Giao dịch liên kết: Những điều cần làm rõ

Chia sẻ Facebook
12/11/2022 17:35:09

Doanh nghiệp vay tiền ngân hàng để làm ăn, trả lãi đúng hạn nhưng không được khấu trừ chi phí lãi vay khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp do cơ quan thuế cho rằng giao dịch vay nói trên là giao dịch liên kết. Doanh nghiệp bị cho là có ý đồ tăng chi phí lãi vay nhằm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, trong tình huống xấu hơn có thể bị gắn mác “trốn thuế”, bị truy thu thuế hoặc phải hầu tòa. Vì sao có tình trạng này?

Giao dịch liên kết: Những điều cần làm rõ

Sau gần hai năm Nghị định 132/2020 NĐ-CP được ban hành, việc xác định đâu là một giao dịch liên kết vẫn là điều gây đau đầu cho cả phía doanh nghiệp và cơ quan thuế.

Đầu tháng 10 vừa qua, một doanh nghiệp ở TPHCM bị cơ quan thuế kiểm tra, truy thu phạt gần 1 tỉ đồng. Dựa trên căn cứ pháp lý là Nghị định 132/2020 NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Nghị định 132) về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, trong đó có bổ sung điều 2.5.(l) về việc hạn chế gian lận thuế với các giao dịch liên kết, cơ quan thuế kết luận rằng việc vay ngân hàng của doanh nghiệp nói trên là giao dịch liên kết, nên đã loại bỏ chi phí lãi vay khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp do khoản vay, mượn vượt ngưỡng vốn góp của chủ sở hữu.

Rối với hướng dẫn từ Tổng cục Thuế

Các quy định về giao dịch liên kết được Chính phủ ban hành cụ thể bằng nghị định riêng như Nghị định 20/2017 NĐ-CP và 68/2020 NĐ-CP nhằm mục đích loại trừ các hành vi gian dối của người nộp thuế (sau đây gọi chung là DN) chuyển giá, làm giảm số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp dẫn đến thất thu cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, hai nghị định nói trên vẫn còn kẽ hở khiến một số DN lợi dụng lách luật, né được việc bị áp là giao dịch liên kết trong kỳ tính thuế. Đó là lý do Nghị định 132 được ban hành, trong đó có bổ sung điều 2.5.(l) nhằm ngăn chặn việc DN lách luật về giao dịch liên kết để chuyển giá gian lận thuế. Nghị định 132 có hiệu lực từ ngày 24-12-2020.

Giao dịch liên kết được hiểu là loại giao dịch giữa các bên có các mối quan hệ thân quen như cùng góp vốn, giúp bảo lãnh, vay, cho vay vốn; có cùng quyền điều hành, kiểm soát của chủ sở hữu của DN; về mối quan hệ gia đình(1). Còn chuyển giá là hành vi những DN có mối liên kết giao dịch thực hiện các chính sách đối với hàng hóa, dịch vụ, vay… không theo giá thị trường nhằm làm giảm doanh thu, thu nhập hay tăng chi phí tính thuế với mục đích là giảm thuế thu nhập doanh nghiệp(2). Tuy nhiên, Tổng cục Thuế có lẽ hiểu chưa đúng hàm ý của điều luật này dẫn đến việc xác định mối quan hệ liên kết có phát sinh các giao dịch liên kết không chính xác.

Tổng cục Thuế – trên trang của gdt.gov.vn – vận dụng Nghị định 132, điều 5.2.(l) hồi đáp thắc mắc của doanh nghiệp rằng công ty có vay ngân hàng với khoản vay lớn hơn 25% vốn góp của chủ sở hữu công ty và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của công ty thì giữa công ty và ngân hàng cho vay được xác định là có mối quan hệ liên kết và các giao dịch phát sinh giữa đôi bên là giao dịch liên kết(3). Tổng cục Thuế cũng cho rằng công ty vay mượn (không lãi suất) của giám đốc (là người điều hành, kiểm soát công ty) với mức vay ít nhất 10% vốn góp của chủ sở hữu thì được xác định là có quan hệ liên kết và giao dịch vay mượn tiền giữa công ty với giám đốc công ty là giao dịch liên kết.

Tác giả cho rằng, nếu hiểu hàm ý điều luật trong Nghị định 132 theo hướng dẫn của Tổng cục Thuế hiện nay sẽ gây bất lợi cho các doanh nghiệp vay vốn ngân hàng hợp pháp nhưng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp làm ăn gian dối trốn thuế dễ dàng.

Hiểu đúng điều luật bổ sung 5.2.(l) của Nghị định 132

Khi đọc hiểu kỹ các điều luật được sắp xếp theo thứ tự từ trên xuống dưới sẽ thấy, từ điều 5.2.(a) đến điều 5.2.(d) đều có giới hạn bởi các con số tỷ lệ phần trăm vốn góp của chủ sở hữu dùng để xác định một mối quan hệ liên kết và điều 5.2.(g) liệt kê cụ thể các mối quan hệ gia đình, họ hàng gần được xem là các bên có mối quan hệ liên kết. Tiếp đến, đoạn đầu của điều 5.2.(l) “DN có phát sinh các giao dịch nhượng, nhận chuyển nhượng vốn góp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của DN trong kỳ tính thuế” là điểm chốt chặn quan trọng. Theo đó, một khi DN bị xếp vào nhóm có giao dịch liên kết được quy định từ điều 5.2.(a) đến điều 5.2.(d) mà có hoạt động chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng vốn góp làm giảm vốn của chủ sở hữu xuống dưới tỷ lệ được quy định trong kỳ tính thuế nhằm để lách luật không bị xếp vào các bên có giao dịch liên kết.

Trên thực tế việc chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng vốn góp được thực hiện rất dễ dàng. Do đó, những công ty có ý đồ trốn thuế có thể lợi dụng việc chuyển nhượng vốn này để tạm thời chuyển nhượng vốn cho người thân quen trong kỳ tính thuế nhằm giảm tỷ lệ vốn góp của chủ sở hữu DN, né được hạn mức tỷ lệ sở hữu vốn bị áp là có giao dịch liên kết để chuyển giá. Qua kỳ tính thuế sau, người thân sẽ chuyển nhượng trả lại vốn cho chủ sở hữu.

Luật này với một tỷ lệ giới hạn chuyển nhượng vốn góp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu nhằm ngăn chặn hành vi lách luật chuyển giá để trốn thuế.

Điều 5.2.(l) còn ghi: “Vay, cho vay ít nhất 10% vốn góp của chủ sở hữu tại thời điểm giao dịch phát sinh trong kỳ tính thuế với cá nhân điều hành, kiểm soát doanh nghiệp hoặc với cá nhân thuộc một trong các mối quan hệ theo quy định điểm g khoản này”. Điều này nhằm ngăn chặn hành vi DN trốn thuế xảy ra ở tình huống sau: khi DN có lãi phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp nhiều sẽ tìm cách lách thuế bằng cách vay các cá nhân thân quen với lãi suất cao để đưa chi phí lãi vay vào chi phí DN nhằm làm giảm thu nhập chịu thuế. Vì khi cá nhân cho vay DN thì cá nhân đó chỉ phải đóng thuế thu nhập cá nhân 5% trên số tiền DN trả lãi vay trong khi thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp thông thường là 20%.

Nói một cách khác, nếu chiếu theo các văn bản giải đáp, hướng dẫn thực thi Nghị định 132 có bổ sung điều 5.2.(l) của Tổng cục Thuế hiện nay sẽ vô tình mở toang cánh cửa cho các DN có hành vi trốn thuế thừa cơ lạm dụng. Trong khi các DN kinh doanh vay ngân hàng đúng luật lại chịu thiệt thòi vì bị loại chi phí lãi vay dẫn đến phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp nhiều hơn và lâu dài đang tạo ra sự bất công, gây bất bình nơi nhiều doanh nghiệp. Một điều luật không thể mang hai hàm ý khác nhau, nên nếu Tổng cục Thuế hướng dẫn chưa đúng thì sẽ dẫn đến việc thu thuế sai đối tượng. Chưa kể, một số DN có thể sẽ tìm nguồn chi phí khác, dẫn đến tình trạng mua bán hóa đơn, kê thêm chi phí để bù vào khoản chi phí lãi vay bị cơ quan thuế loại.

Các giải pháp

Trở lại với câu chuyện doanh nghiệp bị cơ quan thuế áp giao dịch liên kết loại chi phí lãi vay ngân hàng đã nêu ở đầu bài. Về phía doanh nghiệp để có căn cứ khiếu nại hay khởi kiện ra tòa, cần yêu cầu cơ quan thuế ghi rõ trong biên bản các căn cứ pháp lý để kết luận giao dịch liên kết; ghi “Không đồng ý” vào phần ý kiến của DN và đính kèm văn bản giải trình.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Tài chính nên yêu cầu tổ soạn thảo điều luật 5.2.(l) làm rõ hàm ý của điều luật. Trong một số trường hợp các nhà làm luật tham khảo luật từ các nước khác – giống như mọi người thường lấy hợp đồng mẫu để soạn thảo – mà chưa hiểu hết hàm ý của điều luật thì cũng cần tìm hiểu thấu đáo để việc áp dụng được dễ dàng, minh bạch. Từ đó nhanh chóng hướng dẫn chi tiết rõ ràng, dễ hiểu để cơ quan thuế và DN cùng áp dụng đúng luật, ngăn chặn tình trạng gian lận thuế.

(*) Công ty Luật TNHH Nghiệp Thành

(1) Khoản 22 điều 3 Luật Quản lý thuế 2019.

(2) Quản lý hoạt động chuyển giá và giải pháp tại Việt Nam (tapchicongthuong.vn)

(3) Tổng cục thuế – Hỏi đáp – Thuế thu nhập doanh nghiệp – Giao dịch liên kết (gdt.gov.vn)

LS. Nguyễn Ngọc Thuận


TBKTSG

Chia sẻ Facebook