Giải mật kho tàng lúa giống kỳ lạ
Hàng ngàn giống lúa từ Bắc chí Nam, trong đó có những "cụ" giống tưởng chừng đã tuyệt tích trên đồng, đang được lưu trữ hơn 50 năm nay trong kho lạnh ở Đại học Cần Thơ.
Một ngày đẹp trời, anh nông dân Tư Việt (cựu sinh viên khóa 8, khoa nông nghiệp, Đại học Cần Thơ) từ miền quê Minh Lương (Châu Thành, Kiên Giang) trở về trường cũ tìm sư đệ đồng môn.
Hỏi thăm thầy cũ, anh nông dân mở chuyện: "Dưới xứ tui, hồi xưa ông bà có mấy giống lúa mùa quý. Giờ biết đâu mà tìm lại. Nhiều giống không chừng cũng chẳng còn".
Đi tìm "cụ" lúa Tạo Hương Ma, Thơm Nút Đít
"Nói dèm" một chút, chứ từng học ở đây, Tư Việt biết tại một góc cuối khoa nông nghiệp, có "tàng lúa các" lưu giữ hàng ngàn giống lúa, mà người giữ chìa khóa chính là hai sư đệ của ông: TS Huỳnh Kỳ và TS Huỳnh Như Điền.
"Giờ dễ gì tìm lại mấy giống quý như Châu Hạn Võ, Tạo Hương Ma, Thơm Nút Đít, Trắng Tép để trồng theo cách trồng lúa mùa như ông bà xưa. Hồi đó, ông bà mình cày trâu, cấy bằng nọc, gặt bằng lưỡi hái. Tui có ý tưởng mần lúa theo cách cũ...", Tư Việt mở lời.
Nhà ông có mấy chục công đất đã trồng lúa mùa, phần để phục lại cách làm lúa xưa kia, phần gợi lại khẩu vị hạt gạo lúa mùa cái thời "nghèo mà vui".
TS Huỳnh Kỳ kể: "Đang lúc tụi tui cũng cần đưa các giống lúa đang "ngủ lâu" ra đồng để trẻ hóa, lại gặp đúng người có chuyên môn mà tâm huyết như anh Tư Việt thì còn gì bằng. Nên đã xin ý kiến lãnh đạo, cấp cho ảnh mỗi giống vài mươi hạt, với điều kiện khi có lúa thì anh Tư Việt "lại quả" cho một số để trường bổ sung ngân hàng giống".
Tư Việt mừng húm về lại Minh Lương, không chỉ mang theo số giống cần tìm, mà anh còn được các sư đệ gửi thêm giống Thơm Lùn, Ngọc Nữ.
Nhắc chuyến đó, Tư Việt kể đã xuống giống lúa trên diện tích gần 10 công đất sau nhà. Anh rủ thêm dân ở Xóm Cồn gần đó trồng theo. Đến giờ thì lúa mùa... ăn không hết.
Không chỉ nông dân Tư Việt, mà nhiều chuyên gia nghiên cứu giống lúa cũng tìm đến Đại học Cần Thơ nhờ "gỡ bí" nguồn giống. Kết quả là nhiều giống lúa cao sản, giống lúa kháng bệnh, lúa chống chịu khí hậu khắc nghiệt... đang phát huy sức sống trên các cánh đồng có "bố mẹ" từ kho lưu trữ này.
"Mới đây, một chuyên gia nghiên cứu lúa chịu mặn ở Vĩnh Long đến nhờ hỗ trợ giống Pokkali và giống IR29 để làm đối chứng. Kết quả nghiên cứu thành công giống lúa mới để giúp bà con nông dân canh tác trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Ngoài ra, nhiều giống lúa cao sản, lúa chứa dược tính... đã được cung cấp từ nguồn gene giống lúa lưu trữ tại đây", TS Huỳnh Kỳ nói.
Còn TS Huỳnh Như Điền cho biết thêm đưa giống lúa ra đồng đất để trồng trẻ hóa là việc làm thường xuyên. Có những nông dân gặp lại giống lúa từng gắn bó với đời sống của mình, họ mừng như đón người thân trở về.
Như lần anh Điền mang 138 giống lúa rẫy lên trồng trẻ hóa ở Tây Nguyên. Tuy chỉ trồng trên diện tích 1.000m2 để thu mẫu, nhưng là sự kiện lớn của bản làng nơi đó. Nhiều người không biết những giống lúa này đã từng là cuộc sống của thế hệ ông cha họ.
"Một già làng ôm tôi khóc nức nở vì đã lâu lắm rồi ông mới thấy lại giống lúa xưa - TS Điền chia sẻ - Giờ thì nhiều nơi cây lúa được thay bằng cây công nghiệp. Những nơi vẫn duy trì lúa thì cũng trồng lúa cao sản, nên những giống lúa bản địa giờ hầu như không còn thấy nữa".
Nhiều giống lúa gần như tuyệt tích ngoài đồng, nhưng ở đây chúng tôi vẫn còn lưu giữ cẩn thận như báu vật.
TS Huỳnh Kỳ
"Kho tàng" giống lúa khởi từ năm 1972
"Có bận tôi đến vùng Mỏ Cày, Bến Tre, thời điểm ruộng đồng khô héo, cây lúa chết rạp hết. Trong điều kiện khắc nghiệt do nhiễm phèn, mặn, nhưng thời may vẫn còn một bụi lúa sống sót, trổ bông tươi tốt", PGS.TS Võ Công Thành kể khi nhắc những chuyến đi tìm giống lúa bản địa thích nghi với điều kiện tự nhiên.
Những đặc tính ấy đã và sẽ là nguồn gene quý khi chọn tạo những giống lúa cho hiện tại và tương lai. TS Thành nói việc sưu tập những giống lúa ở các địa phương đóng góp cho ngân hàng giống tại Đại học Cần Thơ bắt đầu từ trên 50 năm trước và được khởi xướng từ ý tưởng của GS Võ Tòng Xuân.
"Từ Tết 1972, tôi có nói với các sinh viên về quê ăn Tết, khi trở lại trường nhớ mang theo lúa giống quê mình, để trường lưu giữ lại các nguồn giống. Kẻo sau này khó tìm", GS Võ Tòng Xuân kể.
Sau Tết năm đó, nhiều sinh viên trở lại trường đã bỏ túi theo những hạt lúa giống tốt nhất quê mình. Từ năm 1974, GS Xuân ra nước ngoài nghiên cứu. Chuyện sưu tập, bảo tồn các giống lúa vẫn được cộng sự của ông thực hiện.
"Từ những hạt lúa giống đầu tiên từ thời thầy Võ Tòng Xuân, các thầy, cô vẫn tiếp tục mở rộng thu thập các giống lúa trên địa bàn cả nước. Thông qua những chuyến công tác, các buổi giao lưu, trao đổi để bổ sung thêm cho kho lưu trữ giống lúa.
Nên bây giờ, tại đây có rất nhiều giống lúa quý hiếm từ Tây Bắc, Tây Nguyên, duyên hải miền Trung trải dài xuống đến Cà Mau", TS Điền chia sẻ.
Sau năm 1975, việc sưu tầm và bảo tồn lúa giống được các chuyên gia Viện Kỹ thuật canh tác (thuộc Đại học Cần Thơ) đảm trách.
Sau đó, viện này đổi tên thành Viện Nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long. Ngân hàng giống lúa vẫn được các thế hệ ở đây gầy dựng thêm. Đến năm 2019, ngân hàng giống lúa đã tăng vốn lên đến 3.000 mẫu, của trên 2.000 giống lúa từ khắp cả nước.
"Hiện tại ngân hàng lúa đang lưu trữ gần 900 giống lúa mùa, 647 giống lúa rẫy, trên 900 giống lúa thuần...", TS Điền cho biết thêm trong đó có những giống lúa gắn liền với đặc tính khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất trong từng giai đoạn lịch sử, và có những giống từng có vai trò lớn với lịch sử cây lúa Việt Nam.
Như Tây Đùm là giống lúa sống điều kiện nước ngập vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên. Dân ở đây còn gọi là "giống lúa vượt lũ".
"Ngày trước, lũ lên từ từ. Nước dâng tới đâu thì Tây Đùm vươn lóng lên tới đó. Nhờ vậy mà nó đồng hành cùng bà con vùng lũ trong thời gian dài. Hay như giống Nàng Thơm Chợ Đào vang bóng một thời, nhưng giờ thì nông dân không thích nữa vì giống lúa này trồng đến 160 ngày.
"Bây giờ, nông dân chuộng những giống lúa ngắn ngày, lúa cao sản, lúa thơm. Ngay cả khẩu vị gạo ngon giờ cũng khác xưa. Ngày trước quan niệm lúa ngon là cứng cơm, nở nồi, thơm. Giờ gạo ngon phải thơm, mềm, dẻo", TS Huỳnh Kỳ nói.
Tuy nhiên, những giống lúa chiếm ưu thế trên ruộng hiện nay, không ít thì nhiều cũng kế thừa những đặc tính của các "tiền bối", được các nhà nghiên cứu chọn tạo theo mục tiêu cụ thể. Như giống Hồng ngọc Óc Eo từ kết quả nghiên cứu của TS Huỳnh Quang Tín cũng có đặc tính từ giống lúa Tàu Binh xưa, hay nhiều giống nếp đang thịnh hành ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng có những ưu điểm từ giống Nếp Mỡ.
Nhiều thế hệ thầy cô Đại học Cần Thơ đến nay vẫn tiếp tục nâng niu, lưu giữ những giống lúa là nguồn gene quý báu sau này khó tìm. Từ những giống "vang bóng một thời" cho đến những giống đang làm rạng danh cây lúa Việt Nam như ST25 đều được "vỗ yên" trong kho lạnh.
Thỉnh thoảng, các "cụ" lúa giống này lại được đem ra trồng để trẻ hóa, rồi lại tiếp tục về chốn nghỉ ngơi và chờ được gọi tên khi ruộng đồng cần đến.
Nhãn hiệu gạo ST25 sẽ không thể đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền ở Mỹ hay các quốc gia khác cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào, vì thế không có chuyện "mất" thương hiệu này.