"Giải mã cuộc sống": Cổng thành kinh thành Huế - Bí ẩn rơi vào quên lãng
Khi chọn đất xây thành, các vua đã cân nhắc và lựa chọn những địa điểm phù hợp cho chức năng phòng thủ kinh thành, thay vì chú trọng phát triển thương mại.
Sau khi lên ngôi Hoàng đế vào năm 1802, vua Gia Long bắt đầu bắt tay vào việc xây dựng đất nước bằng một việc vô cùng quan trọng đối với mỗi triều đại, đó chính là xây dựng kinh đô - nơi bảo vệ quyền lực của vương triều. Từ năm 1803, vua Gia Long đã bắt đầu quá trình quy hoạch, thiết kế kinh thành Huế. Đến năm 1805, công cuộc xây dựng kinh thành bắt đầu được triển khai. Các cửa thành được xây dựng và hoàn thiện trong một thời gian dài với các giai đoạn khác nhau.
Cổng thành - Nét đặc trưng của kinh thành Huế
Phần cửa vòm xuyên qua tường thành của các cửa được xây dựng 1809 dưới triều vua Gia Long. Còn các vọng lâu bên trên được xây dựng trong các năm từ 1824 tới năm 1831 dưới triều vua Minh Mạng. Trong số 10 cửa của kinh thành, 8 cổng được đặt tên theo hướng, chỉ 2 cổng có tên riêng là cổng Quảng Đức và cổng Thể Nhơn. Đây là tên chính thức, tuy nhiên thực tế, các cổng đều có tên dân gian khác.
Vậy là trên vòng thành có 10 cổng đường bộ được xây dựng xuyên vòng thành. 2 cửa đường thủy duy nhất, 2 lối vào sông Ngự Hà nằm giữa kinh thành Huế có ý nghĩa vô cùng đặc biệt trong kiến trúc tổng thể của kinh thành.
Theo Đại Nam Nhất thống chí ghi rõ: "Đông thành Thủy quan, cửa cống nước mặt phía Đông của kinh thành, được xây dựng từ năm Gia Long thứ 7 tức năm 1806, với tên gọi ban đầu là cầu Thanh Long làm bằng gỗ. Năm 1830, vua Minh Mạng thay thế cầu gỗ bằng đá, xếp đặt thành một chiếc thủy quan là cửa cống đóng mở nước ở kinh thành, với các cửa áp là then cài cống nước, trên lan can cầu bố trí hệ thống pháo môn". Cửa cống Tây thành là Tây thành Thủy quan. Vào năm Minh Mạng thứ 7 tức năm 1826 cũng cho đặt cửa áp phía dưới cống, trên đặt đài pháo.
Đông thành Thủy quan là điểm kết nối các bờ thành của kinh thành Huế nên hệ thống phòng thủ xung quanh khá dày đặc và tương đối độc đáo so với các khu vực khác. Đây vừa là cống vừa có chức năng làm cầu nối 2 bên bờ sông Ngự Hà. Người đứng từ Đông thành Thủy quan có thể trực tiếp giám sát, quản lý các thuyền bè từ sông Hương, và nhất là từ đường biển tiến lên sông Hương để vào kinh đô Huế.
Hệ thống thủy đạo kinh thành Huế được hình thành từ thời vua Gia Long năm 1802 đến 1820 và hoàn thiện dưới thời Minh Mạng từ 1820 đến 1841. Trong đó, hệ thống các con sông bảo vệ thành được hình thành sớm nhất.
Những chiếc cổng bí mật vừa được phát hiện
Vừa qua, người dân Huế đã phát hiện trên di tích Thượng thành tức kinh thành Huế một cổng thành dạng vòm cao 108cm, rộng 85cm nằm ở bên trái Đông thành Thủy quan và 1 cổng có kiến trúc tương tự nằm phía bên phải. Khác hẳn với các cổng đường bộ đều được nối với các trục giao thông đường bộ đi vào kinh thành, 2 cổng vừa được phát hiện có kích thước nhỏ, chỉ cách nhau vài trăm mét, kết nối với đường thủy của sông Ngự Hà và Hộ Thành hào.
Cổng được xây theo hình thức cổng vòm, cao khoảng 0,7, rộng khoảng 0,6m với 7 lớp gạch có giật cấp. Phía dưới là những tảng đá xanh còn khá nguyên vẹn. Chiếc cổng có lối kiến trúc vòm 2 lớp liên kết nhau, vật liệu hoàn toàn đồng dạng với kinh thành.
Theo phân tích của các chuyên gia cho thấy, 2 cánh cửa nhỏ được trổ ra trên bờ tường thành để phục vụ vệ giám thành, phục vụ binh lính ra vào đài kiểm soát tàu, bè để đảm bảo an ninh trật tự trên lối thủy đạo quan trọng này.
Nhìn trên bản đồ vẽ tổng thể kinh thành Huế, chúng ta thấy rõ các hướng đường sông tiếp cận vào hai cửa đường thủy. Tiếp cận theo đường biển và dùng hệ thống thủy đạo này thì thuyền bè sẽ đi vào Đông thành Thủy quan (nay là đường Huỳnh Thúc Kháng). Nếu tiếp cận đường sông vào phía tây thì sẽ đi qua Tây thành Thủy quan. Điều này càng khẳng định chức năng phòng thủ kinh thành Huế đã được các vua cân nhắc và lựa chọn trước khi chọn đất xây thành, không chú trọng phát triển thương mại. Vì vậy, hai cửa đường sông trong kinh thành Huế ngoài chức năng đóng, mở, thoát nước còn có vị trí quan trọng trong việc kiểm soát ra vào kinh thành. Hai cánh cửa nhỏ mới được phát hiện chính là cửa phục vụ binh lính đóng ở đài ra vào kiểm soát tàu, bè.