Giải pháp cho ngành chip Trung Quốc trước những “đòn giáng” của Mỹ
Thời gian qua, chính phủ Mỹ đã liên tục đưa ra nhiều biện pháp nhằm kiềm chế ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc, gây ra áp lực đáng kể đối với quốc gia này.
Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) Mỹ cho biết hôm 25/11, họ đã bỏ phiếu nhất trí mở rộng lệnh cấm bán và nhập khẩu công nghệ Trung Quốc từ các công ty gây ra “rủi ro không thể chấp nhận được đối với an ninh quốc gia” của Mỹ.
Quyết định này thực hiện chỉ thị trong Đạo luật Thiết bị An toàn do Tổng thống Mỹ Joe Biden ký vào tháng 11/2021, đặt ra các hạn chế bổ sung đối với các công ty bao gồm Huawei và ZTE, các nhà sản xuất camera giám sát Hikvision và Dahua, và nhà sản xuất radio 2 chiều Hytera.
FCC cho biết các tổ chức này sẽ bị cấm xuất khẩu các sản phẩm mới vào Mỹ trừ khi họ đảm bảo rằng các thiết bị “sẽ không được sử dụng cho mục đích an toàn công cộng, bảo mật của các cơ sở chính phủ và các mục đích an ninh quốc gia khác”.
Đây là động thái pháp lý mới nhất thể hiện nỗ lực của Washington trong việc đàn áp những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc do lo ngại chính phủ Trung Quốc sử dụng họ để theo dõi người Mỹ.
Mục đích của Mỹ
Mỹ là nguồn cung cấp hầu hết công nghệ bán dẫn của thế giới. Trong bối cảnh xung đột địa chính trị giữa 2 quốc gia ngày càng căng thẳng, Mỹ thường xuyên sử dụng các hạn chế về công nghệ và trừng phạt thương mại đối với Trung Quốc trong lĩnh vực bán dẫn.
Kể từ thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, Mỹ này đã tập trung vào cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc trong các lĩnh vực công nghệ cao, trong đó công nghệ bán dẫn được Mỹ coi là chìa khóa để kìm hãm sự phát triển công nghệ cao của Trung Quốc.
Sau khi ký chính thức Đạo luật Khoa học và CHIPS vào tháng 8/2022, chính quyền ông Biden tiếp tục công bố một loạt biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới nhằm hạn chế khả năng mua và sản xuất chip cao cấp của Trung Quốc vào ngày 7/10.
Theo ông Mo Dakang, chuyên gia tư vấn ngành bán dẫn tại ANBOUND, việc Mỹ tăng cường đàn áp ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc nhằm thực hiện 3 mục tiêu cơ bản.
Đầu tiên, Mỹ muốn nới rộng khoảng cách công nghệ giữa hai nước. Trước đây, Mỹ đã hạn chế sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc để duy trì khoảng cách công nghệ 2 thế hệ, nhưng giờ đây, họ đã tăng tiêu chuẩn khoảng cách thế hệ lên ít nhất 4 thế hệ.
Thứ hai, Mỹ không chỉ muốn đàn áp ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc mà còn muốn kiếm tiền từ thị trường này. Do đó, Mỹ cần phải duy trì sự cân bằng giữa 2 bên.
Thứ ba, Washington muốn ngăn cản sự thành công trong nội địa hóa của Bắc Kinh trong lĩnh vực bán dẫn, đặc biệt là ngăn cản nước này đạt được nội địa hóa trong lĩnh vực công nghệ tiên tiến.
Do đó, ngoài việc hạn chế công nghệ, sản phẩm, thiết bị và những thứ khác, chính phủ Mỹ còn đàn áp Trung Quốc về nhân tài bằng cách hạn chế công dân hoặc thường trú nhân tại Mỹ làm việc trong các công ty hoặc viện nghiên cứu mạch tích hợp của Trung Quốc, với mục tiêu ngăn chặn nhân tài tham gia vào việc phát triển công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc.
Giải pháp cho Trung Quốc
Đối mặt với sự đàn áp liên tục và có hệ thống của Mỹ đối với ngành công nghiệp bán dẫn, Trung Quốc chưa có nhiều giải pháp hiệu quả. Những gì quốc gia này có thể làm là thiết lập một chiến lược đối phó cơ bản, đồng thời giải quyết vấn đề nhân tài.
Khi các lệnh trừng phạt của Mỹ liên tục trút xuống, ngành công nghiệp mạch tích hợp trong các quy trình sản xuất tiên tiến của Trung Quốc đã bị hạn chế nghiêm trọng và khó có cơ hội đảo ngược tình thế trong ngắn hạn.
Do đó, quốc gia châu Á này cần phát triển các quy trình sản xuất trưởng thành trong các lĩnh vực kỹ thuật hiện không bị Mỹ kìm hãm và tăng cường năng lực trong các quy trình sản xuất đã hoàn thiện. Mặc dù chip cao cấp rất quan trọng, nhưng các loại chip thông thường vẫn được sử dụng thường xuyên.
Miễn là Trung Quốc biết nên tập trung vào lĩnh vực nào, thì ngay cả trong các quy trình sản xuất đã hoàn thiện, các công ty bán dẫn nước này vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển.
Bằng cách tối đa hóa sản phẩm trong các quy trình sản xuất đã hoàn thiện, Trung Quốc có thể thay thế chip nhập khẩu và hình thành năng lực công nghiệp có hệ thống, và bao gồm chuỗi công nghiệp, chuỗi cung ứng, công nghệ và nhân tài.
Bên cạnh đó, Trung Quốc có thể giảm bớt tình trạng thiếu nhân tài trong ngành bán dẫn theo nhiều cách khác nhau.
Quốc gia này có thể tận dụng triệt để tất cả các nhân sự đã từng làm việc trong các công ty bán dẫn nước ngoài nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí đào tạo, hoặc thu hút nhân tài từ các quốc gia và khu vực khác.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng có thể mở rộng tuyển dụng nhân tài trong ngành công nghiệp bán dẫn, thu hút những nhân tài hàng đầu trong lĩnh vực khởi nghiệp và R&D, cũng như các kỹ sư giỏi và công nhân lành nghề. Để đạt được mục tiêu này, những biện pháp có hệ thống trong việc giới thiệu và đào tạo nhân tài cực kỳ cần thiết .
Nguyễn Tuyết (Theo Tech Crunch, Eurasia Review)