Giải mã thành công của STEPN - liệu mô hình "Move to earn" có thể thành công?

Chia sẻ Facebook
03/04/2022 23:46:35

Chỉ cần vung chân cũng có tiền. Nhưng vung được bao lâu? Bao nhiêu người chịu vung chân, và vung tiền mua giày NFT?

Cũng giống thành công của hầu hết các dự án khác, cú phất của STEPN dựa vào nhiều yếu tố.


STEPN khai thác được điểm giao thoa của hai cộng đồng tưởng như không có điểm chung, là nhóm GameFi và những người đam mê chăm sóc bản thân; nó được phát triển nhanh chóng bởi một đội ngũ biết nắm bắt thời cơ; nó sử dụng một mô hình đầu tư đơn giản đến … nực cười, đi bộ cũng ra tiền; và STEPN còn được hậu thuẫn bởi những “tay to” biết nhìn nhận đâu là cơ hội đầu tư sinh lời, đơn cử như sàn giao dịch Binance và quỹ đầu tư mạo hiểm SEQUOIA Capital.

Mô hình Move-to-Earn - di chuyển để kiếm tiền nói chung, và STEPN nói riêng vẫn còn đang trong giai đoạn trứng nước. Đồng nghĩa với việc tiềm năng của cả mô hình lẫn ứng dụng sẽ còn tăng vượt trội trong tương lai.

Tuy nhiên, cả mô hình GameFi và Move-to-Earn (M2E) đều có vòng đời riêng, không ai rõ dài hay ngắn. Khi cơn sốt hạ nhiệt, người chơi chán với mô hình đã cũ với họ, rồi một loạt ứng dụng ăn theo lộ diện, liệu STEPN có còn trụ vững? Đây là câu hỏi khó với nhà đầu tư, và cần nhận định từ các chuyên gia.


Bài viết dưới đây lược dịch từ những lời đánh giá như vậy, tới từ nhóm biên tập tạp chí về tiền mã hóa Wu Blockchain.

Lý do STEPN để lại dấu chân khắp thế giới

Mô hình M2E không còn nằm gọn trong khái niệm GameFi vốn kết hợp hoạt động tài chính vào với hoạt động chơi. Move-to-Earn kết hợp thêm hoạt động thể chất ngoài trời và yếu tố xã hội, đã thu hút thêm một lượng lớn người chơi không quen thuộc với không gian ảo của tiền số.

Có hai yếu tố chính khiến STEPN nhanh chóng bứt tốc.

Đầu tiên, nó là ứng dụng lớn đầu tiên “tài chính hóa” hoạt động thể chất một cách đơn giản; người chơi chỉ cần đầu tư giày ảo, và ngay lập tức tiến hành kiếm lời bằng đôi chân trần. Thứ hai, giá giày sốt rất nhanh, đi đôi với trend lan tỏa toàn cầu trong thời gian ngắn.


Một loại hình “chơi để kiếm lời” mới hiện hữu luôn thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư. Xét trên phương diện bối cảnh game và mô hình khai thác/trao đổi/sử dụng token, STEPN không quá khác biệt với mô hình P2E đã thành công của Axie Infinity (ít ra, cho tới thời điểm này).


STEPN một bước gần hơn với thực tế thông qua hoạt động thể chất ngoài trời, khiến “gameplay” của mô hình M2E chân thực hơn, vượt ngoài khuôn khổ Web3 , đồng thời tạo ra cơn sốt ngay trong thời kỳ đầu ra mắt với lối chơi độc đáo.


Đồng GMT đội giá là minh chứng rõ ràng cho thấy sức hút của STEPN cũng như mô hình M2E. Với tư cách token quản trị (governance token), giá đồng GMT với xuất phát điểm 0,01 USD đã leo lên tới 3 USD và hạ nhiệt xuống hơn 2 USD (ở thời điểm bài viết được thực hiện), và được kỳ vọng sẽ còn tăng nữa. Bản chất của GMT, cộng với việc hậu thuẫn tài chính từ Binance, đã khiến giá GMT lên nhanh chóng.

Ở thời điểm hiện tại, sẽ ít có nhà đầu tư nào xả GMT khi giá trị token, cả trên sàn và trong game, đều đang lớn. Những người chơi muốn nâng cấp giày của mình để kiếm được nhiều hơn sẽ phải mua GMT, và quá trình nâng cấp diễn ra chậm rãi càng khiến GMT giữ giá lâu dài. Theo tính toán của một người chơi Trung Hoa, cần khoảng 465 giờ đi bộ (gần 20 ngày) để lên cấp một đôi giày NFT từ level 0 tới level 30, và người chơi cần có giày đạt level 30 để kiếm được GMT.

Mô hình cân bằng này ổn định tới đâu?

Hai mặt của đồng xu, người tiêu dùng và nhà đầu tư

Mô hình cần bằng của một game chính là yếu tố đảm bảo cho game trường tồn. Cũng giống bảo hiểm vậy, nếu doanh thu từ những người mua gói đặc biệt không đủ để chi trả cho số người được nhận bảo hiểm, vốn hoạt động sẽ không còn.

Đó là lý do mọi dự án GameFi không thể bị yếu tố tài chính - fi đè nặng, mà GameFi phải là một trò chơi - game, phải sở hữu lối chơi lôi cuốn, đủ để người chơi sẵn sàng đầu tư tham gia chơi mà không mong đợi được hồi vốn.

STEPN nốt gót Axie Infinity trong việc ứng dụng mô hình hai đồng token, qua đó ổn định được giá trị của đồng token quản trị. Thực tế, khi xét tới tính ổn định lâu dài của game, đồng GST (token trong game) còn quan trọng hơn GMT (token quản trị). Nếu so sánh GST với một sản phẩm của ngành bảo hiểm, thì việc nâng cấp, sửa giày, “mint” giày mới tương tự với việc mua gói bảo hiểm cao cấp, trong khi đó phần thưởng từ việc chạy chính là việc chi trả bảo hiểm cho từng người.

Có hai cách để STEPN điều phối cung cầu trong trường hợp này: đầu tiên là tăng nguồn thu, tức là tăng giá trị của “gói bảo hiểm cao cấp"; thứ hai, là giảm số lượng tiền phải chi trả cho từng người chơi.

Về việc giảm chi trả, đội phát triển STEPN ứng dụng một loạt các cơ chế khéo léo. Đầu tiên là giảm số lượng giờ chạy mỗi ngày: người sở hữu tối đa 2 đôi giày sẽ chỉ kiếm được lời trong 10 phút chạy, người sở hữu trên 30 đôi sẽ có thời gian kiếm lời một ngày là 100 phút.

STEPN đồng thời tìm ra cách tăng thu nhập cho mình, thông qua cơ chế cho phép người chơi tiêu GST vào nhiều mục đích như sửa giày, nâng cấp giày và làm giày mới. Với người chơi, mục đích cao nhất vẫn là kiếm thêm GST, và nếu lượng GST kiếm được không bù đắp nổi lượng GST tiêu vào việc sửa giày, sẽ chẳng có ai mong muốn chơi/đầu tư tiếp cả.

Từ đó, ta thấy rõ STEPN kiếm tiền từ việc người chơi sẵn sàng nạp tiền. Cũng giống việc người ta mua bảo hiểm vậy, chẳng ai mong sẽ cần tới bảo hiểm khi bỏ tiền ra mua các gói.

Tóm lại, một mô hình cân bằng sẽ yêu cầu số người tham gia vì mục đích chung đông hơn số nhà đầu tư tiếp cận STEPN với mục đích đầu tư kiếm lời.

Số người chơi vì mục đích chung tìm tới STEPN thông qua yếu tố xã hội

Một dự án GameFi thu hút được người chơi khi và chỉ khi yếu tố giải trí của nó lớn. Hãy lấy ví dụ với một game lớn như GTA5. Nếu áp dụng yếu tố GameFi vào đây, và ngay cả khi giá token của GTA có giảm xuống 0, người chơi đam mê tựa game thế giới mở này vẫn sẽ trung thành với game. Lối chơi của GTA5 cuốn hút tới mức vẫn là con gà đẻ trứng vàng của Rockstar, nhiều năm sau thời điểm ra mắt.

STEPN yếu ở khoản này, khi “gameplay” của STEPN xoay quanh việc đi bộ. Dù có thêm thắt bao nhiêu yếu tố thú vị khác, việc di chuyển vẫn là hoạt động sớm gây nhàm chán.

Nhiều người cho rằng ngay cả khi giá giày STEPN, giá đồng token có suy thoái, ít nhất họ vẫn có thể tăng cường sức khỏe với mỗi bước chạy.

Thực tế, hoạt động chạy không dành cho tất cả mọi người, và nếu không có yếu tố kiếm lời, đa số người chơi sẽ không còn hứng thú với STEPN. Bên cạnh những người thực sự đam mê chạy, đa số kiếm tìm lợi ích tinh thần từ việc làm đẹp hình ảnh bản thân, hay khoe số kilomet chạy được trên các nền tảng mạng xã hội. Cả hai yếu tố trên đều là yếu tố mang tính xã hội.

Từ đây, có thể kết luận tập khách hàng chính của STEPN trong tương lai sẽ tới từ yếu tố xã hội, tài chính hóa các hoạt động xã hội - SocialFi chứ không phải tài chính hóa hoạt động chơi - GameFi.

Số người chơi STEPN không vì mục đích đầu tư hiện đang là bao nhiêu?

Đáng buồn, dù đội phát triển STEPN tuyên bố sản phẩm của họ kết hợp cả GameFi và SocialFi, ta vẫn chưa thấy yếu tố “xã hội” được đẩy mạnh. Tuy nhiên, việc này có thể sẽ thay đổi trong tương lai khi sức hút của STEPN đang lôi kéo được sự chú ý của những nhãn hàng lớn, trong đó có đồ thể thao.

Vậy số người chơi để đầu tư chiếm bao nhiêu trong cộng đồng tham gia STEPN? Để trả lời câu hỏi này, ta có thể nhìn vào biểu đồ trích xuất từ blockchain cho thấy dòng GST di chuyển ra sao.

Nếu như số liệu phản ánh đúng cung và cầu của GST, điều đó có nghĩa số người chơi đầu tư đang nhiều hơn số người chơi thường.

Dữ liệu trên được lấy từ các tài khoản tiêu GST. Người dùng sẽ phải chuyển GST từ ví cá nhân sang tài khoản tiêu dùng để sửa hay nâng cấp giày, và họ cũng phải chuyển GST từ tài khoản tiêu dùng để bán.

Ngày 1/3, Binance công bố dự án Launchpad STEPN. Cùng ngày hôm đó, GST chuyển mình đột ngột, với dòng vốn GST vào (được sử dụng vào việc sửa, nâng cấp và làm giày mới) áp đảo dòng vốn ra của GST (kiếm được từ việc chạy), đồng thời giá token GST tăng từ 2,6 USD lên 4 USD. Ít lâu sau thời điểm công bố Launchpad, dòng vốn ra tiếp tục chiếm ưu thế, giá ổn định lại ở mức 3,4 USD.


Giá GST trực tiếp quyết định giá giày, nên giá sàn vẫn ổn định ở mức 800-900 USD trong nửa tháng đầu tiên tính từ lúc công bố dự án. Điều này cho thấy cân bằng cung cầu GST sẽ phụ thuộc vào số người chơi mới tham gia thị trường. Khi thị trường cho thuê giày mở cửa, số người tham gia sẽ tăng khi yêu cầu đầu vào thấp hơn trước; bạn chỉ cần đôi chân khỏe, và chỉ phải bỏ ra số vốn ít hơn nhiều việc mua giày.


Việc điều tiết GST cực kỳ quan trọng: giá token tăng mạnh, giá giày đội trần, người chơi mới sẽ e ngại bỏ tiền đầu tư; giá token tụt sâu, cộng đồng M2E sẽ từ bỏ game, từ đó giảm doanh thu của STEPN.

Lời kết

Để game có thể tồn tại lâu dài, số người chơi đại trà sẽ phải lớn hơn số người chơi để đầu tư kiếm lời. Cho dù STEPN mong muốn hài hòa kết hợp hai yếu tố GameFi và SocialFi được, thì bản thân việc chạy vẫn cứ nhàm chán, nên họ sẽ phải đẩy mạnh việc lôi kéo người chơi từ nền tảng “xã hội”.

Với số dữ liệu trích xuất từ blockchain, ta thấy người chơi đang đều đặn kiếm GST từ hoạt động chạy. Vậy là có lý do để lo lắng liệu GST có trụ vững trước áp lực bán tháo, một khi số lượng những người chơi tìm tới STEPN để đầu tư tăng vọt, sau thời điểm thị trường cho thuê giày bắt đầu hình thành.

Trích từ mục Hỏi-Đáp với nhà phát triển STEPN:

Số lượng người chơi và khu vực tập trung nhiều người chơi nhất?



STEPN đang chứng kiến khoảng 100.000 người tham gia hàng ngày, 500.000 người bật app mỗi tháng. Tuy nhiên, việc đăng ký chưa được mở rộng và đa số người chơi phải được mời tham gia. Thị trường Trung Quốc chưa được trực tiếp tham gia STEPN. Nguồn người chơi lớn nhất tới từ Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Nga và Anh; Nhật Bản là một thị trường chào đón các mô hình Move-to-Earn từ xưa, nên STEPN nhanh chóng có được chỗ đứng.


Nhà phát triển không muốn phá hủy hệ sinh thái đang có, nên chưa mở cửa thị trường cho thuê cũng như bỏ cơ chế mời và mở đăng ký tự do.

Về cross-chain sang các blockchain khác và hướng phát triển tương lai:

Nhà phát triển sẽ sớm crosschain với Binance Smart Chain (BSC), và đã có dự định liên kết với Ethereum. Họ dự định sẽ mở rộng mô hình trao đổi NFT trong tương lai. Người dùng sẽ không chỉ mua giày, mà còn mua những sản phẩm NFT khác nữa.

Đội ngũ phát triển AI của STEPN cũng đang phát triển trợ lý ảo giúp người dùng đưa ra quyết định.

Chia sẻ Facebook