"Giải mã cuộc sống": Ngôn ngữ bí ẩn của làng Đa Chất
Mặc dù Đa Chất có cảnh quan không khác gì những làng quê ngoại thành Hà Nội nhưng người dân nơi đây lại trò chuyện với nhau bằng "mật ngữ".
Làng Đa Chất nằm bên cạnh sông Nhuệ, xưa kia gọi là Tông Chất. Nay làng là một thôn thuộc xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Thực tế, ngôn ngữ chính của người dân làng là tiếng Việt phổ thông. Tuy nhiên, bên cạnh đó, họ còn dùng một mật ngữ kì lạ mà nếu người ngoài lạc vào làng đều nghĩ rằng mình đang nghe một thứ ngoại ngữ khác, giống tiếng Việt mà lại không phải tiếng Việt.
Thứ ngôn ngữ mà người dân làng Đa Chất sử dụng không phải là thổ ngữ hay thứ tiếng kì lạ nào mà là nói lóng. Đây là một hình thức phương ngữ xã hội không chính thức của một ngôn ngữ, thường được sử dụng trong giao tiếp thường ngày bởi một nhóm người. Tiếng lóng ban đầu xuất hiện nhằm mục đích che giấu ý nghĩa diễn đạt theo quy ước chỉ những người nhất định mới có thể hiểu.Tiếng lóng thường không mang ý nghĩa trực tiếp hay nghĩa đen của từ phát âm mà mang ý nghĩa tượng trưng, nghĩa bóng.
Không có sách vở nào ghi lại tiếng lóng nơi đây có từ bao giờ. Người làng Đa Chất cho rằng tiếng lóng có thể ra đời cùng với nghề đóng cối xay của làng. Giờ đây, cả làng chỉ còn một chiếc giữ làm kỉ niệm, bởi lẽ cối xay kiểu thủ công như thế này không còn ai dùng nữa.
Thông thường, người dân Đa Chất vẫn nói tiếng phổ thông, nhưng khi cần trao đổi một điều gì đó nhạy cảm, bí mật thì họ sẽ nói tiếng lóng. Điều này thực chất cũng bắt nguồn từ nghề làm cối. Đặc trưng của nghề này là phải đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều loại người. Để có thể tự bảo vệ mình, mà vừa không mất lòng thiên hạ, lại giữ được nếp làng, những người thợ đóng cối sẽ giao tiếp với nhau bằng tiếng lóng.
Lấy ví dụ như khi người thợ chính thấy thợ phụ làm sai, người thợ cả sẽ nhắc: " Mày sắn táo rồi. Bệt ngáo kìa " tức là "Cậu làm lỗi rồi. Nhà chủ họ trông thấy kia kìa". Đi đường nhìn thấy móc túi, thợ cối sẽ nhắc nhau "xảo bờm" tức là có trộm để đề phòng. Trường học tiếng lóng cũng chính là môi trường làm việc của họ, một thầy một trò. Họ dạy nhau từng chữ và nghĩa của chúng: "bệt" là nhà, "thít" nghĩa là ăn uống...
Trong quá khứ, nghề đóng cối xay tre Đa Chất là một nghề thủ công truyền thống đã nuôi sống ngôi làng này trong suốt thời kì dài khi chưa có máy xay xát gạo xuất hiện. Người dân làng thường phải đi lên các tỉnh phía Tây Bắc để đóng cối xay bằng tre cho những gia đình có nhu cầu sử dụng. Khi nghề cối mất đi, tiếng lóng cũng không được sử dụng.
Hiện số lượng người dân Đa Chất nói thuần thục tiếng lóng còn rất ít, chủ yếu là các cụ già, đàn ông. Trong khi các cụ đều ở tuổi lão làng, trí nhớ không còn minh mẫn nữa, phụ nữ và trẻ em lại ít sử dụng tiếng lóng, điều này đã và đang trở thành nỗi trăn trở của các bậc cao niên tha thiết gìn giữ tài sản mà ông cha để lại.