Giảm ùn tắc cho cảng Cát Lái

Chia sẻ Facebook
25/05/2022 16:21:42

Theo ước tính, cảng Cát Lái hiện phải xử lý 5,5 triệu TEUs mỗi năm dù công suất thiết kế chỉ là 2,5 triệu TEUs.


Công suất sử dụng của cảng lên đến 90% trong khi cảng của các nước trên thế giới chỉ hoạt động khoảng 70 - 80%. Thách thức sẽ nhiều hơn khi lượng container dự kiến tăng gấp đôi vào năm 2030. Mới đây, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Tổng cục Hải quan đã đưa ra 21 khuyến nghị để giảm ùn tắc tại cảng Cát Lái .

Trước kia, mỗi lần giải quyết các thủ tục nhập hàng, anh Hồ Quang Duy, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu ATZ, mất cả hơn nửa ngày để hoàn tất việc thanh lý và đóng tiền. Tuy nhiên, từ khi tại cảng áp dụng hệ thống cảng điện tử ePort và lệnh giao hàng điện tử eDO…, rất nhiều khâu đều đã trở nên thuận tiện hơn rất nhiều cho doanh nghiệp.

Ông Hồ Quang Duy cho biết: "Chúng tôi không nhất thiết phải ra cảng để chờ và làm, chúng tôi có thể ngồi tại văn phòng, thao tác cũng xong. Quan trọng nhất, trước kia người thanh lý xong phải chờ xe container đưa vào, gửi phiếu nhận hàng rồi cảng xác nhận, đủ điều kiện lấy hàng. Giờ làm xong có thể gửi hình chụp chứ không cần phải gặp tài xế".

Các giải pháp giải quyết hàng nhanh chóng đã được thực hiện qua nhiều năm và đẩy mạnh trong suốt giai đoạn đại dịch. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến nghị cần thêm nhiều các giải pháp liên quan đến 3 nhóm: cải tiến kỹ thuật, áp dụng công nghệ và nâng cao giám sát.

Ông Trần Việt Huy, Trưởng phòng Thủ tục Hải quan và Tạo thuận lợi Thương mại, Hiệp hội Logistics Việt Nam, nói: "Chúng ta có chính sách là không gia tăng những dịch vụ ở trong cảng lên nữa. Những dịch vụ nào có thể dời ra được thì ra dời ra ngoài. Ví dụ dịch vụ kho CFS, kho ngoại quan, các hoạt động quản lý nhà nước có thể dời ra được… Nếu chúng ta dời ra ngoài, chúng ta có thể giảm 1000 xe, tương ứng 5% lượng xe tải. Dịch vụ khoa ngoại quan cũng vậy".

Ngoài ra, để giảm tải cho cảng Cát Lái cần đặt trong mối tương quan với cảng Cái Mép.

Các khuyến nghị của cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ cũng được nhấn mạnh chỉ là những phương án bước đầu. Bên cạnh đó, USAID cũng đang phối hợp với Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ GT-VT để xem xét những lĩnh vực có khả năng hợp tác công - tư để huy động đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn.

Chia sẻ Facebook