“Giải mã” tiệm bánh mì doanh thu trăm triệu nhờ ứng dụng giao đồ ăn
Từ khao khát muốn "biến" ổ bánh mì thịt bình thường trở nên mới lạ, nhiều "topping" hơn cho mọi người lựa chọn, chàng trai 9X đã không ngần ngại khởi nghiệp và chinh phục được nhiều thực khách Sài Gòn.
12 giờ trưa, dù tiết trời Sài Gòn khá oi bức với cái nắng tháng 6 gay gắt, góc đường Bùi Thị Xuân – Lê Thị Riêng (quận 1) vẫn rất náo nhiệt, khi quán bánh mì Khìa của anh Nguyễn Thanh Tân (SN 1991) tấp nập các bác tài Grab ra vào.
Muốn bánh mì Sài Gòn phải "phong cách" hơn
Hơn một năm nay, ngày nào Nguyễn Thanh Tân cũng "phân thân", khi vừa tranh thủ việc ở công ty, vừa đóng vai chàng trai bán bánh mì.
Tân kể, từ lâu bản thân đã có ấn tượng đặc biệt với bánh mì, món ăn phổ biến ở nơi anh sinh sống. Nhưng ổ bánh mì Sài Gòn với anh lại đơn giản quá, chủ yếu chỉ kèm thịt với pate, chả lụa hay dăm bông. Nếu có "phá cách" một chút cũng là bánh mì phá lấu bán xe đẩy, dù giá rẻ và nhiều người ưa chuộng, nhưng nhiều bạn bè xung quanh Tân lo ngại chuyện vệ sinh. Trăn trở mãi, chàng trai 9X quyết định phải tìm cách "nâng cấp", giúp ổ bánh mì có "phong cách" hơn và đa dạng hơn.
Để hiện thực hóa ước mơ trên, từ khi ra trường, anh Tân tận dụng 4 năm làm việc đúng chuyên ngành thiết kế nội thất để vừa tích cóp tiền, vừa nghiên cứu thị trường. Tháng 2/2021, sau thời gian dài ấp ủ, tiệm bánh mì Khìa của chàng trai 9X chính thức ra đời.
Đã có kinh nghiệm trong mảng nội thất, Tân hướng đến việc thiết kế quán theo hướng tươi mới, sống động, phù hợp với phong cách giới trẻ. Thực đơn là phần đầu tư bài bản nhất, để làm sao hài hòa giữa ổ bánh mì truyền thống và sự phá cách hiện đại.
Vậy là nhiều món ăn độc đáo, vừa quen vừa lạ được các đầu bếp quán anh Tân cho ra lò, như bánh mì xá xíu khìa mật mía, bánh mì gà xé mắm chua ngọt.
Qua khảo sát, anh Tân nhận thấy các thương hiệu bánh mì lớn chủ yếu bán dạng "take away" cho khách mang đi, chứ ít ai ngồi ăn một chỗ. Điều này cũng phù hợp với người mới khởi nghiệp, không có vốn liếng nhiều. Nhưng quán nhỏ đồng nghĩa sẽ khó khăn hơn trong việc thu hút sự chú ý.
Những ngày quán mới hoạt động, vì ít chỗ ngồi và cũng "trống trơn" về thương hiệu, nên dù đã bỏ rất nhiều chi phí để quảng cáo trên mạng xã hội, tờ rơi… hiệu quả thu về khá khiêm tốn. Tháng đầu tiên, tiệm bánh mì Khìa của anh Tân chỉ bán khoảng 50 ổ bánh mì/ngày. Đã dự trù phải cầm cự một khoảng thời gian không có lời, nhưng tình hình trên khiến chàng trai không khỏi lo lắng.
70% doanh thu đến từ GrabFood
Tháng 3/2021, thông qua tìm hiểu, Nguyễn Thanh Tân chủ động liên hệ và chính thức hợp tác với GrabFood. Từ lúc này, bài toán về kinh doanh dần được giải đáp.
Nhờ thiết kế bắt mắt nên khi đưa hình ảnh thương hiệu bánh mì Khìa lên giao diện của GrabFood trên ứng dụng Grab, tiệm bánh mì của chàng trai 9X lập tức nhận được chú ý. Cộng thêm các chương trình marketing, ưu đãi, bộ sưu tập quán mới mà anh liên tục hợp tác với Grab, khách dần tìm đến quán ngày càng đông.
Từ 50 ổ bánh mì ban đầu, lúc đỉnh điểm có ngày quán bán được 500 ổ, mang lại doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. Anh Tâm phải tuyển thêm nhân viên mới, đồng thời gia tăng việc tìm nguồn nguyên liệu số lượng lớn. Menu cũng liên tục được điều chỉnh khi có khách phản hồi trên app, sao cho phù hợp nhất với khẩu vị mọi người.
"Trước đây mình có bánh mì cá khìa rau răm, giờ đổi sang bánh mì ba chỉ khâu nhục, vì khách ưa chuộng thịt có gia vị đậm đà hơn. Khách ăn bánh mì quán mình xong thường khen món ăn lạ, vệ sinh. Có khách thích quá ăn đến 2-3 ổ một lúc" – anh Tân hồ hởi chia sẻ.
Thấy app liên tục báo đơn hàng mới, ông chủ trẻ rất hạnh phúc. Anh Tân nhớ lại, trong thời điểm dịch Covid-19, nhờ các bác tài Grab mà việc giao hàng của quán không gặp bất lợi gì. Anh Tân cảm thấy vui vì bản thân đã góp phần mang đến bữa ăn bổ dưỡng, an toàn cho người dân mùa dịch.
"Rất cảm ơn GrabFood đã giúp mình tiếp cận được nhiều khách hàng, để mọi người được thưởng thức những ổ bánh mì ngon lành, chất chứa bao tâm huyết mình bỏ ra. 70% doanh thu của quán hiện tại đến từ GrabFood" – ông chủ quán bánh mì Khìa tâm sự.
Với tình hình kinh doanh thuận lợi hiện tại, anh Tân đang ấp ủ kế hoạch mở rộng thị trường, bằng cách kinh doanh xe đẩy phối hợp với các tòa nhà văn phòng, làm sao để phục vụ khách tốt nhất. Theo ông chủ 9X, lợi nhuận của quán không quá nhiều nhưng giúp anh thỏa đam mê, có cơ hội thể hiện năng lực của mình.
Anh mong mọi người nếu có ý tưởng và kế hoạch rõ ràng hãy mạnh dạn thử sức. Đặc biệt với những ai có số vốn nhỏ, chưa có kinh nghiệm nhiều cần chọn cho mình một cách tiếp cận thị trường thông minh, mà hợp tác với GrabFood là một chiến lược điển hình.
Ánh Dương
Theo Nhịp Sống Kinh Tế