Giải pháp mới cho cơn khát dầu của Châu Âu: Amoniac xanh!

Chia sẻ Facebook
15/10/2022 08:38:25

Amoniac xanh được kỳ vọng có thể mang lại nhiều giải pháp cho các quốc gia châu Âu vốn đang chật vật tìm cách loại bỏ dần khí đốt Nga mà không ảnh hưởng đến các cam kết chống biến đổi khí hậu.

Ngày 10/9, một con tàu cập cảng Hamburg, Đức, mang theo loại nhiên liệu ít được thế giới biết đến: Amoniac xanh. Đây được kỳ vọng trở thành sáng kiến sạch tiềm năng, làm từ hydro và không tạo ra khí CO2 trong quá trình đốt cháy. Một ưu điểm nữa là amoniac xanh dễ vận chuyển hơn các loại khí khác.

Lô hàng thử nghiệm đầu tiên này của châu Âu được nhập khẩu từ nhà sản xuất lớn nhất lục địa, Aurubis AG, theo một thỏa thuận ký kết với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất UAE. Mariam Almheiri, Bộ trưởng Bộ Biến đổi Khí hậu và Môi trường UAE cho biết chuyến hàng thứ hai sẽ khởi hành trong vòng vài tuần.

Cho đến nay, amoniac xanh chỉ được vận chuyển số lượng ít tới một số quốc gia, bao gồm Đức, Hàn Quốc và Nhật Bản. Hầu hết các lô hàng đều từ Trung Đông giàu dầu khí.

Nhược điểm là, quá trình vận chuyển amoniac xanh đến châu Âu cho đến nay không sạch như mọi người vẫn tưởng. CO2 thu được trong quá trình sản xuất đã được một số gã khổng lồ dầu khí sử dụng để chiết xuất nhiên liệu hóa thạch khó tiếp cận.

Về lý thuyết, cả hydro và amoniac đều có thể được coi là nhiên liệu sạch vì chúng cháy mà không giải phóng CO2. Điều này sẽ đúng trong thực tế, nếu cả 2 được chiết rút từ nước trong một quy trình vận hành bằng năng lượng tái tạo. Sản phẩm thu được theo đó được dán nhãn “xanh”.

Tuy nhiên, cho đến nay, amoniac xanh chủ yếu được tạo ra bằng khí tự nhiên - một quá trình sử dụng quá nhiều năng lượng, giải phóng nhiều CO₂ và trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm không khí. Như vậy, amoniac thành phẩm sẽ không còn giữ được độ “xanh”. Chúng chỉ đơn thuần sạch hơn so với nhiên liệu hóa thạch.

Đối với các lô hàng của Đức, công ty Dầu khí Quốc gia Abu Dhabi thu giữ khoảng 70% lượng khí thải carbon liên quan. Chúng sau đó sẽ được vận chuyển trên quãng đường dài 200 km bằng xe tải tới Abu Dhabi để chiết xuất thêm dầu, theo Bloomberg. Quá trình này được gọi là thu hồi dầu tăng cường và không thực sự thân thiện với môi trường.

Châu Âu tận dụng amoniac xanh, loại bỏ dần khí đốt tự nhiên gây ô nhiễm

Trong nỗ lực cạnh tranh với các đối thủ khi xuất xưởng lô amoniac xanh đầu tiên, tập đoàn dầu khí Saudi Aramco và “cánh tay phải đắc lực” Saudi Basic Industries, đã đi đường tắt. Đại diện phát ngôn của cả 2 hồi năm ngoái xác nhận họ sẽ không thu CO₂ trực tiếp từ nhà máy amoniac mà chiết rút luôn từ quy trình sản xuất hóa chất riêng biệt. Điều này sẽ giúp hạn chế lượng khí nhà kính tiếp cận bầu khí quyển.

“Đây là một kế hoạch rất sáng tạo. Lý tưởng nhất là thu giữ được carbon ngay tại nguồn”, Gniewomir Flis, một nhà phân tích công nghệ sạch độc lập cho biết.

Bloomberg NEF dự đoán, nếu hydro sạch đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu và nhận đủ chính sách hỗ trợ, doanh số trên toàn cầu có thể lên tới 700 tỷ USD/năm vào năm 2050. Các nhà sản xuất khí đốt Trung Đông có thể dễ dàng tìm thấy người mua ở châu Âu - nơi đang chật vật đối phó với khủng hoảng khí đốt. Một thỏa thuận về amoniac xanh với Adnoc đã được hoàn tất vào tháng 3, khi Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck đến thăm Abu Dhabi để tìm nguồn năng lượng mới.

Với Đức, các chuyến hàng thí điểm chính là nền tảng cho tuyến vận chuyển trung hạn sắp tới, với khả năng đáp ứng nhu cầu lên tới 110 terawatt giờ vào năm 2030 - tương đương ¼ lượng điện tiêu thụ hàng năm tại Đức. Trước đó, Đức quyết định mở cửa trở lại các nhà máy than, đồng thời từ bỏ các quy định về ô nhiễm với các lò đốt rác để tránh tăng giá điện vào mùa đông.

Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg hồi tháng 8, Ahmed El-Hoshy, giám đốc điều hành của Fertiglobe, công ty quản lý nhà máy amoniac sản xuất các lô hàng đầu tiên cho Đức, đã quảng cáo về lợi ích của amoniac xanh. Loại khí này sẽ giúp Đức giảm bớt sự phụ thuộc vào các nhà máy than vốn tạo ra lượng lớn khí thải cho bầu khí quyển.

Theo đề xuất của EU, người mua khí amoniac sẽ phải trả phí cho lượng carbon thải ra trong quá trình sản xuất. Sản phẩm cuối cùng theo đó sẽ bị đội giá lên rất nhiều.

Để giải quyết vấn đề này, tập đoàn dầu khí Saudi Aramco và Sabic Basic Industries bắt đầu thu carbon trực tiếp từ quy trình sản xuất amoniac, đồng thời thuê một công ty Đức chuyên đánh giá hydro và amoniac xanh vào năm 2021. Dẫu vậy, chỉ một lượng nhỏ carbon dự định bán ra tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Châu Âu được coi là “trung tính”.

Năm ngoái, nhà máy lọc dầu Sasref của Aramco sản xuất khoảng 50.000 tấn hydro, song chỉ có 8.075 tấn trong số đó là “xanh”, theo Oliver Thorel, phó chủ tịch phụ trách mảng hóa chất của Aramco. Aramco và Sabic cũng sản xuất amoniac xanh để xuất khẩu, song cũng chỉ một lượng nhỏ thực sự thân thiện với môi trường.

Theo Thorel, công ty sẽ có thể sản xuất nhiều amoniac xanh hơn nếu có thể chôn vùi vĩnh viễn CO2. Ả Rập Xê Út đang lên kế hoạch sử dụng các mỏ dầu và khí đốt gần cạn kiệt để lưu trữ khí thải dưới lòng đất, sau đó đặt mục tiêu sản xuất 11 triệu tấn amoniac xanh vào năm 2030.

Cơ sở đầu tiên được kỳ vọng có thể cô lập tới 9 triệu tấn CO2/năm và bắt đầu đi vào hoạt động vào năm 2026, theo Thorel. Nhà máy amoniac xanh trị giá 1 tỷ USD của Qatar dự kiến khởi động cùng thời điểm. UAE cũng đang lên kế hoạch xây dựng thêm các nhà máy amoniac xanh có thể thu giữ ít nhất 90% lượng khí thải họ tạo ra, theo Bloomberg.

“Nhật Bản và Hàn Quốc hiện đang xem xét lại các quy định đủ điều kiện nhận sự hỗ trợ từ chính phủ. Tham vọng của chúng tôi với dự án này là chúng sẽ đáp ứng được những yêu cầu nghiêm ngặt nhất”, đại diện tập đoàn dầu khí Aramco cho biết.


Theo: Bloomberg


Vũ Anh

Chia sẻ Facebook