Giảm hơn 42 điểm, đáy nào cho VN-Index?
VN-Index mất hơn 42 điểm xuống 1.019,82 điểm trong tuần qua song đà giảm này được dự báo sẽ còn nới rộng trong tuần sau.
Thị trường giảm trở lại trong tuần giao dịch qua với thanh khoản tiếp tục đi xuống. Theo đó, VN-Index khởi đầu tuần với mức giảm gần 11 điểm và tăng hơn 12 điểm ngay phiên sau đó trước khi bất ngờ lao dốc mạnh trước áp lực bán tháo ồ ạt vào phiên cuối tuần. Cụ thể ở phiên 21/10, lực bán dâng cao ở nhiều nhóm ngành đã đẩy chỉ số chính có thời điểm rơi về vùng 1.013 điểm, tương ứng giảm hơn 43 điểm trước khi hồi nhẹ khi đóng cửa. Phiên giảm điểm này đã tiếp tục đánh mạnh tâm lý các nhà đầu tư vốn đã rất yếu trong bối cảnh hiện tại.
Kết thúc tuần giao dịch (17-21/10), VN-Index giảm 42,03 điểm (-3,96%) xuống 1.019,82 điểm, HNX-Index giảm 8,47 điểm (-4,6%) xuống 217,41 điểm. Giá trị giao dịch trên HoSE giảm 18,8% so với tuần trước đó xuống 50.972 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 18,3% xuống 2.376 triệu cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX tăng 4,7% so với tuần trước đó lên 4.971 tỷ đồng, tuy nhiên khối lượng giao dịch giảm 6,7% xuống 280 triệu cổ phiếu.
Xét theo mức độ đóng góp, VHM, HPG, VIC, TCB và MWG là những cổ phiếu có tác động tiêu cực nhất đến VN-Index. Tính riêng VHM đã lấy đi hơn 4 điểm của chỉ số này trong tuần qua. Ở chiều ngược lại, dù mức độ đóng góp không lớn, nhưng các mã như VNM, SAB, DHG hay REE là những cổ phiếu có tác động tích cực nhất đến VN-Index. Trong đó, ông lớn VNM góp gần 2 điểm cho chỉ số.
Thị trường giảm điểm mạnh trong tuần qua khiến cho hầu hết các nhóm ngành đều giảm điểm, chỉ hiếm hoi nhóm ngành dược phẩm và y tế đi ngược thị trường chung.
Khối ngoại tuần qua bán ròng trên sàn HoSE và mua ròng trên sàn HNX, tổng cộng mua ròng 24 tỷ đồng. Xét theo khối lượng ròng, VNM là mã chứng khoán được mua ròng nhiều nhất với 4,3 triệu cổ phiếu. Tiếp theo là NKG và DCM với lần lượt 2,9 triệu cổ phiếu và 2,7 triệu cổ phiếu. Ở chiều ngược lại, HPG là mã chứng khoán bị bán ròng nhiều nhất với 34,8 triệu cổ phiếu.
Hướng ngược lại, khối tự doanh tích cực bán ròng với giá trị hơn 130 tỷ đồng trên HoSE, tập trung xả PNJ và E1VFVN30.
Đánh giá về diễn biến chứng khoán tuần qua, ông Hoàng Công Tuấn - Kinh tế trưởng Chứng khoán MBS nhận định áp lực tâm lý đã đẩy lực bán dâng cao, song đây là thời điểm tốt để đầu tư nhưng không khuyến khích sử dụng margin.
"Việc nắm giữ cổ phiếu thời điểm này cần chờ đợi thời gian bởi về dài hạn giá cổ phiếu sẽ tăng và định giá sẽ tích cực hơn. Nhà đầu tư không nên quá hoảng loạn và quan sát kỹ vùng 1.000 điểm", chuyên gia MBS cho biết.
Trong khi đó, ông Đỗ Hoàng Quân, Giám đốc E-Broker Chứng khoán VPS cho rằng dư địa giảm vẫn còn khi 3 ngành trụ cột của thị trường là "Bank-chứng-thép" nhiều khả năng sẽ giảm về vùng đáy cũ hoặc sâu hơn nên nhà đầu tư cần thận trọng, chưa nên giải ngân ở thời điểm này và ưu tiên vị thế đầu tư dài hạn.
Trong báo cáo của mình, nhóm phân tích SHS cho rằng những ảnh hưởng tiêu cực về tình hình trái phiếu đã đẩy áp lực bán mạnh tại nhóm tài chính, ngân hàng, bất động sản.
Xu hướng ngắn hạn chưa thể cải thiện và xu hướng trung hạn tiếp tục suy giảm, do vậy nhà đầu tư cần duy trì tỉ trọng hợp lý. Có thể xem xét chọn lọc giải ngân một phần, tỉ trọng dưới trung bình, các mã cơ bản tốt sau quá trình giảm mạnh về các vùng hỗ trợ mạnh, định giá hấp dẫn và vẫn duy trì tăng trưỏng tốt.
Còn theo VCBS, phiên giao dịch cuối tuần gần như đã lấy đi toàn bộ nỗ lực phục hồi, kéo chỉ số chung xuống khu vực điểm 1.015. Về góc nhìn kỹ thuật, một trong những chỉ báo quan trọng là MACD đã hướng xuống tiêu cực dưới đáy cũ, cho thấy VN-Index hoàn toàn có thể tiếp tục giảm điểm mạnh trong trung hạn. Bên cạnh đó, tình hình tiêu cực của kinh tế vĩ mô sẽ tạo tác động đến tâm lý của nhà đầu tư nên xác suất chỉ số này giảm dưới đáy 1.000 điểm trong ngắn hạn là cần được tính đến.
"Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư chủ động nâng cao tỉ trọng tiền mặt, kiên nhẫn chờ đợi thị trường tìm lại điểm cân bằng và hạn chế giải ngân bắt đáy sớm", VCBS lưu ý.
Theo Khánh An