Giám đốc BHXH TP.HCM: ‘Rút sổ BHXH 1 lần chỉ có hại’
Chỉ 3 tháng đầu năm 2022 toàn TP.HCM đã có khoảng 37.000 người làm thủ tục nhận BHXH một lần, tăng khoảng 19% so với cùng kỳ năm 2021. Giám đốc BHXH TP.HCM lên tiếng cảnh báo không nên.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online về thực trạng này, ông Phan Văn Mến - giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM - nói: "Sau Tết, đặc biệt là giai đoạn từ tháng 3 và tháng 4-2022, lượng người từ các tỉnh thành tới TP.HCM tìm việc làm rất lớn.
Không xin hoặc chưa xin được việc làm khiến đời sống của đại bộ phận người dân gặp rất nhiều khó khăn, đó cũng là lúc họ nghĩ đến việc rút sổ BHXH. Dù chúng tôi tuyên truyền rất nhiều nhưng quả thật chưa "thấm" được, việc đổ xô đi rút sổ BHXH một lần vẫn tiếp diễn".
Chỉ thấy hại, không thấy lợi
* Đối tượng rút sổ BHXH thường nằm ở nhóm nào, thưa ông?
- Lượng hồ sơ rút BHXH rất lớn, bên cạnh người lao động ở TP.HCM, đặc biệt ghi nhận lao động ngoại tỉnh lên TP.HCM rút sổ BHXH rất nhiều. Như ở các tỉnh lân cận gồm Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh chẳng hạn, trong thời gian qua họ tìm đến các quận huyện vùng ven của TP.HCM để rút BHXH như quận 12, Bình Tân, Củ Chi, Hóc Môn, TP Thủ Đức…
Cho đến hết 31-3, BHXH TP.HCM ghi nhận có đến 37.000 người rút BHXH. Đây là con số kỷ lục, so với cùng kỳ năm 2021 tăng 19%. Bình quân người rút BHXH được hưởng 50-60 triệu đồng, có người cao lên tới khoảng 300 triệu đồng, chỉ một số trường hợp cá biệt là khoảng 500 triệu đồng.
Đây là người được đóng BHXH cao, và kéo dài trong nhiều năm. Thực tế, số tiền này có thể giải quyết khó khăn trong một giai đoạn nhất thời nhưng lâu dài ảnh hưởng rất lớn về an sinh xã hội.
* Xin ông phân tích về cái lợi và hại của việc rút BHXH 1 lần là gì?
- Thực ra việc rút BHXH 1 lần như thời gian gần đây không mang đến lợi ích gì cả, mà chỉ có thiệt cho người lao động.
Theo tính toán của chúng tôi, bình quân một người một năm phải đóng tiền BHXH lên tới 2,64 tháng lương, nhưng khi rút tiền BHXH 1 lần họ chỉ được hưởng 1,5 tháng (trước 2014) và 2 tháng (sau 2014). Đây là con số chênh lệch khá lớn, thiệt thòi cho người lao động.
Ngoài ra, rút tiền BHXH sẽ đồng nghĩa với việc người lao động tự đưa mình ra khỏi hệ thống an sinh xã hội. Tức sau này không được hưởng chế độ hưu trí và đặc biệt không còn được hưởng chế độ BHYT lúc ốm đau bệnh tật. Điều này trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống an sinh của chính bản thân người đó, đồng thời phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình, xã hội.
Ví dụ điển hình như trong đại dịch COVID-19 vừa qua, có nhiều người trước đó đã rút sổ BHXH, do đó khi nghị quyết 116 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp được thông qua, họ không còn được hưởng chế độ BHXH.
"Quỹ BHXH không bao giờ vỡ..."
* Tuy vậy có luồng kiến cho rằng việc đóng tiền BHXH so với lợi ích họ nhận được không tương xứng, đặc biệt như qua đợt dịch COVID-19 sự hỗ trợ là rất hạn chế; thậm chí có tâm lý "cứ cầm tiền của mình trước đã rồi tính"…
- Tồn tại quan điểm này tức là người lao động chưa hiểu rõ về chính sách ưu việt của BHXH, bởi thời gian càng dài, đóng càng cao thì được hưởng càng cao. Tâm lý "cứ cầm tiền của mình trước đã rồi tính"… theo đánh giá của tôi là mới chỉ thấy cái lợi, cái cần trước mắt mà quên đi cái ích lợi lâu dài hơn.
Thực tế rõ ràng trong đợt cứu trợ xã hội vừa rồi của Chính phủ cũng căn cứ từ số năm đóng BHXH, không cần căn cứ vào mức đóng của từng cá nhân. Ví dụ như nghị quyết 116 của Chính phủ chia làm 6 mức hưởng trợ cấp, cơ quan BHXH căn cứ vào mức thời gian đóng để đưa ra cac mức từ 1,8 triệu đồng - 3,7 triệu đồng/người lao động.
Và tôi xin khẳng định quỹ BHXH không bao giờ bị vỡ cả, bởi có sự bảo trợ của Nhà nước, do đó người dân cần an tâm không nên rút sổ BHXH 1 lần.
* Như vậy cơ quan BHXH có giải pháp nào để người dân hiểu lợi ích của việc tham gia BHXH và thay đổi ý định đi rút BHXH 1 lần?
- Phải khẳng định rằng rút sổ BHXH hay không là quyền của người lao động, do đó với tư cách là cơ quan chuyên môn chúng tôi chỉ còn cách tăng cường tuyên truyền, vận động bằng nhiều cách, thông qua cơ quan BHXH, LĐTB&XH, các kênh tổ chức công đoàn, cùng các sở ngành và địa phương.
Khi các cơ quan cùng vào cuộc, cùng thuyết phục người lao động tiếp tục đi làm, không rút sổ BHXH, coi việc tham gia BHXH là thời gian tích lũy đảm bảo lương hưu sau này cho bản thân thì hy vọng tình hình này được cải thiện.
Bài toán có nhiều lời giải
Để hạn chế tình trạng người lao động đổ dồn đi rút BHXH một lần, bà Nguyễn Thị Thúy - phó trưởng phòng hưu trí BHXH Việt Nam - cho biết cơ quan này đang nghiên cứu đề xuất, sửa đổi, bổ sung quy định để người lao động hưởng nhiều quyền lợi hơn trong thời gian tham gia BHXH đến khi đủ tuổi hưởng lương hưu.
“Hiện nhiều người lao động không hình dung hết bất lợi của việc hưởng BHXH một lần và lợi ích của việc tích lũy nhiều thời gian đóng BHXH. Nếu thời gian đóng BHXH của người lao động càng nhiều thì mức hưởng sẽ tốt hơn. Nếu khó khăn không thể tham gia BHXH, người lao động có thể bảo lưu và sau đó tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tự nguyện để đủ điều kiện nhận lương hưu”, bà Thúy nói.
Trong khi, ông Mai Đức Chính - nguyên phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - cho hay người lao động khó khăn khi mất việc hoặc về quê có thể vay để buôn bán nhỏ hoặc giải quyết các khó khăn cần kíp trước mắt như đóng học phí cho con... thay vì rút BHXH một lần. Cơ quan chuyên môn cần tham mưu “siết” quy định người lao động nghỉ việc sau một năm vẫn chưa có việc làm mới sẽ được rút BHXH một lần lên thành 2 - 3 năm. Tại TP.HCM, mô hình quỹ CEP, nay là Tổ chức tài chính vi mô CEP, cho người nghèo vay vốn nhỏ với lãi suất thấp.
“Nhà nước có thể hỗ trợ nguồn vốn, phân chia cho các liên đoàn các tỉnh thành để nhân rộng mô hình của CEP để cho người lao động vay không lãi”, ông Chính đưa ra ví dụ.
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, người lao động hưởng BHXH một lần đang có xu hướng gia tăng qua các năm, năm sau cao hơn năm trước. Giai đoạn 2016-2021 có tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 8,4%.
Riêng trong 2 tháng đầu năm 2022, số người nhận BHXH một lần tiếp tục tăng nhanh (tăng 13,53% so với cùng kỳ năm 2021), tập trung tại các địa phương nhiều khu công nghiệp lớn như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội, Long An…
Nhiều ngày nay, lượng người đổ đến làm thủ tục bảo hiểm xã hội một lần tại nhiều quận, huyện ở TP.HCM tăng nhanh. Tại một số điểm làm thủ tục, người dân đến từ rất sớm để lấy số thứ tự, chờ được làm thủ tục trong ngày.