"Giải mã cuộc sống": Phi đội Quyết thắng và chiến công oanh liệt một thời

Chia sẻ Facebook
16/07/2022 11:02:28

Ngay trước thềm đại thắng 30/4/1975, một sự kiện vô cùng đặc biệt đã diễn ra và người làm nên chiến thắng huy hoàng này chính là Phi đội Quyết Thắng.

Cách đây gần nửa thế kỷ, có một sự kiện đặc biệt đã diễn ra vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh chống Mỹ thống nhất đất nước, ngay trước thềm đại thắng 30/4/1975. Sự kiện đó diễn ra vào ngày 28/4. Khi đó, một phi đội mang tên Quyết Thắng đã sử dụng 5 chiếc máy bay thu được của địch để đánh thẳng vào mục tiêu quan trọng giữa thành phố Sài Gòn.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh Lịch sử, Bộ chỉ huy đã có một quyết định vô cùng táo bạo, đó chính là sử dụng lực lượng không quân tham gia chiến đấu, đánh vào sà huyệt cuối cùng của địch tại Sài Gòn bằng chính máy bay của địch nhằm tạo yếu tố bí mật, bất ngờ. Các phi công của trung đoàn không quân 923, sư đoàn 371 khi đó mà nòng cố là đại đội 4 được lựa chọn để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Tuy nhiên, bằng nhiều lí do, các máy bay của ta không thể sử dụng đưa vào chiến dịch. Thay vào đó, máy bay được lựa chọn để thực hiện nhiệm vụ chính là máy bay A37 - chiến lợi phẩm thu được của địch trong những ngày đầu chiến dịch.

Các phi công của trung đoàn không quân 923, sư đoàn 371 được lựa chọn để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.

Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, song, đến tận hôm nay, diễn biến trận đánh vẫn còn y nguyên trong trí nhớ của người phi công kì cựu Đại tá Nguyễn Văn Lục - nguyên Phi đội trưởng Phi đội Quyết Thắng. "Mũi tiến công này là mũi tiến công vang dội nhất, đánh vào tâm lý, tinh thần hoảng loạn của địch, cũng là mũi tiến công mạnh mẽ nhất", ông nhớ lại.

Phi đội 4 thuộc trung đoàn 923 đoàn Yên Thế của Đại đội trưởng Nguyễn Văn Lục khi ấy là đơn vị giàu thành tích của Không quân Nhân dân Việt Nam. Trong những năm tháng chống chiến tranh phá hoại, các phi công của trung đoàn đã sử dụng máy bay của ta bắn rơi hơn 100 máy bay các loại của Mỹ. Từ năm 1967, một bộ phận của trung đoàn 923 chuyển hướng luyện tập nhiệm vụ tấn công mặt đất. Cũng vì lẽ đó mà nhiệm vụ lần này tuy bất ngờ, song, cán bộ, chiến sĩ ai nấy đều sẵn sàng.

8h30 ngày 28/4/1975, phi đội nhận lệnh cơ động máy bay A37 vào sân bay Phan Rang để chuẩn bị cho trận đánh. Tại đây, trong phần giao nhiệm vụ, 6 mục tiêu đã được đưa ra để phi đội nghiên cứu, bao gồm: Dinh Độc Lập, Đại sứ quán Mỹ, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng Nha Cảnh sát Ngụy, Kho xăng Nhà Bè và Sân bay Tân Sơn Nhất. Cuối cùng, phi đội chọn tấn công vào Sân bay Tân Sơn Nhất.

Giờ xuất kích đã điểm, chiều ngày 28/4, phi đội mang chiếc A37 được lệnh chuyển vào cấp 1 và mở máy, xuất kích chiến đấu. Mỗi máy bay mang 4 quả bom MK81 và MK82. Sau khi xuất kích, phi đội bay dọc bờ biển, đến ngã ba sông Sài Gòn thì vòng phải về sân bay Tân Sơn Nhất.

Do thời tiết xấu, đồng thời để tránh ra-đa của địch phát hiện, phi đội bay ở độ cao 500m. Lúc đó, đài chỉ huy của địch ở sân bay Tân Sơn Nhất hoàn toàn bất ngờ, liên tiếp hỏi dồn dập: "Máy bay của phi đoàn nào?". Khi còn cách sân bay khoảng 20km, toàn bộ phi đội phát hiện được sân bay, các số thực hiện kéo dài đội hình, mỗi số cách từ 600-800m và lấy độ cao 2000m. Lần lượt từng chiếc bổ nhào vào công kích mục tiêu.

Sau trận công kích chớp nhoáng, dưới bụng máy bay, khói lửa từ sân bay Tân Sơn Nhất bốc lên mù mịt. Trong trận đánh này, 26 máy bay địch đã bị phá hủy, hàng trăm tên địch bị tiêu diệt. Sân bay gần như tê liệt, từ đó loại bỏ những mối nguy từ trên không, tạo điều kiện cho đại quân đi tới giải phóng Sài Gòn.

Mặc dù trước khi thực hiện nhiệm vụ này, các phi công của chúng ta đều là những phi công xuất sắc đã sử dụng thuần thục máy bay hiện đại nhất của Liên Xô bấy giờ, nhưng, với máy bay A37 của Mỹ lại mang trong mình nhiệm vụ khác biệt, mọi thứ đều khó khăn hơn. Vậy mà chỉ trong chưa tới 3 ngày, họ đã có thể chuyển loại máy bay thành công, với 1 ngày học lí thuyết và thực hành bay chỉ trong 2 ngày rưỡi. Đây có thể coi là một khoảng thời gian thần tốc.

Ít ai biết rằng để có được trận đánh táo bạo, bất ngờ và ngoạn mục đó là cả một kế hoạch đã được chuẩn bị kĩ càng cùng với sự âm thầm, miệt mài làm việc của cán bộ chỉ huy, kĩ sư, thợ máy trong gần một tháng trời. Đặc biệt, về cách bố trí, vận hành sử dụng và đơn vị đo đếm hoàn toàn khác nhau buộc phi công phải thích nghi một cách nhanh chóng mới có thể vận hành. Một điều đáng lo ngại hơn, lđó là khác với di chuyển thông thường bằng phương tiện bay dân sự, với máy bay chiến đấu, việc phải không chiến hay bị đánh trả bằng phòng không là vô cùng nguy hiểm, đòi hỏi phi công phải đưa ra quyết định xử lý trong phạm vi từng giây.

Chiến tranh đã lùi xa, chúng ta giờ hiện vẫn trân quý từng phút giây hòa bình, độc lập, tự do. Tuy nhiên, một bài học chúng ta có thể rút ra từ câu chuyện này chính là: Càng trong gian khó, những con người Việt Nam lại càng thể hiện được những phẩm chất tuyệt vời nhất của sự thông minh, sáng tạo, mưu trí và dũng cảm. Đây cũng là điều mà thế hệ trẻ cần tiếp nối, sẵn sàng giữ vững nền độc lập mà thế hệ cha ông đã hi sinh để giành được.

Chia sẻ Facebook