá chất lượng một bộ phim điện ảnh, kể cả khi phim lấy cảm hứng từ nhân vật, sự kiện có thật.
Theo ông Lương Công Hiếu, Trịnh Công sơn là một nhạc sĩ lớn, là thần tượng của nhiều người thuộc đủ tầng lớp, lứa tuổi, thể hệ; mỗi người đều có thể hình dung ra một hình ảnh thần tượng riêng cho mình. Sự thật theo cách kể của người này có thể lại sai với người khác. Hãy cho phép người làm phim được làm theo góc nhìn của mình. Nhân vật thật cũng được thẳng thắn đính chính các thông tin và khán giả được quyền biết cả hai câu chuyện mà không bị nhầm lẫn giữa phim và đời thật.
Phim truyện phải theo mạch truyền tải cho chủ đề và góc nhìn tác giả. Và đoàn phim đã thực hiện với tấm lòng ngưỡng mộ và yêu quý các nhân vật chứ không có ý định bôi xấu bất kỳ cá nhân nào.
"Ca sĩ Khánh Ly trong Em và Trịnh có hành xử, lời nói, trang phục khác biệt hẳn với các bóng hồng khác trong phim, là ý đồ của nhà làm phim muốn làm nổi bật cá tính mạnh mẽ của nhân vật. Chúng tôi khẳng định hình tượng của nhân vật Khánh Ly trong phim rất đẹp, và được khắc họa với tấm lòng trân trọng. Sự yêu thích của khán giả với nhân vật của Bùi Lan Hương là minh chứng cho điều đó.
Với độ dài 136 phút, để giữ chân khán giả kiên nhẫn ngồi tại rạp, bắt buộc "Em và Trịnh" phải cho mỗi nhân vật một nét riêng, cá tính khác biệt nhằm tạo kịch tính cho phim. Không chỉ với Khánh Ly, mà nhiều nhân vật khác như Thanh Thúy, nhóm bạn Tuyệt Tình Cốc… trong phim đều có những chi tiết sáng tạo, hư cấu theo đòi hỏi nghệ thuật của bộ phim.
Chúng tôi rất tiếc và thành thật xin lỗi nếu sự sáng tạo của bộ phim có làm phiền lòng đến nhân vật có thật hay người thân. Chúng tôi xin ghi nhận, tiếp thu những đính chính khác biệt trên phim và ngoài đời" - ông Hiếu cho hay.
Nhà sản xuất bộ phim khẳng định: ""Em và Trịnh", bằng ngôn ngữ điện ảnh, đã cố gắng "làm sống lại huyền thoại" Trịnh Công Sơn. Đây là điều vô cùng khó khăn, vì vậy không tránh khỏi thiếu sót. Chỉ mong khán giả hãy đón nhận bộ phim theo cách mà chính cố nhạc sĩ từng nói: "Tôi nghĩ trong nghệ thuật, điều quan trọng nhất là làm thế nào để mở ra một con đường ngắn nhất đi từ trái tim của mình đến trái tim của người mà không cần cắt nghĩa gì thêm".
Ảnh: Coffeerary, Galaxy