Giám đốc BV Hùng Vương: "Nhân viên y tế không đòi hỏi, chỉ cần ghi nhận xứng đáng"
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, bà Hoàng Thị Diễm Tuyết - giám đốc Bệnh viện Hùng Vương - nói rằng nhân viên y tế không đòi hỏi, xin xỏ mà cần một sự "danh chính ngôn thuận" về chính sách đãi ngộ so với công sức mình bỏ ra.
Bà Hoàng Thị Diễm Tuyết nói: "Nghị quyết của Đảng đã nhấn mạnh nghề y là nghề tuyển dụng đặc biệt, đào tạo đặc biệt, sử dụng đặc biệt và đãi ngộ đặc biệt nhưng thực tế hiện nay chính sách đi theo chưa đủ, chưa đáp ứng nhu cầu".
Ai sẽ lo cho sức khỏe của bác sĩ?
* Tại cuộc gặp với ngành y tế hôm qua (5-8), Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên chia sẻ nỗi trăn trở của ông bấy lâu nay: "Khi người dân bệnh thì bác sĩ lo, nhưng khi bác sĩ không khỏe thì ai lo? Lo kiểu gì?". Cảm giác của bà thế nào khi nghe người đứng đầu Thành ủy TP.HCM tâm sự?
- Thật sự tôi rất xúc động. Tôi hiểu ý của ông là cần phải quan tâm tới tâm tư, nguyện vọng của nhân viên y tế nói riêng và ngành y tế nói chung. "Ai lo cho bác sĩ khi không khỏe?".
Tôi cho rằng những người làm chính sách cần phải quan tâm điều chỉnh kịp thời các bất cập mà ngành y tế đề xuất, kiến nghị bấy lâu nay.
* Có thể thấy ngành y hiện nay đầy rẫy các vấn đề cần giải quyết, từ thiếu thuốc, trang thiết bị đến làn sóng nhân viên nghỉ việc…
- Với mức lương hiện tại có thể nói là thực tế rất buồn với những người làm nghề. Bởi như chúng ta đều biết, muốn vào ngành y đâu dễ, chưa kể quá trình đào tạo ra một con người có chuyên môn nghề nghiệp vô cùng gian nan.
Trong 6 năm trời theo học, họ phải vượt qua hơn 300 lần thi cử, nhưng khi ra trường với chức danh bác sĩ đã là gì đâu. Họ lại phải học tiếp chuyên khoa 1, chuyên khoa 2 mới đủ năng lực, kỹ năng làm nghề.
Ngoại ra, hiện nay giá dịch vụ y tế chưa tính đúng, tính đủ. Bạn thử tưởng tượng tiền trực suốt đêm (từ 16h chiều hôm trước đến 7h sáng hôm sau) của một nhân viên y tế tại bệnh viện chuyên khoa như Hùng Vương chỉ được 175.000 đồng. Một đêm trực như vậy về ngủ 2-3 ngày cũng chưa lấy lại sức.
Tốn rất nhiều công sức, thời gian là vậy nhưng đáp lại lương bổng quá thấp, điều này chắc chắn sẽ không thể giữ chân bác sĩ lâu được, ngoại trừ một số trường hợp có đam mê ghê gớm hoặc có sự hậu thuẫn của gia đình về kinh tế.
* Vậy phải chăng tiền lương là mấu chốt của vấn đề?
- Tôi cho rằng nhân viên y tế nói chung, họ không cần quá nhiều tiền hoặc mong muốn trở thành đại gia gì cả. Họ chỉ cần mức lương cơ bản để có thể sống được ở một thành phố lớn như TP.HCM, đủ để nuôi bản thân và gia đình một cách đàng hoàng thay vì phải cào cấu làm thêm đủ nghề "tay trái, tay phải". Họ không đòi hỏi mà cần một sự "danh chính ngôn thuận" về chính sách đãi ngộ so với công sức mình bỏ ra, chứ không phải đi xin xỏ gì ai cả.
Đừng để "túng quá làm liều"
* Bà có dẫn chứng lương bác sĩ trẻ hiện chỉ có 7, 8 triệu đồng/tháng. Điều này nếu tồn tại kéo dài 10 năm 20 năm thì không thể bền bỉ. Phải chăng chuyện lương bổng và chế độ đãi ngộ thấp đã tồn tại không chỉ bây giờ…
- Đúng, đã tồn tại rất nhiều năm nay. Điều này hoàn toàn trái ngược với nhiều nước, khi một bác sĩ trẻ vừa ra trường, mức lương mà họ nhận được đã đủ để chuyên tâm làm nghề, không cần phải chạy vạy làm thêm như ở Việt Nam.
Biết rằng để thay đổi không phải một sớm một chiều, đòi hỏi cần một sự điều chỉnh về chính sách từ Chính phủ và các bộ, ngành liên quan. Nhưng trong lúc chờ điều này, tôi chỉ mong muốn TP.HCM có thể có chính sách hỗ trợ riêng cho nhân viên y tế để mỗi người đều cảm thấy tự hào khi là nhân viên y tế của TP.HCM.
* Việc này sẽ dẫn đến hệ lụy gì, thưa bà?
- Rõ ràng khi thiếu thốn về điều kiện vật chất sẽ kéo theo nhiều hệ lụy và cuối cùng thiệt thòi vẫn thuộc về người bệnh.
Với người có đạo đức, lương tâm nghề nghiệp họ sẽ phải làm thêm "tay trái, tay phải" bằng một nghề nào khác hoặc làm thêm ngoài giờ để trang trải cuộc sống, cũng như "nuôi nghề". Nhưng như vậy sẽ rất mất sức.
Cứ thử tưởng tượng đi, khi làm một việc trực đêm hôm đã mệt rã rời, nay làm thêm 2-3 việc chắc chắn năng suất làm việc không thể nào tốt được. Song song đó, việc học tập nâng cao chuyên môn trình độ cũng sẽ gián đoạn.
Ngược lại sẽ có người "túng quá làm liều", mượn nghề nghiệp thực hiện các hành vi tiêu cực như vòi tiền bệnh nhân (chỉ định không đúng chuyên môn, bệnh nhân không cần mổ cũng đè ra mổ, không cần làm xét nghiệm cũng đè ra xét nghiệm, "câu" bệnh ra ngoài phòng khám tư…). Do đó, tôi cho rằng khi đạt được mức sống tương đối rồi, những vấn đề nêu trên sẽ giảm đi rất nhiều.
* Cũng tại cuộc gặp gỡ với ngành y, Bí thư Thành ủy TP.HCM đúc kết rằng "lương là quan trọng nhưng chưa chắc quan trọng nhất". Theo bà, ngoài lương còn gì thêm nữa?
- Đó là môi trường làm việc. Lương có thấp hơn chút nhưng nếu nơi nào có môi trường làm việc tốt hơn sẽ vẫn là sự lựa chọn đầu tiên.
Môi trường làm việc bao gồm cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc đủ để đảm bảo cho việc hành nghề một cách an toàn, đảm bảo khám, chẩn đoán và điều trị chính xác cho người bệnh. Ở đó có sự công bằng trong đối xử, có cơ hội học tập và thăng tiến.
* TP.HCM sẽ không lập trung tâm mua sắm thiết bị y tế tập trung và Bệnh viện Hùng Vương được chọn là đầu mối để củng cố năng lực, mua sắm cho cả hai tuyến là các bệnh viện và tuyến y tế cơ sở. Bà thấy đây có phải là áp lực, khi mà chuyện đấu thầu, mua sắm là vấn đề khúc mắc tại hầu hết các bệnh viện?
- Thực ra đây là hoạt động thường xuyên hằng năm, Sở Y tế TP.HCM vẫn giao cho một bệnh viện nào đó mua thuốc (không phải tất cả các mặt hàng) đấu thầu tập trung theo quy định. Mấy năm trước có Bệnh viện Nhân dân 115, Nhân dân Gia Định và năm nay giao cho chúng tôi.
Về mua sắm thuốc từ nhiều năm qua, đơn vị được Sở Y tế đánh giá làm tốt, đó có thể cũng là lý do giao cho đơn vị làm đầu mối đợt này. Đương nhiên khi nhận nhiệm vụ mới cũng sẽ thêm trách nhiệm, nhưng đây là chuyện quan trọng của ngành y tế TP.HCM nên chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ.