Giải pháp nào để ‘gỡ bom’ trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ?
Minh bạch thông tin, xếp hạng tín nhiệm, giám sát chặt chẽ là các giải pháp căn cơ nhất để gỡ các "quả bom" trái phiếu nổ chậm gây thiệt hại lớn cho các trái chủ như Tân Hoàng Minh, VSET Group thời gian qua.
Giải pháp nào để ‘gỡ bom’ trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ?
Đóng sập sẽ gây sốc, rủi ro khó lường
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến hết năm 2021, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành đạt hơn 639.766 tỉ đồng, tăng 38,8% so với năm 2020. Trong đó, chủ yếu là TPDN phát hành riêng lẻ, đạt 605.520 tỉ đồng, tăng 38,8% so với năm 2020.
Sự bùng nổ mạnh mẽ của TPDN giúp các doanh nghiệp có kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả, với chi phí hợp lý bên cạnh dòng vốn tín dụng ngân hàng. Bằng chứng là cũng trong năm 2021, nếu huy động vốn cổ phần trên thị trường chứng khoán đạt 101.000 tỉ đồng thì số huy động từ TPDN riêng lẻ lớn hơn 6 lần. Con số này gần bằng dư nợ tín dụng trung và dài hạn của toàn hệ thống ngân hàng (khoảng 700.000 tỉ đồng).
Tuy nhiên, phía sau “cơn sốt” TPDN, thị trường cũng chứng kiến một số vụ sai phạm xảy ra, điển hình là Tập đoàn VsetGroup với gần 300 tỉ đồng giá trị trái phiếu riêng lẻ phát hành gây thiệt hại cho khoảng 700 nhà đầu tư.
Con số này tại Tân Hoàng Minh là 10.500 tỉ đồng với 7.500 trái chủ. Hành vi vi phạm chủ yếu của các doanh nghiệp này là không công bố thông tin, sử dụng vốn không đúng mục đích, mua bán lòng vòng giữa các công ty có liên quan…
Để siết lại thị trường TPDN, mới đây, Bộ Tài chính đã chuẩn bị dự thảo sửa đổi (lần thứ 5) Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế.
Nội dung quan trọng nhất của dự thảo được quy định tại là “doanh nghiệp không được phát hành trái phiếu để đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp, mua trái phiếu của doanh nghiệp khác, hoặc cho doanh nghiệp khác vay vốn”.
Theo các chuyên gia, quy định mới nhằm thu hẹp để hạn chế chuyển vốn giữa các doanh nghiệp, nhưng lại cũng siết luôn vấn đề không được cho vay, góp vốn dưới mọi hình thức và khiến mô hình công ty mẹ - con hiện nay gặp hạn chế. Cụ thể, dưới quy định mới, công ty mẹ sẽ không thể phát hành trái phiếu để tài trợ cho công ty con thực hiện các dự án.
Bên cạnh đó, tác động của việc không thể tiếp cận nguồn vốn đầu tư là rất lớn, trải rộng ra nhiều ngành, không chỉ ngành bất động sản mà còn các ngành như xây dựng, năng lượng… vốn có thời gian phát triển dài trước khi đem lại kết quả kinh doanh lãi ổn định và cần có nguồn vốn lớn trung và dài hạn mà chỉ có thể huy động qua kênh trái phiếu mới có thể đáp ứng được.
Ngoài ra, quy định tại sửa đổi lần 5 đối với điều 2 cũng không phù hợp với thông lệ quốc tế và trái với nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và đảm bảo khả năng trả nợ của doanh nghiệp.
Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cũng cho rằng, quy định này sẽ vô tình khiến các doanh nghiệp ngần ngại đầu tư vào lĩnh vực mới, ngăn cản quyền tự do huy động vốn của doanh nghiệp và không khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế đa ngành, không phù hợp với chủ trương tại Nghị quyết 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân.
Minh bạch thông tin, xếp hạng tín nhiệm
PGS - TS Ngô Trí Long cho biết, giải pháp của mọi giải pháp đối với thị trường TPDN riêng lẻ là các quy định bắt buộc minh bạch thông tin chứ không phải siết lại, đóng cửa theo tư duy “không quản được thì cấm".
Khi phát hành là phải minh bạch. Công ty con, công ty cháu vay cũng được, cứ công khai để nhà đầu tư tự quyết, tránh lòng vòng như Tân Hoàng Minh.
Đối với quy định dự kiến siết điều kiện phát hành gồm: yêu cầu công ty không được lỗ lũy kế năm trước khi phát hành, phải là công ty đại chúng, có tài sản đảm bảo mới được bán cho nhà đầu tư chuyên nghiệp. Nếu áp dụng chắc chắn sẽ khiến 80% doanh nghiệp đang phát hành hiện nay (khoảng 383 doanh nghiệp) bị loại ra khỏi cuộc chơi.
Rủi ro hơn, theo ông Long, hiện nay Thông tư 16 do Ngân hàng Nhà nước ban hành đã siết chặt tín dụng với doanh nghiệp bất động sản, giờ thắt nốt kênh trái phiếu thì rất khó khăn. Chưa kể, áp lực trả nợ trái phiếu cũ cũng đã cận kề, 2 - 3 năm tới, áp lực trả nợ trái phiếu cũ rất lớn, nếu doanh nghiệp bị siết phát hành như thế này thì tất cả sẽ bị đóng băng.
Trong năm 2023 - 2024, sẽ có khoảng 189.000 tỉ đồng trái phiếu của doanh nghiệp phi tài chính đến ngày đáo hạn, nhà đầu tư sẽ chịu thiệt hại rất lớn khi doanh nghiệp không có tiền trả nợ.
“Thị trường quốc tế trái phiếu là trái phiếu. Từ Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan đều bắt buộc minh bạch, công khai. Khuôn khổ kê khai thông tin của họ rất chuẩn mực, như cáo bạch chứng khoán.
Mình thì phát hành riêng lẻ gửi mỗi công bố lên Sở giao dịch HNX , báo cáo tài chính cũng không thấy. Khung về công bố thông tin để mọi người biết rõ và tự quyết định. Cho nên, chỉ có minh bạch mới là giải pháp căn cơ nhất”, chuyên gia này kiến nghị.
Một chuyên gia khác cho biết thêm, ngoài minh bạch thông tin thì Việt Nam phải xếp hạng tín nhiệm các doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ. Xếp hạng tín nhiệm là đưa ra thang đánh giá từ tốt đến xấu. Công ty xếp hạng tín nhiệm độc lập cũng giúp phân loại hàng hoá trên thị trường tài chính, giúp nhà đầu tư tham gia thị trường biết rõ về chất lượng hàng hoá mà mình lựa chọn.
Vẫn theo chuyên gia này, trong tương quan giữa 2 chủ thể là doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư, luôn tồn tại sự bất đối xứng thông tin. Doanh nghiệp phát hành biết rất rõ về mình, nhưng chưa chắc họ đã công bố hết những thông tin bất lợi về mình cho nhà đầu tư.
Vì vậy, cần bên thứ ba để giảm thiểu bất đối xứng thông tin, trong đó có xếp hạng tín nhiệm. Nếu không có xếp hạng tín nhiệm thì bất đối xứng thông tin vẫn còn. Lúc đó, sự ổn định của thị trường phụ thuộc rất lớn vào năng lực của nhà đầu tư trong việc phân tích, thẩm định rủi ro.
“Ở nước ngoài, nhà đầu tư (trái chủ) rất sợ khi trái phiếu được phát hành bởi các doanh nghiệp không được xếp hạng tín nhiệm. Bởi vì khi đó không có đơn vị thứ ba độc lập, giám sát doanh nghiệp nữa”, chuyên gia này nói.
Anh Vũ
Thanh niên