Giám đốc che giấu nợ xấu, một ngân hàng ở Cần Thơ bị thất thoát hàng trăm tỉ đồng
Sau 1 lần huỷ án và nhiều lần hoãn xét xử, hôm nay (21/6), TAND TP Cần Thơ tiếp tục đưa ra xử phiên sơ thẩm lần 2 vụ án “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại một ngân hàng có chi nhánh.
Giám đốc che giấu nợ xấu, một ngân hàng ở Cần Thơ bị thất thoát hàng trăm tỉ đồng
Các bị cáo bị truy tố gồm: Nguyễn Minh Chuyển (nguyên Giám đốc VCB Tây Đô), Trần Anh Huy (nguyên Trưởng phòng khách hàng VCB Tây Đô) và 3 cán bộ là Phạm Văn Trí, Đỗ Phương Bảo Quế và Nguyễn Hữu Nghĩa; các bị cáo thuộc nhóm doanh nghiệp là Nguyễn Hùng Cường và Nguyễn Công Trừng (em ruột bị cáo Chuyển), Lê Tùng Huy, Nguyễn Thị Tuyết Trinh, Trịnh Minh Tú, Võ Vũ Bình, Cao Hoàng Thám, Nguyễn Thanh Hùng, Trang Hồng Sơn, Võ Hoàng Thám.
Theo cáo trạng, đầu năm 2015, VCB Tây Đô có văn bản đề nghị Bộ công an xác minh làm rõ các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự của bốn nhóm khách hàng doanh nghiệp gồm: Nam Sông Hậu, Trường Nguyên, Thép Đông Dương và An Đô vay vốn tại VCB Tây Đô.
Qua xác minh, thanh tra ngân hàng kết luận ngoài 4 nhóm trên còn có thêm nhóm Du lịch Đại Dương và Cơ khí Tây Đô vi phạm. Sau đó, kiến nghị chuyển hồ sơ đến cơ quan điều tra để làm rõ hành vi vi phạm liên quan đến 6 nhóm khách hàng doanh nghiệp này.
Từ năm 2011 - 2014, các doanh nghiệp trong 6 nhóm trên làm ăn thua lỗ, không có tiền trả nợ gốc và lãi cho ngân hàng nên đã đề nghị bị cáo Nguyễn Minh Chuyển cho khoanh nợ, giãn nợ, bán tài sản để trả nợ.
Tuy nhiên, do sợ phát sinh nợ xấu, ảnh hưởng đến việc xếp hạng tín dụng của VCB Tây Đô và ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín cá nhân và biết việc “đảo nợ” chưa có quy định hình thức xử lý cụ thể nên cựu Giám đốc VCB Tây Đô đã kêu em trai là Nguyễn Hùng Cường (chủ nhóm khách hàng Nam Sông Hậu) tiếp nhận công ty Vĩnh Nguyên, gánh khoản nợ 146,5 tỉ đồng của công ty này.
Ngoài ra, Chuyển còn đề nghị Cường, Huy, Hùng, Tuấn, Tú lập mới các công ty hoặc sử dụng pháp nhân chưa có quan hệ tín dụng tại VCB Tây Đô để cho vay. Tiền vay được sử dụng vào việc trả nợ cho các hợp đồng cũ và một phần cho doanh nghiệp sử dụng duy trì sản xuất, kinh doanh nhưng thực chất là “đảo nợ”.
Để thực hiện, Chuyển đã chỉ đạo cấp dưới “hỗ trợ” các nhóm doanh nghiệp vay vốn không tuân thủ các quy định về cho vay như: Không kiểm tra tính hợp lệ và xác thực của hồ sơ vay, không kiểm tra đối tượng giải ngân, không kiểm tra sử dụng vốn vay, thẩm định qua loa, không thẩm định tài sản thế chấp.
Tính đến thời điểm khởi tố vụ án (ngày 1/6/2015), 6 nhóm khách hàng còn dư nợ gốc và lãi quá hạn với số tiền hơn 2.600 tỉ đồng.
Trong đó, VCB Tây Đô và các nhóm khách hàng đã sử dụng hơn 2.418 tỉ đồng để trả cho các khoản vay cũ và cho khách hàng rút ra hơn 278 tỉ đồng phục vụ sản xuất, nhưng đến nay không thu hồi được.
Cáo trạng quy kết, trong vụ án này, Chuyển là người chủ mưu, cầm đầu, với cương vị là giám đốc, Chủ tịch Hội đồng tín dụng cơ sở VCB Tây Đô. Để che giấu nợ xấu của 6 nhóm doanh nghiệp, ông ta đã thỏa thuận trái pháp luật với các nhóm chủ doanh nghiệp, cho vay để “đảo nợ”, một phần sử dụng để sản xuất kinh doanh gây thiệt hại cho VCB Tây Đô hơn 278 tỉ đồng.
Trước đó, TAND TP Cần Thơ đã đưa vụ án này ra xét xử lần đầu vào giữa năm 2019 với 11 bị cáo. Sau đó, TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh xử phúc thẩm và tuyên hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra bổ sung. Sau khi điều tra lại, số bị can tăng lên 15 người. Số tiền thiệt hại từ khoảng 1.800 tỉ đồng giảm còn hơn 278 tỉ đồng.
Kim Hà
Tiền phong