Giải ngân đầu tư công chậm vì... đấu thầu cả tháng, giải phóng mặt bằng cả năm
Các địa phương cho rằng việc chậm giải ngân vốn đầu tư công ngoài yếu tố khách quan như tăng giá nguyên vật liệu, thì gặp phải những vướng mắc trong triển khai quy trình thủ tục kéo dài, giải phóng mặt bằng...
Chiều 27-5, Tổ công tác số 5 của Thủ tướng Chính phủ làm việc với các địa phương về kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng - tổ trưởng tổ công tác - chủ trì.
Ông Trương Quốc Huy, chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, cho biết tỉnh đã giải ngân được 15,5% kế hoạch giao. Năm 2022 là năm đầu tiên triển khai dự án nhiệm kỳ mới nên thủ tục, trình tự đầu tư mất rất nhiều thời gian, mỗi bước quy trình ít nhất mất tới 30-35 ngày. Đấu thầu mất tới 30 ngày, còn nếu cho phép chỉ định thầu thì rút ngắn được thời gian.
Ngoài ra, giá sắt thép, ximăng ảnh hưởng rất lớn, nhà thầu càng làm càng lỗ nên họ chờ để bù giá. Cộng thêm vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng, dự án giao thông có nhà dân, tìm chỗ khác thì phải giải phóng thêm lần 2 cho khu tái định cư, rồi làm hạ tầng, có khi mất tới hơn 300 ngày, gồm cả quá trình thi công và tái định cư.
Ông Huy cũng chỉ ra thêm là hiện nay tính giá đất cũng có bất cập, hiện đang được sửa đổi quy định, nhưng nếu không sớm ban hành thì tất cả các tỉnh đều tắc, nguồn vốn bố trí cuối năm nay, sang năm là khó khăn. Hiện nay có tới 2 thông tư của Bộ Tài nguyên và môi trường có những điểm vướng, bên dưới thực hiện không rõ.
Về giải pháp, tỉnh này cho biết sẽ tập trung hoàn thiện thủ tục, chọn nhà đầu tư, lập quy hoạch các khu tái định cư cho các dự án, làm rõ trách nhiệm các cá nhân, tháo gỡ khó khăn cho từng dự án trong quá trình triển khai. Tỉnh cũng kiến nghị với thủ tục đấu nối, thỏa thuận đất nối, chuyển đổi sử dụng đất, ĐTM… các bộ ngành liên quan cần tháo gỡ nhanh vì mất rất nhiều thời gian. Sớm ban hành nghị định về tính giá đất, không làm nhanh thì không tính giá đất được và không thể triển khai dự án.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh trước tình hình giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng đã có chỉ đạo với nhiều văn bản, thành lập 6 đoàn công tác ở các bộ ngành và địa phương để nắm bắt kịp thời tại sao chưa giải ngân được, tiến độ chậm.
Tuy vậy, tình hình thực sự không được cải thiện nhiều, tiến độ giải ngân vẫn như mọi năm, không thấp hơn, không cao hơn. Số liệu vừa được bộ trưởng kiểm tra cho thấy cả nước mới ước đạt trên 22,37%, bên cạnh các yếu tố khách quan còn có yếu tố chủ quan.
"Chúng ta cũng chưa quyết liệt, chưa tập trung, nghiêm túc, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, nguyên nhân tồn tại từ lâu như tổ chức giải phóng mặt bằng, năng lực nhà thầu, năng lực tư vấn, xu hướng đặc trưng đặc thù của đầu tư công, ta phải làm theo trình tự thủ tục", ông Dũng đánh giá.
Trước sự quan tâm lo lắng của các đại biểu Quốc hội khi quan ngại về tiến độ giải ngân chậm, ông Dũng cho rằng cần phân tích, làm rõ các vướng mắc khó khăn.
"Cần nói chính xác tình hình địa phương mình, quá trình triển khai dự án cụ thể, về thể chế, pháp luật, quy định có vướng mắc gì từ đầu tư công cho tới các luật liên quan như xây dựng, đấu thầu, đất đai, môi trường, vướng ở mặt nào, khâu nào, nguyên nhân làm sao, do tổ chức thực hiện hay ở tỉnh, ở sở, chủ đầu tư, ban quản lý hay ở giải phóng mặt bằng, thi công, nguyên vật liệu… để từ đó có kiến nghị, giải pháp cụ thể", bộ trưởng nhấn mạnh.
Đặc biệt trong bối cảnh vừa triển khai kế hoạch đầu tư công, vừa phải thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nếu không quyết tâm thực hiện, không kịp thời tháo gỡ thì không thể hấp thụ vốn, ảnh hưởng tới mục tiêu kế hoạch mà Chính phủ đặt ra.
Tập trung tháo gỡ những nút thắt như phân bổ vốn, đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, đền bù giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất... mới có thể khơi thông được nguồn vốn đầu tư công, phát huy hiệu quả vào nền kinh tế.