Giải pháp kép cho nhà vệ sinh công cộng

Chia sẻ Facebook
23/03/2023 10:12:21

TP.HCM với dân số trên 10 triệu dân nhưng chỉ có hơn 200 nhà vệ sinh công cộng (NVSCC), trong đó ngay tại khu vực trung tâm, trên địa bàn quận 1 chỉ có 18 NVSCC đang hoạt động ở 13 điểm công cộng gồm 4 chợ, 7 công viên, 1 trạm xe buýt và 1 khu dân cư. Hầu hết các quận/huyện trong thành phố, việc bố trí NVSCC còn ít và hiếm hơn.

Giải pháp kép cho nhà vệ sinh công cộng


TP.HCM với dân số trên 10 triệu dân nhưng chỉ có hơn 200 nhà vệ sinh công cộng (NVSCC), trong đó ngay tại khu vực trung tâm, trên địa bàn quận 1 chỉ có 18 NVSCC đang hoạt động ở 13 điểm công cộng gồm 4 chợ, 7 công viên, 1 trạm xe buýt và 1 khu dân cư. Hầu hết các quận/huyện trong thành phố, việc bố trí NVSCC còn ít và hiếm hơn.

Đã thiếu lại xuống cấp, nhiều nhà vệ sinh hư hỏng nặng nhưng không sửa chữa, phục vụ trong tình trạng rò rỉ nước, van xả nước bị hư nên phải bơm nước thủ công, không giấy lau, không xà bông, không được chùi rửa nên rất mất vệ sinh. Chưa kể cửa then đều cái hư cái hỏng, đường vào NVSCC thì vừa xa, vừa khó tìm vừa phức tạp, đầy bất an.

Hiện trạng này cũng không khá hơn ở Hà Nội - một đô thị với hơn 8 triệu dân nhưng cũng chỉ có khoảng hơn 400 nhà vệ sinh công cộng và cũng lâm cảnh xuống cấp nghiêm trọng.


Và thực tế đó đã lọt vào bảng xếp hạng theo một khảo sát của QS Supplies được công bố cuối tháng 01/2023 trên báo Nikkei Asia. Hà Nội và TP.HCM lần lượt xếp vị thứ 66-67/69 thành phố du lịch trên toàn thế giới về điều kiện NVSCC.

Vấn đề là không đợi đến bảng xếp hạng của QS Supplies thì chính quyền thành phố mới nhận rõ sự thiếu hụt và xuống cấp nghiêm trọng của hệ thống NVSCC mà đây đã là vấn đề tồn đọng từ nhiều năm qua. Vì vậy, việc khắc phục, chấn chỉnh cũng không chỉ để nâng mức xếp hạng, không đơn thuần để phục vụ tốt hơn nhu cầu của du khách mà cùng với đó là đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân sinh sống, tham gia lưu thông công cộng, đảm bảo những điều kiện tối thiểu của một đô thị có môi trường sống tốt, tiện ích, văn minh.

Vì sao đề án xây dựng 1,000 nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn thành phố không triển khai được? Do đâu mà chiến dịch “Ở đâu phát triển du lịch, ở đó có nhà vệ sinh đạt chuẩn" của chính quyền thành phố và ngành du lịch mới chỉ nằm… trên giấy? Khi xác định du lịch là một trong những điểm sáng kinh tế của thành phố thì điều kiện đi kèm là các dịch vụ thiết yếu này đã được quy hoạch, đầu tư ra sao? Trách nhiệm của chính quyền thành phố, quận huyện và sự phối hợp giữa các cơ quan hữu trách, giữa Nhà nước với doanh nghiệp, Nhà nước với nhà dân - tức hộ kinh doanh đóng trên địa bàn quận/huyện để cùng lúc hỗ trợ, khai thác cả hai hình thức NVSCC lưu động và cố định, được chỉ rõ, phân công, xây dựng, vận hành, kiểm tra, đánh giá, nghiệm thu cụ thể, công khai như thế nào… Những câu hỏi trên đã được “trả lời” bằng sự thiếu quyết liệt, thiếu đầu tư, thiếu trách nhiệm của chính quyền các cấp, các sở ngành liên quan từ nhiều năm qua trong việc tháo gỡ các khó khăn, giải quyết thực trạng NVSCC.


Đã đến lúc, nói như Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thì “không thể chấp nhận việc thiếu nhà vệ sinh công cộng, kém vệ sinh tại TP.HCM ”, mà giải pháp kép là sự lựa chọn có tính thực tế nhất.

Trước hết là bố trí quỹ đất, phải vừa bao gồm công trình phụ trong các quy hoạch, xây dựng được đầu tư công; vừa xin cơ chế tạm xây dựng, khai thác trên các khu vực đất đang “treo”, chưa có quy hoạch xây công trình phục. Ngoài ra, tận dụng nguồn có sẵn của các hộ kinh doanh (nhà hàng, quán cà phê, khách sạn…) trên từng địa bàn để có thể khai thác, sử dụng. Như cách mà UBND quận 1 đang làm, là công bố 100 nhà hàng, quán cà phê hỗ trợ vệ sinh công cộng miễn phí từ tháng Ba này cũng như đề xuất 5 điểm sẽ xây dựng NVSCC ở các khu đất đang “treo” dự án, nằm ở vị trí trung tâm, đông đúc.

Về nguồn vốn thì cần bên cạnh sử dụng nguồn ngân sách của đầu tư công, kết hợp với nguồn vận động xã hội hóa, trong đó tính toán rõ các điều kiện được khai thác như thời gian khai thác bao lâu, tính chất, diện tích khai thác các dịch vụ - thương mại (như có quầy hàng bán các vật dụng văn hóa phẩm…) để tăng nguồn thu, bù chi cho các đơn vị doanh nghiệp. Đặc biệt, nguồn kinh phí để đảm bảo vận hành, duy tu, bảo dưỡng, trả nhân công hằng tháng được huy động, trích lập từ đâu… Tất cả phải được thể hiện rõ trong hợp đồng một cách công khai và công bằng thì mới đảm bảo tính khả thi, xuyên suốt, bền vững trong hoạt động vận hành, phục vụ.


Nên nhân rộng mô hình của Sacombank - đơn vị duy nhất đã tham gia từ năm 2010 cho đến nay - ở các địa bàn khác, với sự tham gia của các doanh nghiệp, chứ không chỉ một mình Sacombank gánh vác trách nhiệm xã hội này. Hay mô hình dự án NVSCC kết hợp ki ốt kinh doanh cùng Công ty cổ phần công nghệ môi trường Tiên Phong đã triển khai ở quận 3 và Tân Bình. Và gần nhất, là Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong đã lập kế hoạch xây dựng hàng loạt NVSCC ở khu trung tâm thành phố gửi UBND TP. Trong đó, về quỹ đất, công ty đề xuất UBND thành phố giao đất nhưng không thu tiền sử dụng đất và miễn thuế, đồng thời giao đất với diện tích đủ để xây NVSCC có chỗ đậu xe kết hợp ki ốt kinh doanh để công ty có nguồn thu nhằm duy trì hoạt động, bảo trì, tái đầu tư. Về vốn, công ty sẽ tự bỏ vốn để đầu tư xây dựng và quản lý, khai thác, vận hành NVSCC. Nếu được chấp thuận, sắp tới, công ty sẽ cùng UBND quận 1 khảo sát các địa điểm có thể xây NVSCC như gầm cầu vượt, các chân cầu, các dải phân cách rộng của các tuyến đường lớn, dài, đông người qua lại, các trạm xe buýt, trường học, chợ, bến xe, công viên, bệnh viện, các bãi đậu xe, ga tàu điện ngầm, các điểm tham quan.

Việc bố trí NVSCC lưu động và cố định cần tính toán, sắp xếp cho thật khoa học, hợp lý. Trên cơ sở mật độ dân cư, có thể tính toán được NVSCC cố định; nhưng ở những không gian công cộng, lượng người có thể tăng đột biến thì nên lắp đặt NVSCC lưu động.


Rõ ràng, nâng cấp NVSCC không chỉ là việc của riêng ngành du lịch mà là bộ mặt văn hóa của một đô thị văn minh, nó cho thấy tinh thần tôn trọng, hòa nhập và đảm bảo nhu cầu thiết yếu của con người mà chính quyền TP.HCM đang nỗ lực vươn tới.

Quốc Học

Chia sẻ Facebook