Giao Bộ Công Thương quản lý xăng dầu: Xóa bỏ cảnh 'bộ này chỉ bộ kia'

Chia sẻ Facebook
30/10/2022 08:21:27

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 diễn ra ngày 29-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Công Thương sửa đổi nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, với tinh thần chung là quy về một đầu mối quản lý phù hợp tình hình.


Trước đó, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội ngày 29-10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết sắp tới sẽ đề nghị sửa đổi nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, trong đó "giao toàn diện phần xăng dầu về cho Bộ Công Thương" gồm quyết định về giá và chi phí định mức, nhằm đảm bảo nguồn cung chủ động.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa - chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) - cho hay hiện nay quy định phân công Bộ Công Thương quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh và bảo đảm điều hòa cung cầu về xăng dầu cho toàn bộ nền kinh tế. Vì vậy, việc thiếu hụt nguồn cung, không đáp ứng được nhu cầu về tổng thể các vùng miền, các địa phương thì "đương nhiên thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương".

Theo đó, ông Thỏa cho rằng đề xuất của bộ trưởng Bộ Tài chính về việc chuyển hoàn toàn việc quản lý xăng dầu về Bộ Công Thương là hợp lý. Cũng bởi, Bộ Công Thương là bộ quản lý về hoạt động sản xuất kinh doanh, có trách nhiệm bảo đảm cân đối cung - cầu xăng dầu cho nhu cầu. Việc quản lý sản xuất, kinh doanh xăng dầu sẽ giúp Bộ Công Thương nắm rõ về giá thế giới, giá trong nước cũng như các chi phí của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh xăng dầu...

"Đã giao cho Bộ Công Thương quản lý sản xuất kinh doanh, hướng dẫn về giá cơ sở của xăng dầu rồi nhưng lại tách riêng một phần trong cơ cấu giá, đó là phần chi phí định mức, để cho Bộ Tài chính tính toán, công bố để Bộ Công Thương đưa vào giá cơ sở thì tôi cho đấy là cắt khúc thì không hợp lý" - ông Thỏa nêu quan điểm.

PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia tài chính - giá cả, cho rằng việc đưa mảng xăng dầu về Bộ Công Thương để chịu trách nhiệm quản lý thống nhất là phù hợp. Theo dõi ngành xăng dầu trong nhiều năm, ông Long cho rằng những bất cập trên thị trường vừa qua đã không được nhìn nhận trách nhiệm rõ ràng.

Khi cung cầu trên thị trường có vấn đề, tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ diễn ra ở các tỉnh phía Nam thì lại có tình trạng "bộ này đổ cho bộ kia" mà không làm rõ được trách nhiệm thiếu xăng dầu là do bộ ngành nào.

Thực tế, Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ đảm bảo cung cầu thị trường, nhưng liên quan đến công thức tính giá xăng dầu thì lại vẫn giao một phần trách nhiệm cho Bộ Tài chính quản lý. Trong khi đó, vướng mắc lớn nhất trên thị trường xăng dầu thời gian qua là việc chi phí giá xăng dầu chưa được tính đúng, tính đủ vào giá cơ sở, doanh nghiệp thua lỗ và gặp nhiều khó khăn trong việc tạo nguồn.

"Bộ Tài chính muốn sửa đổi quy định liên quan đến công thức tính giá thì cũng phải dựa trên cơ sở doanh nghiệp xăng dầu báo cáo, xem xét chi phí đó có hợp lý hay không để làm căn cứ điều chỉnh.

Do đó, hoàn toàn có thể đưa về Bộ Công Thương để xem xét, đánh giá các yếu tố này, do chi phí thay đổi liên tục, nên nếu cứ bộ nọ chờ bộ kia thì sẽ rất khó cập nhật sát diễn biến thị trường. Việc đưa về một mối cũng để tránh đổ trách nhiệm khi tình hình thị trường có diễn biến phức tạp, sau này quy trách nhiệm sẽ rõ hơn" - ông Long nêu quan điểm.


Thông tin tại họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 29-10, ông Đỗ Thắng Hải - thứ trưởng Bộ Công Thương - cho biết cùng ngày, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp với các doanh nghiệp xăng dầu. Theo đó, Phó thủ tướng đã chỉ đạo các bộ ngành kịp thời điều chỉnh chi phí trong cơ cấu giá xăng dầu như chi phí vận chuyển, chi phí kinh doanh định mức; thông quan kịp thời...

Cung cấp vốn tín dụng để nhập khẩu xăng dầu, tăng hạn mức tín dụng; rà soát hệ thống phân phối xăng dầu, xử lý nghiêm vi phạm và các địa phương tạo thuận lợi cho các thương nhân kinh doanh xăng dầu vận chuyển, cung ứng hàng. Về giải pháp dài hạn, sẽ rà soát sửa đổi các nghị định 83 và nghị định 95 cho phù hợp với tình hình.

Chia sẻ Facebook