Giai thoại trạng nguyên Hoàng Văn Tán
Cậu bé Tán tới đó tưởng rằng được học chữ, nào ngờ thầy không cho vào lớp, mà lại bắt phải quét dọn phòng, lo nấu nước phục vụ cho lớp học. Bởi mê học, cậu bé Tán dù bận việc nhưng vẫn nghe ngóng lời thầy dạy, rồi nhập tâm.
Vào đầu thế kỷ 16 ở làng Xuân Lôi huyện Vũ Ninh, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc (nay là thôn Xuân Bình, xã Đại Xuân, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) có người phụ nữ nghèo khó nuôi đứa con nhỏ tên là Hoàng Văn Tán.
Một lần người mẹ đi chợ đến làng Thị Cầu thì gặp đám rước “vinh quy bái tổ” của một vị tiến sĩ ở làng Kim Đôi, nổi tiếng là làng khoa bảng của Kinh Bắc. Đám rước rất đông vui náo nhiệt. Nhìn đám rước đông vui, ngẫm lại gia cảnh bần hàn không dám cho con đi học, người mẹ chợt cảm thấy xót xa.
Trở về nhà, người mẹ kể chuyện đám rước cho con nghe, không ngờ cậu bé Tán liền nói như đinh đóng cột rằng: Con mà được đi học thì còn đỗ cao hơn. Nghe thế, người mẹ liền quyết định tìm thầy dạy chữ cho con. Bà nghe tiếng thầy đồ ở làng Vị (nay thuộc làng Phương Vĩ, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh) thì liền cho con đến học.
Có lần thầy đồ ra vế đối, cả lớp không đối được, mình cậu bé Tán kính cẩn xin phép thầy được đối lại, rồi đối rất chỉnh, khiến học trò trong lớp phục lăn. Từ lần đó cậu bé Tán mới được thầy cho ngồi học trong lớp. Với bản tính thông minh chịu khó, Hoàng Văn Tán hàng ngày dùi mài kinh sử.
Năm sau, triều đình tổ chức kỳ thi, thầy đồ chọn những môn sinh lâu năm, có nhiều học vấn, vì thế mà Hoàng Văn Tán không được phép đi.
Khi các môn sinh chuẩn bị lên đường thì trời nổi mưa to, trong khi chờ đợi thầy bèn ra vế đối: “Lác đác mưa sa làng Vị Vũ” . ( “Vị Vũ” là chỉ làng Vị nơi thầy trò đang ở).
Thầy ra câu đối nhưng môn sinh đều im lặng khiến thầy không vui. Lúc này Hoàng Văn Tán mới xin được đối, thầy đồng ý. Tán đối rằng “Ầm ầm sấm động đất Xuân Lôi”. ( “Xuân Lôi” là quê của Hoàng Văn Tán).
Nghe được câu đối này thầy sung sướng thốt lên rằng: “Trạng nguyên của ta đây rồi.”
Đến khoa thi thời vua Lê Cung Hoàng năm 1523, Hoàng Văn Tán ghi tên dự thi. Vượt qua các kỳ thi Hương, thi Hội, Hoàng Văn Tán cùng 35 môn sinh khác bước vào kỳ thi cuối cùng là thi Đình. Trong kỳ thi này Hoàng Văn Tán xuất sắc vượt qua các môn sinh khác đậu Trạng nguyên.
Hoàng Văn Tán làm quan trải qua hai triều nhà Lê và nhà Mạc, được làm đến Tả thị lang bộ Lễ.
Trần Hưng
Từ cậu bé cõng em học lỏm trở thành vị trạng nguyên trung nghĩa
Mời xem video :