Giải mật gần 13.000 tài liệu về vụ ám sát cựu Tổng thống Kennedy, thêm nhiều bí mật được hé lộ?

Chia sẻ Facebook
19/01/2023 08:23:58

Dù không có chi tiết lớn nào được trông đợi từ đợt tài liệu mới nhưng các nhà sử học hy vọng sẽ có thêm nhiều thông tin hơn về vụ ám sát.


Công bố hơn 13.000 tệp tài liệu

Hồi cuối năm 2022, Chính phủ Mỹ công bố gần 13.000 tài liệu trong hồ sơ mật liên quan cuộc điều tra vụ ám sát cựu Tổng thống John F. Kennedy năm 1963.

Cựu Tổng thống Kennedy bị bắn chết khi đang ngồi trên xe ô tô ở Dallas vào ngày 22/11/1963, khi 46 tuổi. Hàng ngàn cuốn sách, bài báo, chương trình truyền hình, phim truyện đã khai thác ý tưởng rằng vụ ám sát này là kết quả của một âm mưu phức tạp.

Mới đây, Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Mỹ đã công bố tệp tài liệu liên quan đến vụ ám sát cố Tổng thống John F. Kennedy.

Cố Tổng thống Kennedy ngồi cạnh phu nhân tại thời điểm ngay trước khi bị ám sát. Ảnh: NBC.


Theo Reuters , Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Mỹ đã công bố hàng nghìn tài liệu liên quan đến vụ ám sát cố Tổng thống John F. Kennedy vào năm 1963. Cụ thể các tài liệu được công bố ngay sau khi Tổng thống Joe Biden ban hành sắc lệnh hành pháp cho phép tiết lộ một số tài liệu trong khi vẫn giữ kín hàng nghìn hồ sơ nhạy cảm khác.

Việc giải mật gần 13.000 tài liệu dự kiến không đưa ra thông tin bom tấn nào hoặc thay đổi kết luận của Chánh án Earl Warren, rằng cựu lính thuỷ đánh bộ Lee Harvey Oswald hành động một mình. Tuy nhiên, số tài liệu này sẽ hữu ích cho các nhà sử học nghiên cứu về vụ ám sát.

Nhiều tài liệu được công bố thuộc về Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), bao gồm một số tài liệu tập trung vào các hoạt động của Oswald và các mối liên hệ của anh ta. Các tài liệu khác đề cập tới các yêu cầu từ Ủy ban Warren điều tra vụ ám sát.

Các tài liệu cho thấy chính phủ Mỹ đã mở hồ sơ 201 về Oswald vào tháng 12/1960, gần 3 năm trước khi xảy ra vụ ám sát và sau khi Oswald tìm cách sang Liên Xô năm 1959 nhưng thất bại.

Một tài liệu từ tháng 12/1963 đã mô tả cách các quan chức CIA ở Thành phố Mexico “chặn được một cuộc điện thoại” mà Oswald thực hiện vào tháng 10, gọi tới Đại sứ quán Liên Xô. Các tài liệu cho thấy lúc đó, Oswald muốn đi qua Cuba trên đường đến Nga và đang xin thị thực.

Ban đầu có một số lo ngại rằng Ruby – đối tượng bắn chết Oswald có thể có một số liên quan. Tuy nhiên, biên bản từ tháng 9/1964 gửi tới uỷ ban điều tra vụ ám sát khẳng định “CIA không tìm được dấu hiệu nào cho thấy Ruby và Oswald từng biết nhau, hợp tác với nhau hay có bất kỳ liên quan nào với nhau”.

Đặt thời hạn cho Cơ quan Lưu trữ Quốc gia và những cơ quan khác


NBC News đưa tin, trong đợt giải mật lần này, gần 13.000 tài liệu đã được công bố nhưng Nhà Trắng vẫn chưa hoàn toàn tuân thủ tinh thần đạo luật năm 1992. Tuy nhiên, đạo luật này có kèm điều khoản để tổng thống quyết định có thể hoãn công khai một số tài liệu. Tổng thống Joe Biden vào ngày 15/12 đã ký sắc lệnh chỉ đạo đợt công bố mới nhất.


Đây là đợt giải mật thứ hai trong nhiệm kỳ Tổng thống Biden về cuộc điều tra vụ ám sát cố Tổng thống Kennedy. Đợt công bố từng bị trì hoãn một lần vì đại dịch Covid-19 . Dù không có chi tiết lớn nào được trông đợi từ đợt tài liệu mới, các nhà sử học hy vọng sẽ có thêm nhiều thông tin hơn về vụ ám sát.

Với lần công bố mới nhất này, tính cho đến nay, khoảng 98% tài liệu liên quan đến vụ ám sát chấn động năm 1963 hiện đã được giải mật và trong đó chỉ 3% hồ sơ được chỉnh sửa toàn bộ hoặc một phần, theo Cơ quan Lưu trữ Quốc gia, nơi nắm giữ hồ sơ vụ ám sát ông Kennedy.

Các hồ sơ mới nhất này bao gồm thêm thông tin về tay súng Lee Harvey Oswald và thời gian y ở Mexico City.

Tổng thống Biden đặt thời hạn cho Cơ quan Lưu trữ Quốc gia và những cơ quan khác trong chính phủ sau tháng 5/2023 phải hoàn tất đánh giá số tài liệu còn lại.

"Bất kỳ thông tin nào chưa được công bố cho công chúng, và không có kiến nghị tiếp tục trì hoãn giải mật từ các cơ quan chính phủ, phải được công bố trước ngày 30/6/2023", thông báo từ Nhà Trắng nêu rõ.

"Chúng ta đã trải qua 59 năm sau khi Tổng thống Kennedy bị ám sát và không có lý do gì để biện minh cho việc này. Đạo luật Thu thập Hồ sơ năm 1992, mà ông Biden đã bỏ phiếu thông qua khi Quốc hội nhất trí thông qua cần được thực thi", thẩm phán John H. Tunheim từng chủ trì Hội đồng Đánh giá Hồ sơ vụ ám sát từ năm 1994-1998 cho biết.

Trong số các tài liệu phần lớn vẫn được giấu kín có 44 tài liệu liên quan đến một điệp viên mờ ám của Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) là George Joannides. Điệp viên này là người đã tiếp xúc với tay súng Lee Harvey Oswald chưa đầy 4 tháng trước khi ông Kennedy bị bắn, theo tính toán của các nhà nghiên cứu của JFK thuộc Quỹ Mary Ferrell.

Tổ chức này cho biết, CIA đang giữ lại hầu hết các hồ sơ có vấn đề. Nhiều hồ sơ về Joannides chưa bao giờ được đưa vào bộ hồ sơ vụ ám sát, vì vậy hầu hết các hồ sơ bị nghi ngờ đã không được công bố lần này.

Các quan chức CIA tranh cãi về số lượng hồ sơ về Joannides mà họ nắm giữ nhưng xác nhận 2 hồ sơ đã được công bố".

"Chúng tôi tin rằng tất cả các hồ sơ của CIA liên quan đáng kể đến Joannides đã được công bố trước đó, chỉ có những sửa đổi nhỏ, chẳng hạn tên và địa điểm của nhân viên CIA", cơ quan này cho biết trong một thông cáo báo chí, trong đó họ tự hào về việc đã đạt được "tiến bộ to lớn" trong việc công bố.


Sau khi cựu Tổng thống Kennedy bị ám sát tại Dallas năm 1963, giới chức an ninh Mỹ đã bắt giữ nghi phạm Lee Harvey Oswald ngay sau đó. Tuy nhiên, Oswald bất ngờ bị bắn chết khi đang bị áp giải tới sở cảnh sát.

Cho đến nay vẫn còn nhiều bí ẩn chưa có lời giải về vụ án này như liệu hung thủ Oswald có hành động một mình hay có tổ chức nào đứng sau liên quan đến bối cảnh chính trị Mỹ lúc đó. Đã có rất nhiều thuyết âm mưu về vụ việc này do khoảng trống thông tin chưa được lấp đầy qua các lần giải mật hồ sơ.


Trúc Chi (theo Dân Trí , VTV)

Chia sẻ Facebook