Giám đốc bỏ công ty, đi vớt người đuối nước
Vốn là giám đốc của một công ty vận tải, anh Văn bỏ công việc tại công ty, bỏ tiền đi cứu vớt người đuối nước miễn phí. Có người bảo anh bị “điên”, người bảo “thần kinh, thừa tiền”, nhưng với anh Văn, đó là cuộc sống của anh.
Giữa trưa nắng nóng như muốn thiêu đốt mọi thứ của cái thời tiết hè tháng 6, làn hơi nóng bốc lên từ mặt sông phả thẳng vào mặt càng khiến người ta như muốn ngất xỉu vì nóng.
Từ bên bờ sông Tân Đệ, Thái Bình, anh Văn phi vội về nhà ăn tạm bát cơm. “Ăn nhanh xong còn ra tìm người nữa, người nhà họ đang sốt ruột lắm” , anh Văn nói với chúng tôi thế khi nhắc đến việc mình đang làm.
Suốt ngày lênh đênh sông nước, dành thời gian tìm người đuối nước giúp các gia đình nên muốn trò chuyện với anh Văn cũng khó. Sau 2 lần liên hệ, chúng tôi đã có dịp trò chuyện với anh Nhâm Quang Văn (39 tuổi), khi anh tranh thủ về ăn trưa.
Anh Văn là người con duy nhất trong một gia đình ở Thái Bình. Vợ chồng anh sinh được 3 người con. Anh vốn là giám đốc một công ty vận tải chuyên cung cấp xe cẩu hàng hóa, lắp dựng các nhà máy.
Một ngày giữa tháng 5 năm 2015, chiếc tàu chở trang thiết bị cùng anh và 7 nhân viên khác bị chìm cách bờ 5km, tại biển Cồn Vành, huyện Tiền Hải (Thái Bình).
Người ta tìm thấy anh và nhóm người may mắn bám trụ được vào cần cẩu nhô lên ở vị trí cát bồi. Cả đoàn may mắn thoát nạn. Sau khi được người dân cứu sống, anh thấy rằng anh nên làm những công việc cứu giúp người như anh đã từng được cứu. “Giống như tôi trả nợ đời vậy đó” , anh Văn cười mỉm.
Từ đó, anh luôn đau đáu trong lòng rằng phải làm một điều gì đó để giúp đời. Đến tháng 10/2020, cơn bão số 9 đổ bộ vào các tỉnh miền Trung với sức tàn phá khốc liệt.
Anh Văn thành lập đội cứu hộ 0 đồng rồi cùng bạn bè, đồng nghiệp hỗ trợ vận chuyển hơn 100 canô, 60 xe cứu hộ và nhu yếu phẩm từ miền Bắc chi viện cho miền Trung, mọi thứ đều miễn phí.
Đó cũng là chuyến đi hỗ trợ xa nhà lâu nhất của anh Văn khi bước vào công việc cứu trợ 0 đồng. Những nỗi khổ, sự tuyệt vọng giữa dòng nước lũ, anh Văn hiểu cả. “12 ngày. Đó là chuyến đi xa nhà để cứu trợ lâu nhất đối với tôi, khó quên lắm, bà con tị nạn nhiều quá” , anh Văn nhớ lại.
Kể từ ngày ấy, anh Văn ngày đêm túc trực giúp đỡ những gia đình có người thân gặp nạn. Mỗi khi có người thân gặp nạn nơi sông nước, người ta lại gọi, anh và cả đội lại lên đường.
Do làm công việc ý nghĩa, giúp người nên bố mẹ và vợ con anh không ai phản đối. Nhưng nhìn người thân lăn xả vào dòng nước lớn ngày đêm thì không khỏi lo lắng.
“Không phản đối nhưng mỗi lần mình cầm ca nô đi ra khỏi nhà thì mọi người lo lắng lắm. Những lúc đấy mình cũng động viên mọi người là không có vấn đề gì đâu. Ca nô to mọi người không việc gì phải sợ”
Xuất thân từng làm cứu hộ đường bộ đã nhiều năm, anh Văn từng chứng kiến nhiều vụ tai nạn giao thông đau lòng. Dù có kinh nghiệm, từng chứng kiến nhiều vụ đau lòng nhưng khi chuyển sang cứu giúp đường thủy, anh Văn vẫn sợ.
“Lúc đầu làm ai cũng sợ, bản lĩnh từng nhiều năm làm cứu hộ đường bộ, chứng kiến nhiều cảnh thương tâm như tôi nhưng khi làm cứu hộ đường thủy giúp mọi người, ban đầu tôi cũng sợ lắm. Về không ăn uống được gì đâu, không ăn nổi nhưng dần cũng quen”
Bỏ công việc, bỏ thời gian và tiền bạc đi hỗ trợ cứu giúp người, anh Văn phải đánh đổi nhiều thứ. Công việc của anh cũng bị ảnh hưởng nhiều. Anh phải chuyển nhân sự ở công việc đường bộ của mình xuống đường thủy để hỗ trợ.
“Những hợp đồng, đàm phán làm ăn cũng bị hạn chế vì đang ở sông nước làm việc không bỏ đi về đàm phán được. Nhưng mà tôi cứ kệ. Mình làm việc tốt thì có phúc có phần, quan điểm của tôi là thế”
“Thật ra đội khi những người đi làm việc này có lấy công thì người ta cũng khộng thích mình chút nào đâu. Họ cũng không muốn kết hợp với mình vì mình thì tìm miễn phí còn họ thì lấy tiền.
Rồi đến hàng xóm thì cũng có người nói mình điên, thần kinh, thừa tiền, mình là thành phần thế nọ thế kia… Tôi làm như này giống như làm dâu trăm họ, nếu như để ý đến những lời ấy thì rất là mệt.
Thế nên tôi cứ kệ người ta muốn nói gì thì nói, mình cứ làm việc mình bằng cái tâm của mình thôi, để ý đến lời hàng xóm chắc chỉ bán canô đi chứ không làm được”
Hiện tại anh Văn đang có 1 chiếc canô và 2 xuồng nhỏ để đi cứu trợ. Trong đó, 2 chiếc xuồng nhỏ được người dân ủng hộ khi vào miền Trung cứu trợ lũ lụt.
“Chúng tôi giữ lại 2 cái xuống đó để cứu hộ cứu nạn, nhưng đó là 2 xuồng nhỏ, chất liệu làm bằng composite. Khi đi chỉ cần va đập vào đá 2-3 lần là sẽ vỡ tan hết, không đảm bảo.
Chiếc canô đạt tiêu chuẩn bằng nhôm thì tôi tự bỏ tiền túi ra mua. Giờ cũng muốn các mạnh thường quân hỗ trợ một cái canô to nữa để đạt tiêu chuẩn cho anh em đi hỗ trợ người dân. Bởi vì muốn làm lâu dài thì phải đảm bảo sức khỏe cho anh em trong tổ, không đảm bảo sức khỏe cho anh em thì sẽ nhiều người bỏ cuộc”
“Xe đó mà đi thuê thì tốn kém lắm, 100km một chiều đi, người ta cũng lấy khoảng 5-6 triệu rồi, đấy là chỗ quen biết, còn chiều về và xăng dầu chi phí nữa”
Mỗi lần đi tìm kiếm giúp mọi người, tìm thấy nhanh anh Văn cũng tốn kém trên 10 triệu đồng: “Nếu lâu thì tốn hơn, canô khá là tốn xăng, một tiếng hết tầm 30-40 lít” , anh Văn chia sẻ.
Tốn kém là thế nhưng mọi kinh phí để duy trì các hoạt động, anh Văn đều lấy từ gia đình và bỏ tiền túi của anh ra để đi hỗ trợ.
“Hiện đội của tôi có 8 người, tôi định mở rộng thêm 1 tổ nữa, muốn chia ra làm 2 tổ để phối hợp với nhau cho dễ, làm cho nhanh. Ví dụ trong 1 ngày có 2 vụ thì mình có thể giải quyết được cho gia đình họ, còn không thì họ phải chờ sốt ruột lắm”
Tuy nhiên, việc tìm được người bổ xung vào tổ cũng khó khăn vì không phải ai cũng có điều kiện, thời gian và muốn làm công việc này.
“Hôm nay tôi tranh thủ ăn trưa xong là lại ra tìm với anh em luôn. Đang cứu hộ ở chỗ gần cầu Tân Đệ, 5 người tìm từ hôm 27/6 nhưng vẫn chưa thấy. Tranh thủ về ăn cơm tí xong lại đi tìm tiếp, cách nhà tôi khoảng 7km thôi”
Ở Thái Bình, đã có rất nhiều người biết đến anh Văn và được anh giúp đỡ. Anh cũng chẳng nhớ nổi mình đã vớt bao nhiêu người đuối nước nữa.
Những ngày này miền Bắc nắng nóng. Cái nóng như thiêu như đốt khiến người ta chỉ muốn ở trong nhà bên chiếc quạt hay điều hòa mát lạnh. Anh Văn lao ra sông, vì “người ta vẫn đang đợi tôi”, anh nói thế.
Nắng nóng cùng với hơi nóng từ mặt sông bốc lên phả thẳng vào mặt như muốn bạc cả người nhưng: “Hề hấn gì với những nỗi lo, tiếng kêu khóc của việc người thân đang tạm chia ly chưa thể gặp lại” , anh Văn tâm sự.
“Cứu giúp người khi còn làm được thì tôi còn làm. Với tôi, với bạn hay ai cũng vậy, mỗi người chỉ có một cuộc sống, tôi chỉ muốn làm sao để sống có ý nghĩa, để khi mọi người nhớ đến mình thì đó là một điều lương thiện”
“Danh tiếng làm gì, nhiều người biết đến, tôi giúp nhiều người hơn thì càng mất nhiều tiền hơn mà. Mỗi lần giúp người đều là tiền túi mình bỏ ra thì danh tiếng gì đâu”
Chứng kiến quá nhiều vụ việc đau lòng, ạnh Văn mong các bạn trẻ, những người có ý định dừng lại cuộc đời thì hãy suy nghĩ lại: “Mong mọi người tôn trọng, quý trọng cuộc sống, thân thể của mình và công sinh thành của cha mẹ.
Các bậc cha mẹ cũng cần để mắt đến con cái nhiều hơn và cho con đi học bơi để đảm bảo an toàn tính mạng của con em mình” , anh Văn bọc bạch.
Anh cũng dự kiến muốn mở lớp dạy bơi miễn phí cho các cháu bé, trước mắt, anh dự tính sẽ mở ở tỉnh Thái Bình, sau này có kinh phí sẽ mở rộng thêm.
Ăn xong bát cơm, anh Văn lại vội lên đường trong cái nắng nóng chói chang: “Mong tìm được người thân cho họ sớm được ngày nào hay ngày đó” , anh Văn bảo thế.
Phía xa xa chân cầu Tân Đệ mấy ngày này, người ta vẫn thấy một nhóm người trên chiếc canô nhỏ lướt nhanh trên sông. Phía bên bờ, vài người nhìn xa xăm theo chiếc canô, đang khuất dần sau đám cỏ cháy vàng vì nắng, thất thần như đang cầu nguyện điều gì.