Giám đốc Sở TT&TT Huế: Triển khai bất cứ dự án nào cũng đặt trọng tâm chia sẻ dữ liệu lên hàng đầu
VietTimes – Ông Nguyễn Xuân Sơn nói rằng việc chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, tổ chức sẽ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống người dân; quản lý đô thị tinh gọn; dịch vụ công nhanh chóng; tăng cường trật tự an toàn xã hội.
Thừa Thiên - Huế là một trong những địa phương tiên phong trong việc ban hành và triển khai mạnh mẽ Chương trình Chuyển đổi Số (CĐS). Tỉnh đã phê duyệt Chương trình CĐS đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, với mục tiêu hoàn thiện mô hình Chính quyền số và Xã hội số; đô thị thông minh trở thành mô hình phổ biến trong điều hành, vận hành hệ thống quản lý Nhà nước và xã hội; kinh tế số trở thành phương thức cốt lõi nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Thời gian qua, Thừa Thiên - Huế đã triển khai quyết liệt và có được bước tiến mạnh mẽ trong quá trình CĐS. Tỉnh này liên tục ghi nhận những thành tích đáng chú ý, như: đứng đầu cả nước về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh PAPI năm 2021, và xếp thứ 5 năm 2022; xếp thứ 2 toàn quốc về Chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin ICT năm 2021; liên tiếp đứng thứ 2 cả nước về Chỉ số chuyển đổi số DTI trong cả hai năm 2020 và 2021; xếp thứ 4 toàn quốc về Chỉ số cải cách hành chính PAR Index năm 2021. Đặc biệt, Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh Thừa Thiên - Huế đã vinh dự nhận giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam năm 2022 (VDA 2022) với Ứng dụng chuyển đổi số cho doanh nghiệp v.v...
Qua theo dõi, Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá Thừa Thiên - Huế là địa phương đi đầu trong chuyển đổi số và dịch vụ đô thị thông minh, là mô hình chuyển đổi số cấp tỉnh điển hình, luôn lấy người dân làm trung tâm trong quá trình chuyển đổi số.
VietTimes đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Nguyễn Xuân Sơn , Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thừa Thiên-Huế (Huế) về những kết quả mà tỉnh đã đạt được trong thời gian qua.
Thời gian qua Huế đã xây dựng được rất thành công các hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ quản lý nhà nước cũng như phục vụ cho người dân. Huế luôn được xếp hạng trong top đầu về chỉ số chính phủ điện tử cũng như chỉ số chuyển đổi số các tỉnh/thành (DTI). Có một số người cho rằng do Huế là một tỉnh có diện tích nhỏ nên phạm vi áp dụng các giải pháp trở nên dễ dàng hơn? Điều này có phải vậy không thưa ông?
Ông Nguyễn Xuân Sơn : Điều này cũng một phần tác động đến kết quả. Đương nhiên phạm vi nhỏ cũng sẽ thuận lợi hơn. Nhưng nếu nói nhờ phạm vi nhỏ mà chúng tôi áp dụng các giải pháp CNTT thành công, thì chưa đủ. Huế đồng bộ được rất nhiều các giải pháp. Điều quan trọng nhất là các giải pháp mà chúng tôi triển khai đã tạo được sự đồng thuận, ủng hộ và tham gia của người dân cũng như quyết tâm triển khai của lãnh đạo.
Năm 2020, Giám đốc trung tâm Huế IOC đã tiết lộ theo quy hoạch của tỉnh sẽ lắp đặt 1.500 camera cho hệ thống giám sát hiện trường, nhưng cho đến nay Huế mới lắp được 642 camera. Điều này có gây ra khó khăn, hạn chế gì cho việc vận hành hệ thống không thưa ông?
Ông Nguyễn Xuân Sơn : Đúng là quy hoạch ban đầu chúng tôi dự định triển khai lắp đặt 1.500 camera, nhưng việc triển khai cần có thêm thời gian. Hơn nữa, qua thực tiễn triển khai, việc lựa chọn công nghệ, phương pháp, vị trí, giải pháp nó cũng giải quyết được phần nào những thiếu hụt về số lượng camera. Nó cũng đã hỗ trợ rất tốt cho công tác nghiệp vụ của chính quyền thành phố Huế.
Nhiều lãnh đạo các bộ ngành đã phát biểu rằng dữ liệu là một nguồn tài nguyên mới, một “mỏ vàng” nhân tạo. Việc khai thác tốt dữ liệu sẽ tạo ra giá trị rất lớn cho kinh tế, xã hội. Xin ông cho biết việc chia sẻ dữ liệu giữa các bộ ngành của Thừa Thiên - Huế có dễ dàng không, có một chuẩn chung không?
Ông Nguyễn Xuân Sơn : Công tác chia sẻ dữ liệu là một trong những sự quan tâm hàng đầu của lãnh đạo tỉnh. Công tác này đã được triển khai từ khá lâu rồi. Trong quá trình triển khai bất cứ dự án nào thì chúng tôi cũng đặt vấn đề chia sẻ dữ liệu lên hàng đầu. Nên nhờ vào đó, đến thời điểm hiện nay, kết quả của việc ứng dụng CNTT đã đạt được hiệu quả. Một số khó khăn gặp phải thì các bên đều chủ động giải quyết.
Theo ông điều khó khăn nhất của việc lưu trữ và xử lý dữ liệu là gì để dữ liệu có thể trở thành “mỏ vàng” của Huế?
Ông Nguyễn Xuân Sơn : Lưu trữ đòi hỏi không gian lớn. Dữ liệu lưu trữ mà không xử lý, tận dụng thì cũng không có giá trị. Dữ liệu đó phải được đem ra khai thác bằng các quy trình nghiệp vụ của cơ quan quản lý nhà nước cũng như các cơ quan liên quan, đặc biệt là chia sẻ và tạo ra các tiện ích mà người dân có thể thụ hưởng được.
Xin ông cho biết những dự án về công nghệ mà Huế sẽ thực hiện trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Xuân Sơn : Chuyển đổi số là một chương trình lớn của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông. Chúng tôi đang bám sát các chương trình của Chính phủ và Bộ để đảm bảo triển khai các dự án một cách đồng bộ, thống nhất và hiệu quả.
PV : Xin cảm ơn ông!