Giám đốc cơ quan năng lượng Anh từ chức vì khủng hoảng năng lượng
Người dân Anh đang quay cuồng trong cuộc khủng hoảng sinh hoạt phí, với nỗi lo hóa đơn năng lượng, trong khi Chính phủ Anh được cho là đã không làm đủ nhiều…
Một giám đốc Ofgem đã từ chức hôm 17/8 để phản đối quyết định của cơ quan quản lý năng lượng Anh về thay đổi cách tính toán giới hạn giá năng lượng, điều mà bà cho rằng sẽ dẫn đến hóa đơn cao hơn nhiều cho người tiêu dùng, Sky News đưa tin.
Văn phòng Thị trường Điện và Khí đốt (Ofgem) đã phải đối mặt với sự chỉ trích ngày càng tăng trong những tháng gần đây vì đã không làm đủ để bảo vệ các gia đình trong cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu.
Ofgem xác nhận với Sky News rằng bà Christine Farnish đã rời hội đồng quản trị sau khi bất đồng với các thành viên còn lại về thời gian cho phép các nhà cung cấp năng lượng bù lại giá năng lượng cao như hiện nay.
Bà muốn các nhà cung cấp thực hiện bước này, vốn là một điều kiện của giới hạn giá, trong 12 tháng để chia đều chi phí cho khách hàng.
Tuy nhiên, các giám đốc còn lại trong hội đồng quản trị Ofgem cho biết, họ muốn bước này diễn ra trong 6 tháng vì cho rằng điều đó sẽ làm giảm rủi ro phá sản mà các nhà cung cấp có thể phải đối mặt.
Bà Farnish, giữ chức một giám đốc không điều hành từ năm 2016, nói với The Times rằng bà đã từ chức vì không tin Ofgem đã “đạt được sự cân bằng phù hợp giữa lợi ích của người tiêu dùng và lợi ích của nhà cung cấp”.
Trong tháng này, Ofgem thông báo họ đang thay đổi phương pháp tính giới hạn giá để cho phép các nhà cung cấp thu hồi chi phí bảo hiểm rủi ro năng lượng bán buôn sớm hơn.
Bà Farnish cho biết, bà cho rằng động thái này “sẽ tăng thêm vài trăm bảng Anh vào hóa đơn của toàn thể người dân để hỗ trợ một số nhà cung cấp trong những tháng tới”.
“N gủ quên trên tay lái”
Các nhà phân tích của ngân hàng quốc tế Investec ước tính sự thay đổi trong phương pháp tính sẽ làm tăng thêm hơn 400 bảng Anh vào mức giới hạn giá vào tháng 1/2023 - đưa nó lên mức 4.200 bảng Anh một năm so với mức 1.971 bảng Anh hiện tại.
“Chúng tôi rất biết ơn bà Christine vì những cống hiến của bà trong nhiều năm cho Ofgem”, cơ quan này cho biết. “Do cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có tiền lệ, Ofgem đang phải đưa ra một số quyết định vô cùng khó khăn, trong đó sự cân bằng luôn được cân nhắc cẩn thận. Nhưng chúng tôi luôn ưu tiên nhu cầu của người tiêu dùng cả trước mắt và lâu dài”.
Ofgem lập luận, phần còn lại của hội đồng quản trị quyết định thời gian thu hồi ngắn hơn đối với chi phí năng lượng là vì lợi ích tốt nhất của người tiêu dùng trong dài hạn bằng cách giảm rủi ro rất thực tế về việc các nhà cung cấp phá sản, điều này sẽ làm chồng chất thêm chi phí vào các hóa đơn và thêm lo lắng và lo ngại không cần thiết vào một thời điểm vốn đã rất khó khăn.
Cuộc khủng hoảng sinh hoạt phí đã chi phối chiến dịch bầu lãnh đạo Đảng Bảo thủ cầm quyền Anh (Tory) khi các hộ gia đình cảm thấy sức ép của khủng hoảng năng lượng, nhưng cả ông Boris Johnson, người đang tạm thời giữ chức Thủ tướng Anh, và ông Rishi Sunak và bà Liz Truss – 2 ứng cử viên thay thế ông Johnson – cho đến nay vẫn đều chưa chú ý đến lời kêu gọi ngồi xuống và đưa ra giải pháp giúp đỡ người dân trước khi một Thủ tướng mới được công bố vào ngày 5/9, Sky News cho biết.
Ông Ed Miliband của Đảng Lao động Anh cho rằng việc bà Farnish từ chức chứng tỏ chính phủ đang “ngủ quên trên tay lái”.
Ông nói: “Đây là bằng chứng nữa cho thấy chính phủ đang ngủ quên trên tay lái khi nói đến cuộc khủng hoảng hóa đơn năng lượng. Trong 12 năm, đảng Bảo thủ đã hoàn toàn thất bại trong việc điều tiết thị trường năng lượng. Không quốc gia nào khác có 32 nhà cung cấp năng lượng bị phá sản” .
Minh Đức (Theo Sky News, Daily Mail)