"Giao lưu - Tọa đàm: Hồi sinh": Động vật hoang dã và lời kêu cứu của những sự sống đang dần mất đi

Chia sẻ Facebook
09/06/2022 01:48:15

Tình trạng đáng báo động về việc săn bắt trái phép động vật hoang dã tại Việt Nam là một chủ đề không còn mới nhưng vẫn chưa được quan tâm đúng mực.


Chương trình "Giao lưu - Tọa Đàm: Hồi sinh" là một chuyên đề đặc biệt được phát sóng trên VTV2 nhằm hướng đến ngày Môi trường Thế giới 5/6. Mở đầu chương trình, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng - một nhà báo đã có gần 20 năm theo đuổi đề tài môi trường - đã gửi lời kêu gọi khẩn thiết để những sự sống đang dần mất đi, trong đó có nhiều loài động vật hoang dã đang đứng trên bờ tuyệt chủng, có thể được hồi sinh.

Việt Nam là một trong 16 quốc gia có mật độ đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới. Tuy nhiên, thực trạng săn bắt động vật trái pháp luật đã gây nên sự tuyệt chủng của rất nhiều các loài động vật hoang dã. Một số loài vốn được coi là biểu tượng của Việt Nam nhưng hiện nay đã không còn tồn tại trong tự nhiên cũng như đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng rất cao như: tê giác Java, theo sách đỏ của IUCN thì hổ đã bị tuyệt chủng về mặt sinh thái, voi châu Á cũng chỉ còn dưới 100 cá thể tồn tại, sao la - biểu tượng SEA GAMES cũng chỉ còn dưới 20 cá thể, 25 loài linh trưởng ở Việt Nam cũng ở trong tình trạng cực kỳ nguy cấp...

Nhu cầu thưởng thức các món ngon, của lạ được chế biến từ các loài động vật hoang dã nói chung và chim trời nói riêng của người tiêu dùng ngày càng lớn, kéo theo nhiều sự xuất hiện của các nhà hàng chim trời tại nhiều tỉnh thành của Việt Nam. Điều đó đồng nghĩa với việc thúc đẩy các hoạt động bẫy bắt, săn bắt và buôn bán các loại chim hoang dã ngày càng trở nên sôi động, phức tạp.

Ngay cả đối với loài hổ - loài vật được luật pháp bảo vệ cao nhất ở Việt Nam - cũng được cảnh báo là đã tuyệt chủng trong tự nhiên, thế nhưng hoạt động nuôi nhốt hổ, buôn bán các sản phẩm từ hổ bất hợp pháp lại diễn ra vô cùng tinh vi, với số lượng lớn. Trong năm 2021, dư luận và cả nước xôn xao khi công an Nghệ An đã bắt giữ số lượng hổ nuôi nhất bất hợp pháp ở Việt Nam lớn nhất từ trước đến nay - 24 cá thể. Dư luận lại đặt câu hỏi vì sao những đối tượng này lại nuôi nhốt nhiều cá thể hổ như vậy trong thời gian dài nhưng lại không bị chính quyền địa phương và các ngành liên quan phát hiện.

Theo thống kê của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, Việt Nam là quốc gia trung chuyển và là thị trường tiêu thụ động vật hoang dã lớn nhất trên thế giới. Chỉ tính riêng trong năm 2021, trên cả nước có 3.703 vụ vi phạm về động vật hoang dã, tăng 800 vụ so với năm 2020. Tuy nhiên, theo nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, đây vẫn chỉ là bề nổi của một tảng băng khổng lồ.

Bà Đặng Nguyệt Anh - Cán bộ Chương trình Phòng chống buôn bán các loài Hoang dã - WWF Việt Nam - khẳng định hệ thống pháp luật để bảo vệ các loài động vật hoang dã được đánh giá là tương đối đầy đủ và được Quốc tế đánh giá là một bước tiến lớn trong hệ thống pháp luật. Tuy vậy, vẫn còn những bất cập trong hệ thống mà vẫn cần sửa đổi, bổ sung.

"Động vật hoang dã bị coi là hàng hóa, một khi bị coi là hàng hóa thì sẽ bị chi phối bởi quy luật cung-cầu. Do đó, chúng ta cần tác động vào cả nguồn cung và bên cầu. Nhiều chiến dịch giảm cầu, thay đổi hành vi đã được thực hiện ở những quy mô khác nhau nhưng kết quả đạt được chưa được như mong đợi, chưa tạo được hiệu ứng sâu rộng trong xã hội", bà Nguyệt Anh nói thêm, "Chúng ta cần những hoạt động truyền thông bền bỉ, liên tục để tạo ra những tác động lớn trong xã hội".

Trong thời gian gần đây, ngày càng nhiều các trung tâm, tổ chức chung tay vào hoạt động bảo vệ môi trường, cũng như với việc bảo vệ động vật hoang dã. Tại huyện Tuyên Hóa (tỉnh Quảng Bình), đã có một nhóm người bảo vệ động vật vọoc đen gáy trắng hoàn toàn tự nguyện, không lấy một đồng thù lao nào và đã hoạt động bền bỉ trong suốt nhiều năm qua. Đáng chú ý, trong nhóm tình nguyện này cũng từng có những người trước đây từng săn bắt trái phép chính loài động vật này, nhưng giờ đây lại trở thành người bảo vệ.

Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn - Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiền nhiên và đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường - cho biết, vấn đề đa dạng sinh học đang bị suy thoái với tốc độ chưa từng có trong lịch sử xã hội loài người. Bà khẳng định Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang khẩn trương trong việc xây dựng một chương trình phù hợp cho giai đoạn mới và có những hướng dẫn để thực hiện việc truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề này.

Rõ ràng con đường để bảo tồn động vật hoang dã, giảm thiểu săn bắt, buôn bán và sử dụng trái phép không thể là công việc một mình mà còn cần sự liên kết ở tầm khu vực và quốc tế. Như vậy, tất cả chúng ta cần có ý thức về việc bảo vệ động vật hoang dã nói riêng cũng như môi trường nói chung. Thế giới hiện nay cũng còn rất nhiều bất ổn và chính những việc tiêu thụ động vật hoang dã đã tác động mạnh mẽ tới con người. Theo bà Hoàng Bích Thủy - Giám đốc Quốc gia Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã WCS Việt Nam, hậu quả gần nhất, một lời cảnh tỉnh mạnh mẽ nhất cho việc này chính là dịch lây từ động vật sang người.

"Do nuôi nhốt chung các loài động vật, virus từ loài này sẽ lây sang loài kia. Ngoài ra, những con người chế biến động vật hoang dã này cũng có thể bị lây các loại virus này", bà Hoàng Bích Thủy chia sẻ.

"Trái đất là cái nôi, là tấm áo giáp bảo vệ tất cả chúng ta. Các loài động vật hoang dã nằm trong một chuỗi sinh thái cân bằng hoàn hảo. Chúng đã được gạn lọc, đắp bồi, kết cấu một cách màu nhiệm từ vạn thuở. Mọi tác động làm xô lệch, đứt gãy, phá hủy đều có thể gây ra hiệu ứng domino khiến cho thiên tai, dịch dã thậm chí cả sự hủy diệt. Mẹ thiên nhiên bao dung, Trái đất có thể đáp ứng mọi nhu cầu của con người nhưng không thể đáp ứng được lòng tham của mỗi người. Phá rừng, giết hại muông thú, ăn thịt tất cả các loài động vật hoang dã quý hiếm, như thế có khác gì chúng ta đang tự đâm thủng phao cứu sinh của chính mình? Chúng ta không thừa kế Trái đất từ tổ tiên, chúng ta mượn Trái đất từ thế hệ tương lai. Khi chuỗi sinh thái bị đứt gãy, dịch dã, thiên tai sẽ ập đến, chúng ta sẽ không còn cơ hội để sửa sai, tiếc nuối hay xót xa, ân hận", lời kêu gọi đầy khẩn thiết của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng về tình trạng phá rừng và săn bắt động vật hoang dã ở Việt Nam hiện nay.

Chia sẻ Facebook