Giảm mạnh nhất 30 tháng, VN-Index sẽ đi về đâu?
VN-Index đã giảm 11,59% trong tháng vừa qua, là mức giảm mạnh nhất trong một tháng của chỉ số chính trong vòng 30 tháng, kể từ tháng 3/2020.
Thị trường thế giới diễn biến tiêu cực và thông tin NHNN tăng lãi suất điều hành thêm 1 điểm % tác động đáng kể lên tâm lý giới đầu tư chứng khoán trong tuần qua. Ngay từ phiên giao dịch đầu tuần, áp lực bán dâng cao đã đẩy hàng loạt nhóm ngành cổ phiếu lao dốc, toàn thị trường chìm sâu trong sắc đỏ. Các chỉ số chung đồng loạt giảm mạnh, trong đó VN-Index có thời điểm về sát vùng 1.159 điểm, tương ứng giảm hơn 44 điểm trước khi hồi phục và thu hẹp đà giảm về cuối phiên chiều Thứ Hai.
Sau đó, thị trường tiếp tục ghi nhận thêm 3 phiên giảm liên tiếp trước khi hồi phục nhẹ trong phiên Thứ Sáu nhờ lực cầu quanh hỗ trợ tâm lý 1.100 điểm xuất hiện.
Tính chung cả tuần giao dịch (26-30/9), VN-Index giảm 71,27 điểm (-5,9%) xuống 1.132,11 điểm. Lưu ý rằng, nếu so sánh với tháng 8/2022, VN-Index đã giảm 11,59%. Đây cũng là mức giảm mạnh nhất trong một tháng của chỉ số chính trong vòng 30 tháng kể từ tháng 3/2020. Mức giảm 11,5% còn đưa chứng khoán Việt Nam rơi vào nhóm các thị trường giảm mạnh nhất thế giới trong tháng 9, vốn hóa HoSE theo đó đã bị "thổi bay" hơn 588.000 tỷ đồng.
Không chỉ giảm về mặt điểm số, thanh khoản thị trường trong tháng 9 cũng thu hẹp đáng kể so với tháng trước. Giá trị khớp lệnh bình quân phiên trên HoSE chỉ đạt chưa đến 11.900 tỷ đồng, giảm 16% so với tháng 8 và là con số thấp thứ 2 kể từ đầu năm 2021 chỉ sau giai đoạn tháng 7.
Trở lại với diễn biễn tuần qua, bộ đôi VIC và VHM có tác động tiêu cực nhất khi lấy đi hơn 14 điểm của VN-Index. Theo sau là các cổ phiếu như MSN, VCB, GVR hay VNM. Ở chiều ngược lại, NVL, LGC, VHC và TCH là những mã có tác động tích cực nhất, nhưng mức độ đóng góp không cao.
Với mức giảm điểm mạnh trên cả hai sàn trong tuần qua thì toàn bộ các nhóm ngành đều sụt giảm về vốn hóa. Giảm nổi bật trong đó có thể kể tới như bất động sản, chứng khoán hay ngân hàng. Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng có diễn biến tiêu cực với mức giảm 11,1% giá trị vốn hóa. Có thể kể đến các mã tiêu biểu như BSR (-11,8%), OIL (-9,8%), PVD (-10,8%), PVS (-8,8%), PVB (-18,1%), PVC (-13,5%)...
Khối ngoại tiếp tục bán ròng trên hai sàn trong tuần qua với giá trị ròng đạt 978,66 tỷ đồng. Xét theo khối lượng ròng, NLG là mã chứng khoán bị bán ròng nhiều nhất với 9,6 triệu cổ phiếu. Tiếp theo là KDH với 8,2 triệu cổ phiếu và VND với 5,3 triệu cổ phiếu. Ở chiều ngược lại, E1VFVN30 là mã chứng khoán được mua ròng nhiều nhất với 3,9 triệu chứng chỉ quỹ. Tính trong tháng 9, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 3.000 tỷ đồng trên HoSE trong khi trước đó mua ròng khoảng 2.500 tỷ đồng sau 8 tháng đầu năm.
Hướng ngược lại, bộ phận tự doanh công ty chứng khoán đảo chiều mua ròng, đóng vai trò hỗ trợ tâm lý thị trường. Cụ thể, nhóm này mua ròng 4/5 phiên giao dịch và chỉ bán ròng phiên thứ Tư (28/9), riêng trong phiên cuối tuần (30/9), bộ phận tự doanh mua ròng 1.029 tỷ đồng cổ phiếu trên HoSE.
Tính chung cả tuần, nhóm này mua ròng gần 1.688 tỷ đồng toàn thị trường, trong đó, mã NVL của Novaland dẫn đầu về quy mô mua ròng toàn thị trường, đạt 251 tỷ đồng, theo sau là cổ phiếu HPG của Hòa Phát với 166 tỷ đồng. Tuy vậy, với việc bán ròng liên tiếp ba tuần giao dịch trước đó, dòng tiền từ khối tự doanh ghi nhận bán ra gần 680 tỷ đồng trong tháng 9.
Nhóm chuyên gia SHS đánh giá, trong tháng 9/2022 thị trường chịu rất nhiều áp lực từ việc FED tăng lãi suất mạnh, ngân hàng nhà nước cũng tăng các mức lãi suất điều hành lên thêm 1%, các quỹ ETF chịu áp lực rút vốn ròng khi lợi tức trái phiếu ở các nước tăng...Điều này khiến cho nhiều nhiều mã cơ bản tốt đã liên tiếp chịu áp lực bán mạnh về các vùng hỗ trợ tăng trưởng dài hạn.
Trên góc nhìn dài hạn, SHS nhận định thị trường vẫn đang có mức định giá thấp so với trung bình 5 năm gần nhất. Nhưng ngắn và trung hạn vẫn chưa thoát khỏ xu hướng giảm giá. Do đó nhà đầu tư cần giữ tỉ trọng hợp lý, quản trị rủi ro ngắn hạn tốt và xây dựng danh mục cổ phiếu tốt trong các ngành có tiềm năng tăng trưởng trong tương lai để theo dõi và có các kế hoạch giải ngân khi thị trường chung ổn định trở lại.
Còn theo VCBS, VN-Index đã trải qua 1 tuần giảm điểm mạnh xuyên thủng hỗ trợ vùng đáy tháng 7 và kết tuần tại 1.132,11. Về góc nhìn kỹ thuật, các chỉ báo vẫn đang diễn biến tiêu cực và chưa có dấu hiệu tạo đáy. Vì vậy VCBS nhấn mạnh, việc tăng điểm phiên kết tuần có thể chỉ là phiên phục hồi kỹ thuật và quán tính giảm có thể vẫn còn tiếp diễn. Nhóm phân tích này khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi thị trường cho tín hiệu cân bằng, không vội vàng bắt đáy, mua đuổi cổ phiếu để quản trị rủi ro trong ngắn hạn.
Về phần mình, ông Hoàng Công Tuấn, chuyên gia MBS đánh giá rằng trong tuần vừa qua, sau các thông tin về việc tăng lãi suất, chứng khoán thế giới và trong nước đã phản ánh rất tiêu cực, tuy nhiên thị trường sẽ sớm ổn định trở lại.
"Về tổng thể, nền kinh tế của Việt Nam rất vững mạnh, song câu chuyện lãi suất toàn cầu đã gây áp lực lên tâm lý nhà đầu tư. Cũng cần lưu ý thêm rằng, thanh khoản thời gian qua không cao chủ yếu do lực mua hạ nhiệt, những nhà đầu tư chuyên nghiệp chưa giải ngân. Ở thời điểm hiện tại, nhà đầu tư không nên bán bằng mọi giá, cần điềm tĩnh để giữ danh mục ở mức an toàn", ông Tuấn Nói.
Còn theo ông Huỳnh Minh Tuấn - Nhà sáng lập Công ty cổ phần FIDT, đây là giai đoạn lựa chọn hàng tốt, lợi thế thuộc về người mua. Cụ thể, chi phí lãi vay đang tăng dẫn tới dòng tiền bị rút ra. Chứng khoán là dòng tiền, tiền ít thì cổ phiếu không thể lên được. Xét trong ngắn hạn, thị trường biến động theo cung cầu, về dài hạn thị trường mới phản ánh nền tảng của doanh nghiệp. Do vậy, ông Tuấn khuyến nghị nhà đầu tư không nên ngạc nhiên với những phiên giảm vừa qua.
Theo Nhật Huỳnh