Giảm rác thải nhựa ở Việt Nam: Hãy trân trọng người gom ve chai

Chia sẻ Facebook
10/06/2022 00:35:31

Theo ước tính của các chuyên gia, hơn 80% lượng rác thải nhựa được đem đi tái chế là do 'thành phần phi chính thức' thu gom. Họ chính là những người chị, bà cô hay ông chú thu gom ve chai mà chúng ta thấy mỗi ngày.

Các diễn giả tại tọa đàm về giảm rác thải đại dương do Đại sứ quán Mỹ tổ chức ngày 8-6 - Ảnh: BẢO DUY

"Tại Na Uy, một sản phẩm nhựa có thể được tái chế sử dụng đến 50 lần và tỉ lệ tái chế nhựa tại quốc gia này lên đến 90%", tiến sĩ Nguyễn Mỹ Hằng, phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ thuộc Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam, nêu vấn đề trong tọa đàm do Đại sứ quán Mỹ tổ chức ngày 8-6.

Theo bà Mỹ Hằng, bên cạnh hệ thống quan trắc và giám sát rác thải nhựa đại dương, một vấn đề cũng quan trọng không kém đó là tăng giá trị sử dụng của các sản phẩm nhựa.

Muốn được như vậy, trước hết cần có các công nghệ có thể tạo ra các nguồn nguyên liệu nhựa chất lượng cao và trong vấn đề này, Việt Nam cần sự hỗ trợ, hợp tác của các đối tác nước ngoài.


Theo tiến sĩ Trịnh Thái Hà - giám đốc quốc gia của Chương trình Đối tác hành động quốc gia về nhựa Việt Nam (NPAP), vào năm 2018 có 1,53 triệu tấn rác thải nhựa không được quản lý ngoài môi trường Việt Nam.


Nếu không có các giải pháp cải thiện vấn đề, con số này có thể tăng lên 3,15 triệu tấn vào năm 2030.

"Một trong những giải pháp có thể giải quyết vấn đề này chính là tăng giá trị sau sử dụng của sản phẩm nhựa nhằm khuyến khích việc thu gom và tái chế", tiến sĩ Thái Hà nêu vấn đề.

Theo ước tính của bà Thái Hà, khoảng 83% lượng rác thải nhựa đến các cơ sở tái chế hiện nay là do "thành phần phi chính thức" thu gom.

"Họ không phải ai xa lạ. Họ chính là các cô các bà gom ve chai, những vựa thu mua và các làng tái chế. Họ là những người đang đóng góp một phần không nhỏ vào việc giảm thiểu thất thoát, rò rỉ rác thải nhựa ra môi trường", bà Thái Hà nêu thực tế.

Đồng quan điểm, tiến sĩ Nguyễn Đức Dương, thuộc Văn phòng biến đổi khí hậu, năng lượng và môi trường của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), cho rằng việc hỗ trợ trực tiếp cho những người thu gom ve chai chỉ là một phần.

Các bên cần trợ giúp nhiều hơn, tìm hiểu về cách thức vận hành của mạng lưới ve chai và đưa những người này trở thành một phần trong chuỗi thu gom, xử lý chất thải rắn mà rác thải nhựa là một phần.

"Tôi hy vọng chúng ta sẽ sớm có đánh giá sát và đúng hơn về vai trò của những người thu gom ve chai. Sau tọa đàm hôm nay, tôi cũng mong mỗi người chúng ta khi nhìn thấy các cô, các bà ve chai, hãy dành cho họ những lời ngợi khen vì những nỗ lực và sự đóng góp của họ trong việc làm sạch môi trường cho chúng ta", nữ tiến sĩ chia sẻ.

Giám đốc quốc gia USAID Ann Marie Yastishock và giám đốc quốc gia KOICA Cho Han Deog ký bản ghi nhớ về hợp tác giảm thiểu ô nhiễm và biến đổi khí hậu tại ĐBSCL, hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch - Ảnh: USAID


Hai cơ quan Mỹ, Hàn Quốc bắt tay giúp Việt Nam


Ngày 8-6, Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đã ký bản ghi nhớ đầu tiên giữa hai cơ quan về hợp tác giảm thiểu ô nhiễm, ứng phó biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch.

Giảm rác thải nhựa và các loại ô nhiễm khác, cải thiện công tác quản lý chất thải rắn là một trong các mục tiêu chung mà hai cơ quan này theo đuổi trong nỗ lực hỗ trợ Việt Nam.

Các mục tiêu khác gồm thúc đẩy đa dạng sinh học, giảm thiểu phát thải trong nông nghiệp, tăng cường các chiến lược thích ứng của các nhóm dễ bị tổn thương ở ĐBSCL,...

Rác nhựa nhiều vô số, chúng ở khắp mọi nơi, từ làng quê cho tới thành phố lớn, từ nhà ra đại dương, ruộng đồng, đổ từ nước giàu sang nước nghèo.

Chia sẻ Facebook