Giành học bổng 6,5 tỷ đồng từ đại học top đầu Mỹ
Nhận được thư chúc mừng với mức học bổng 6,5 tỷ đồng từ Đại học Pomona, ngôi trường có tỷ lệ chấp nhận chỉ 6,6%, Vũ Hà Châu vỡ òa hạnh phúc.
Sau một năm "gap year", Vũ Hà Châu, 19 tuổi, cựu học sinh chuyên Anh, THPT chuyên Ngoại ngữ, vừa trúng tuyển Đại học Pomona, trường tư thục nằm trong top 4 nhóm Liberal Arts (giáo dục khai phóng) của Mỹ năm 2022 (theo US News & World Report ) và là một trong những trường khó vào nhất nước Mỹ với tỷ lệ chấp nhận năm 2021 ở mức 6,6%, thấp hơn cả một số trường thuộc khối Ivy League. Mỗi năm thường chỉ có một học sinh Việt Nam trúng tuyển ngôi trường này.
Trước khi nhận kết quả từ Pomona, Châu đã giành được nhiều học bổng từ trường khác như Trustees’ Scholarship dành cho học sinh tài năng tại Đại học Lehigh; học bổng 100% Faber Award cho học sinh xuất sắc tại Đại học Forham; học bổng nghiên cứu bậc đại học từ Đại học Minnesota, và một số suất từ Đại học Union, Denver.
Dù vậy, em quyết định theo học Pomona, ngôi trường nằm trong liên minh Claremont gồm bảy đại học tinh hoa được ca ngợi là "sự kết hợp của những tài nguyên trí tuệ chưa từng có ở Mỹ", giúp sinh viên có thể đăng ký học và làm việc với giáo sư ở các ngôi trường còn lại, đồng thời được sử dụng chung khuôn viên 2,2 triệu m2 với cơ sở vật chất hiện đại.
Có ý định du học từ khi còn học THPT, nhưng tốt nghiệp xong, Châu quyết định tạm nghỉ một năm bởi thời điểm đó, em chưa tìm được ngành yêu thích. Học đều các môn, em thử học các khóa trên mạng, từ Kinh tế, Phân tích dữ liệu, đến Tâm lý học. Khi thử đến ngành Khoa học máy tính, em nhận thấy sự kỳ diệu mà từng dòng code mang lại.
"Trong lập trình, không có done - đã hoàn thành, mà chỉ có in development - đang phát triển. Công nghệ ngày một đổi mới, mỗi ngày lại có thêm nhiều điều mới mẻ phải học nên em bị cuốn hút không ngừng", Châu nói. Em có thể ngồi cả ngày lẫn đêm để mày mò ngành học này. Pomona được em nhắm tới ngay lúc đó bởi trường nằm ở California, gần Thung lũng Silicon. Trường có chương trình khoa học công nghệ được đánh giá cao và sinh viên ra trường được nhiều tập đoàn công nghệ lớn như Apple, Google, Microsoft tuyển chọn.
Bảng thành tích trong hồ sơ du học của Châu thuộc diện tốt với điểm tổng kết ở trường đạt 9.5/10, SAT 1510/1600 (top 1% thế giới), SAT II Toán 790/800 và IELTS 8.0 cùng nhiều giải thưởng lớn nhỏ như giải nhất cuộc thi lập trình Hackathon Wicode, giải Bạc thi Toán IYMC 2021.
Về hoạt động ngoại khóa, em là thành viên tích cực của Câu lạc bộ hoạt động xã hội trường THPT chuyên Ngoại ngữ (CNNShine), đã tổ chức nhiều sự kiện từ thiện như đêm nhạc quyên góp cho Ngân hàng bữa ăn của Viện Huyết học Truyền máu Trung ương. Em còn là đồng sáng lập Viesign - website học Ngôn ngữ ký hiệu online đầu tiên tại Việt Nam. Viesign đã và đang hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Người khiếm thính (CED) để áp dụng nền tảng học đến các học viên Ngôn ngữ ký hiệu và y bác sĩ bệnh viện.
Cô Trần Thị Hồng Hà, giáo viên chủ nhiệm của Châu ở trường THPT chuyên Ngoại ngữ, đánh giá thành tích của Châu nổi bật ở trường với điểm số các môn luôn trong top đầu của khối. "Châu đã rất nỗ lực để làm tốt mọi mặt, từ học tập đến các hoạt động nên ngay cả khi bạn chọn gap year , tôi vẫn luôn tin tưởng bạn có sự tính toán hợp lý để đảm bảo giành được học bổng vào một ngôi trường danh giá", cô Hà nói.
Sở hữu thành tích tốt nhưng vì vẫn phải cạnh tranh với những bạn có hồ sơ mạnh, Châu đặt tâm huyết vào bài luận - yếu tố còn lại mang tính quyết định để gây ấn tượng với hội đồng tuyển sinh của trường.
Với bài luận chính 650 chữ, Châu viết về thành phố Hà Nội dưới con mắt của lập trình viên. Em miêu tả phố cổ với các khái niệm trong lập trình web.
"Với cảm nhận của riêng em, những ngóc ngách phố cổ ngoằn ngoèo cũng giống như những bài toán lập trình vậy. Mỗi lần đi chơi phố cổ, em đều tìm thấy nhiều điều mới, từ quán ăn, cửa hàng đồ cũ; giống như mỗi lần em gặp một bài toán, em đều thử thách bản thân bằng việc thử một cách giải mới. Em nhìn cuộc sống dưới con mắt lập trình với sự tò mò, đam mê và chia sẻ điều này trong bài luận", Châu chia sẻ.
Cô gái Hà Nội còn bày tỏ niềm tự hào khi được lớn lên trong gia đình có những người đàn ông làm nghiên cứu khoa học và những phụ nữ giỏi giang, sẵn sàng hy sinh. Tình yêu quê hương và gia đình đã truyền cảm hứng cho em trở nên độc lập, sẵn sàng học tập và nghiên cứu để đóng góp cho cộng đồng.
Ngoài bài luận chính, Đại học Pomona yêu cầu ứng viên trả lời ba câu hỏi để giới thiệu bản thân. Thay vì làm theo cách thông thường, Châu sáng tạo bằng việc trả lời mỗi câu hỏi bằng một khổ thơ và ghép ba khổ thành một bài thơ hoàn chỉnh. Bài thơ này kể về hành trình trưởng thành của Châu và những người em bên cây đàn piano - nhạc cụ mà em chơi từ nhỏ. Hành trình đó được mô tả với đủ kỷ niệm vui buồn để rồi bây giờ nhìn lại, Châu thấy mình đã học được rất nhiều về lòng bao dung, nhân ái.
"Qua bài luận, em cho rằng mình đã thể hiện được tính cách của bản thân. Là cô gái đam mê khoa học nhưng em cũng có tâm hồn nghệ thuật, có nhiều sáng tạo. Em nghĩ sự đa dạng là lý do trường thích em", Châu nhận định.
Tháng 8 tới, Châu sẽ sang Mỹ để học chuyên ngành Khoa học máy tính (Computer Science) và Khoa học nhận thức (Cognitive Science) tại Pomona. Em cũng bày tỏ sự tò mò, mong muốn được thử học ngành Ngôn ngữ học (Linguistics) và Lịch sử nghệ thuật (Art History) - những chuyên ngành cũng là thế mạnh của trường.
Dương Tâm