Giải thưởng Nobel Kinh tế năm 2022 sẽ gọi tên ai?
Trong bối cảnh kinh tế thế giới bất ổn như hiện nay, các nhà kinh tế học với những công trình nghiên cứu về lao động, xóa bỏ nghèo đói và hành vi vị tha trong kinh tế có tiềm năng đoạt giải.
Giải thưởng Nobel Kinh tế năm 2022 sẽ gọi tên ai?
Giải thưởng Kinh tế được công bố vào lúc 16h45 ngày 10/10 (giờ Việt Nam) sẽ khép lại Tuần lễ Nobel 2022.
Ông Hubert Fromlet - Giáo sư kinh tế quốc tế tại trường Đại học Linnaeus (Thụy Điển), cho rằng việc dự đoán người chiến thắng giải Nobel luôn rất khó, nhưng có thể loại các nhà nghiên cứu về chính sách tiền tệ khỏi danh sách các ứng cử viên nặng ký cho giải Nobel Kinh tế năm nay.
Theo ông, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đang phải vật lộn để kiềm chế lạm phát, trong khi đó các chính sách tiền tệ "đã thất bại nhiều lần và không có nhà lý thuyết giỏi nào có thể hướng dẫn họ khắc phục tình trạng này một cách chính xác."
Bên cạnh đó, ông Fromlet cũng chia sẻ rằng sẽ là đáng tiếc nếu chủ nhân Nobel Kinh tế 2022 không phải là nữ giới. Kể từ khi giải thưởng này bắt đầu được trao vào năm 1969, mới chỉ có 2 lần giải thưởng kinh tế được trao cho các nhà kinh tế học nữ, đó là bà Elinor Ostrom (vào năm 2009) và bà Esther Duflo (vào năm 2019).
Hiện ứng cử viên được đánh giá cao có thể trở thành người phụ nữ thứ 3 đoạt giải Nobel Kinh tế là nhà kinh tế học lao động người Mỹ Claudia Goldin.
Nhận xét về bà Goldin, ông David Pendlebury - trưởng bộ phận phân tích nghiên cứu tại Viện Thông tin Khoa học tại Clarivate, cho biết: "Bà đã nghiên cứu về vai trò của nữ giới trong lực lượng lao động, sự chênh lệch giữa lương của nam giới và nữ giới, kể cả ảnh hưởng của yếu tố kinh tế. Bà quả thực đã làm được rất nhiều điều."
Nếu đoạt giải Nobel, bà Claudia Goldin có thể chia sẻ giải thưởng này với ông Richard Blundell, chuyên gia người Anh về kinh tế học lao động.
Bà Anne Krueger (người Mỹ) cũng là một ứng cử viên sáng giá cho giải Nobel Kinh tế trong những năm gần đây. Bà từng là nhân vật số 2 tại Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đồng thời có một thời gian ngắn giữ cương vị Giám đốc điều hành (MD) tại IMF. Ngoài ra, bà cũng từng là Phó Chủ tịch Kinh tế và Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB).
Theo ông David Pendlebury, hai nhà kinh tế học Sam Bowles và Herbert Gintis của Mỹ cũng là những người có tiềm năng giành chiến thắng. Đây là hai chuyên gia nghiên cứu về yếu tố vị tha trong kinh tế học hành vi từ những năm 1960, vốn ngược với các nguyên lý về chủ nghĩa cá nhân của lý thuyết cổ điển. Ông Pendlebury cho rằng: “Họ sẽ là một sự lựa chọn bất thường, nhưng thú vị đối với Ủy ban Nobel."
Trong số các ứng cử viên nặng ký của giải Nobel Kinh tế 2022, còn phải kể đến hai nhà kinh tế người Pháp là ông Olivier Blanchard - người từng là nhà kinh tế trưởng tại IMF, và ông Thomas Piketty - tác giả cuốn sách nổi tiếng "Capital in the Twenty-First Century," phát hành tại Việt Nam dưới tựa đề "Tư bản trong thế kỷ 21."
Ngoài ra, bộ 3 nhà kinh tế học Ernst Fehr (Thụy Sĩ/Áo), Matthew Rabin (Mỹ) và Colin Camerer (Mỹ); các chuyên gia thương mại quốc tế Elhanan Helpman (Israel) và Gene Grossman (Mỹ); hay nhà kinh tế học lao động Marianne Bertrand (người Bỉ) và chuyên gia về các chính sách chống đói nghèo Janet Currie (người Canada gốc Mỹ) cũng đã được nhắc đến nhiều trong thời gian qua.
Có tên gọi đầy đủ là Giải thưởng của ngân hàng Sveriges Riksbank dành cho Khoa học kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel, giải Nobel Kinh tế không nằm trong hệ thống 5 giải Nobel được lập theo di nguyện của nhà khoa học người Thụy Điển này vào năm 1895. Đây là giải thưởng do Ngân hàng Trung ương Thụy Điển sáng lập và tài trợ bắt đầu từ năm 1968 để kỷ niệm 300 năm thành lập ngân hàng này và cũng để tưởng nhớ Alfred Nobel.
Từ năm 1969 tới năm 2021, đã có 53 giải Nobel Kinh tế được trao. Người trẻ tuổi nhất từng đoạt giải thưởng danh giá này là bà Esther Duflo (khi đó 46 tuổi), trong khi người cao tuổi nhất từng được vinh danh là nhà kinh tế học Leonid Hurwicz (ở tuổi 90).
Năm ngoái, giải Nobel Kinh tế đã được trao cho 3 nhà kinh tế học người Mỹ là David Card, Joshua D. Angrist và Guido W. Imbens, với những công trình nghiên cứu đã giúp giải mã những các câu hỏi quan trọng về nền kinh tế lao động và quan hệ nhân quả trong lĩnh vực này./.
Thanh Phương
Vietnam+