Giai thoại hài hước về bản giao hưởng “Tiễn biệt” của Joseph Haydn
Joseph Haydn nổi tiếng với những sáng tác âm nhạc hiếm có, góp phần tạo nên kỷ nguyên âm nhạc cổ điển, được mệnh danh là “cha đẻ của nhạc...
Joseph Haydn sinh ra ở Rohrau, Áo, vào năm 1732. Ông nổi tiếng với những sáng tác âm nhạc hiếm ai có thể sánh được, góp phần tạo nên kỷ nguyên âm nhạc cổ điển, và được mệnh danh là “cha đẻ của nhạc giao hưởng”. Haydn cũng là một người bạn, một người dẫn đường cho Mozart, và là một người thầy của Beethoven.
Có rất nhiều giai thoại về các bản giao hưởng của Haydn, ấn tượng nhất phải kể đến bản bản giao hưởng số 45 cung Fa thăng thứ có tên gọi “Farewell Symphony” (Tạm dịch: Bản giao hưởng Tiễn biệt). Câu chuyện đằng sau bản giao hưởng này đã được Haydn kể lại cho hai người viết tiểu sử của mình là Albert Christoph Dies và Georg August Griesinger.
Năm 30 tuổi, Haydn là người phục vụ sáng tác âm nhạc cho hoàng tử Nikolaus Esterházy. Ông cũng phụ trách thuê các nhạc sĩ nổi tiếng để phục vụ cho hoàng tử.
Vào thời điểm đó, hoàng tử Nikolaus Esterházy tới sống tại cung điện mùa hè Eszterháza, một nơi nghỉ dưỡng yêu thích của hoàng tử ở vùng ngoại ô Hungary. Haydn cùng các nhạc sỹ nổi tiếng khác cũng tới đó phục vụ âm nhạc. Tuy nhiên, thời gian lưu trú tại cung điện Eszterháza dài hơn dự kiến, trong khi các nhạc sĩ lại buộc phải để vợ con ở thành phố Eisenstadt, cách cung điện một ngày đường.
Nhớ gia đình, các nhạc sĩ bắt đầu than phiền và nhờ Haydn giúp đỡ. Ông nhận lời, nhưng không đề xuất trực tiếp vấn đề với hoàng tử Nikolaus, mà lại thể hiện tâm ý của mọi người bằng việc sáng tác một bản giao hưởng mang tên Farewell Symphony.
Bản giao hưởng Tiễn biệt có một phần kết độc đáo. Trong suốt phần này, các nhạc công sẽ lần lượt dừng lại, thổi tắt ngọn nến trên giá nhạc của mình, và lần lượt rời khỏi sân khấu, cho đến khi chỉ còn lại hai người chơi violin là Haydn và nhạc trưởng Luigi Tomasini với hai cây violin được làm nhỏ tiếng (mute). Cuối cùng thì chính họ cũng rời khỏi sân khấu dưới sự chấp thuận của hoàng tử.
Và tất nhiên, là một người yêu âm nhạc, hoàng tử Esterházy hoàn toàn hiểu được thông điệp của Haydn. Vậy là dàn nhạc đã trở lại Eisenstadt một ngày sau buổi biểu diễn.
Bản giao hưởng Tiễn biệt của Haydn sáng tác ở cung Fa thăng thứ. Đó không phải là một lựa chọn thông thường vì đây là bản giao hưởng duy nhất vào thế kỷ 18 được sáng tác ở cung Fa thăng thứ. Nó không thể được trình diễn nếu thiếu một vài dụng cụ đặc biệt được thiết kế riêng dành cho kèn thời bấy giờ.
Những bản giao hưởng của Haydn chắc chắn sẽ tiếp tục sống mãi, không chỉ bởi vì sự sáng tạo xuất sắc của ông, mà còn bởi vì thiện tâm được ông truyền vào âm nhạc nữa.
Bản giao hưởng Tiễn biệt của Joseph Haydn:
Cao Huy