Giải mã những hiểu lầm và quy chụp thường gặp về Gen Z: Không chỉ sở thích, khả năng tiêu dùng mà còn cả phong cách làm việc
Dù thuộc thế hệ nào, hẳn bạn cũng từng nghe một số định kiến mà người khác nói về mình. Vậy với Gen Z, những hiểu lầm nào đang xoay quanh họ?
Gen Z chiếm 30% dân số và dự kiến sẽ chiếm 27% lực lượng lao động trước năm 2025. Khi nói về nhóm nhân khẩu học, người ta gán cho họ rất nhiều ưu điểm, đi với đó là nhiều hiểu lầm. Vậy đâu là những hiểu lầm phổ biến?
1. Gen Z không quan tâm nhiều đến vấn đề xã hội
Người trẻ Gen Z thật ra đang rất đầu tư để tìm giải pháp cho các vấn đề xã hội, văn hóa. Sinh ra và lớn lên trong thời kỳ có rất nhiều biến động, các bạn trẻ còn đặc biệt quan tâm đến tiền, sức khỏe và môi trường.
Sự quan tâm thể hiện qua việc các bạn sẵn sàng chia sẻ vấn đề về sức khỏe tinh thần cũng như ý thức bảo vệ môi trường nhiều hơn. Ngoài ra, họ cũng đặc biệt quan tâm đến nhân quyền, sự đa dạng và bình đẳng giới.
2. Chỉ cắm đầu vào điện thoại
Đa phần Gen Z vẫn đang đi học, nhưng nhiều bạn đã có tính trách nhiệm và sự tự nhận thức cá nhân khá cao. Họ thích làm việc trong các môi trường sáng tạo, được đảm nhận nhiều vai trò khác nhau, và hiểu rằng mình cần làm việc chăm chỉ để đạt mục tiêu này.
Do đó, nhiều thanh thiếu niên đã rèn luyện kỹ năng kinh doanh, tự thành lập các công ty, nghĩ ra các sáng kiến cộng đồng trước cả khi tốt nghiệp. Một cuộc khảo sát gần đây của Voxburner cho thấy 60% người trẻ mô tả họ là "thế hệ doanh nhân".
3. Thiếu kỹ năng trong môi trường làm việc
Nếu từng làm việc với Gen Z, bạn có thể nhận thấy họ thiếu hụt một số kỹ năng kinh doanh, hoặc chưa hiểu rõ các quy tắc xã giao qua email. Tuy nhiên, họ có nhiều kỹ năng đặc biệt khác giúp tăng lợi thế cạnh tranh, chẳng hạn như kiến thức về kỹ thuật và năng lực sáng tạo.
Họ thậm chí không nhận ra rằng những sở thích như quản lý fanpage dành cho người hâm mộ hoặc tạo meme, có thể giúp họ có được một công việc mình yêu thích. Những kỹ năng này khá hấp dẫn nhà tuyển dụng. Ví dụ ta có thể nhìn vào Zaria Parvez, một Gen Z nắm giữ vị trí quản lý, điều phối truyền thông của Duolingo.
4. Họ không thích giao du bên ngoài
Đúng là giới trẻ quen thuộc với các nền tảng mạng xã hội và có xu hướng giao tiếp online nhiều hơn. Tuy nhiên, khảo sát gần đây của tờ Voxburner cho thấy 81% các bạn Gen Z ở Vương quốc Anh thích giao tiếp xã hội trực tiếp thay vì nói chuyện online. Một phần do vài năm dịch đã đẩy mạnh hình thức trực tuyến.
Nhà nghiên cứu Danah Boyd viết trong cuốn sách It's Complicated: The Social Lives of Networked Teens rằng, vấn đề là nhóm trẻ ít dịch chuyển, cộng với việc cha mẹ lo lắng cho sự an toàn của con ở nơi công cộng, nên cơ hội gặp mặt trực tiếp phần nào bị bị hạn chế. Lúc này, ứng dụng nhắn tin, mạng xã hội chiếm ưu thế vì cho phép mỗi cá nhân kết nối với các cộng đồng lớn hơn.
5. Họ không có nhiều tiền để chi tiêu
Bất kể Gen Z nhận được trợ cấp hay tiền tiêu vặt bao nhiêu từ cha mẹ, họ vẫn ảnh hưởng rất lớn đến sức chi tiêu hằng năm của thị trường. Theo báo cáo dữ liệu từ trang V12 - A Porch Company, 90% cha mẹ nói rằng con cái có thể ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của họ. Số tiền này gồm tiền chi cho thực phẩm, các sự kiện, đi du lịch, mua sắm đồ gia dụng và một số mặt hàng khác. Do đó, có được cái "gật đầu" của nhóm nhân khẩu học khó tính này là chìa khóa kinh doanh của nhiều nhãn hàng.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa Gen Z không giỏi tiết kiệm chi tiêu. Các bạn trẻ thường dành nhiều thời gian để theo dõi những người có tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực tài chính, đồng thời trung thực và cởi mở khi nói về thói quen chi tiêu. Ở Việt Nam, chị Chi Nguyễn, tác giả của blog The Present Writer, là một người thường xuyên nói về vấn đề quản lý tài chính. Các bài viết về trào lưu FIRE (độc lập tài chính và nghỉ hưu sớm) của Chi Nguyễn cũng thu hút nhiều sự quan tâm của người trẻ.
6. Họ là những người ưa nhảy việc
Theo báo cáo từ trang Entrepreneur, hơn một nửa nhân sự Gen Z lên kế hoạch để gắn bó với một tổ chức ít nhất 3 năm, hơn 1/4 muốn ở lại từ năm năm trở lên.
Nhóm bạn trẻ này đã trải qua một cuộc suy thoái lớn, trưởng thành trong nền kinh tế lao động hợp đồng tạm thời (gig work) và nhìn thấy con đường sự nghiệp có khả năng bị thay thế bởi các thuật toán, trí tuệ nhân tạo. Với tất cả chừng đó, không có gì ngạc nhiên khi giờ đây họ coi trọng sự ổn định hơn. Nhà tuyển dụng có thể giúp nhân viên cảm thấy gắn bó bằng cách ghi nhận đóng góp, nguyện vọng của họ, giúp họ vạch ra lộ trình thăng tiến rõ ràng.
7. Họ không thích đi làm
Cuộc khảo sát của trang Entrepreneur trên 1000 người lao động ở Mỹ cũng cho thấy 75% nhân viên thế hệ Z coi sự nghiệp như một phương tiện hoàn thiện bản thân. Đôi khi, công việc còn là ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống.
Điều đáng lưu ý ở đây không phải là họ có thích đi làm hay không, mà họ có thích việc mình đang làm hay không. Gen Z đề cao ý nghĩa của công việc. Thế hệ của họ không đi làm chỉ bởi vì tiền, mà công việc còn cần đáp ứng nhu cầu sở thích hoặc ít nhất là phù hợp với thứ họ quan tâm, tạo điều kiện để họ thể hiện mình, thậm chí là bước đệm giúp họ thực hiện nhiều sứ mệnh lớn trong cuộc đời.
8. Họ thích làm việc từ xa
Gen Z thành thạo kỹ thuật số, nhưng sẽ là sai lầm khi nói rằng họ chỉ thích làm việc từ xa. Thực tế, khảo sát cho thấy chỉ 17% nhân viên thích làm việc từ xa hoàn toàn, trong khi 2/3 muốn thỉnh thoảng lên văn phòng.
Cuộc sống văn phòng vẫn khá phong phú trong mắt người trẻ, đó là nơi họ gặp bạn bè, gặp những người đồng nghiệp đáng mến và thậm chí… tìm người yêu tương lai. Họ cũng tin rằng mình có thể học kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng giải quyết xung đột môi trường công sở, và nhiều quy tắc không thành văn khác khi gặp gỡ trực tiếp mọi người.
Đối với các công ty, điều quan trọng là không vội vã kết luận về phong cách làm việc của nhân viên. Hãy hỏi nhân viên về phong cách làm việc của họ để họ cảm thấy được lắng nghe, tôn trọng. Và điều cuối cùng, sự linh hoạt trong cách làm việc là điều rất cần thiết.
Nguồn: Tổng hợp