Giải mã 3 chương trình truyền hình gây sốt
Xuất hiện đúng thời điểm và đầy sự mới lạ, một số chương trình giải trí trên truyền hình đang tạo nên làn sóng thu hút khán giả rất mạnh mẽ trong thời gian qua.
Có thể kể đến các chương trình như 2 ngày 1 đêm, Ca sĩ mặt nạ, Cuộc hẹn cuối tuần.
Hút từ người lớn đến trẻ nhỏ
Cứ đến chủ nhật cuối tuần, các thành viên trong gia đình chị Yến ở quận Tân Bình (TP.HCM) tụ tập ngồi xem chương trình truyền hình trải nghiệm thực tế 2 ngày 1 đêm (HTV7). Xem các cô chú thực hiện những thử thách của chương trình đưa ra hoặc các đoạn tấu hài giữa các thành viên, bé Thông (học sinh lớp 4) cứ cười khanh khách.
Ngoài sự hài hước, chị Yến cho biết mình thích 2 ngày 1 đêm bởi phong cảnh đất nước Việt Nam được giới thiệu trong chương trình quá đẹp: "2 ngày 1 đêm giúp chúng tôi có những giây phút giải trí sau những giờ làm việc, học tập căng thẳng... Không những vậy, chương trình còn gắn kết các thành viên trong gia đình".
Trong khi đó, các tập Ca sĩ mặt nạ trên sóng HTV2 luôn tạo nên cơn sốt với khán giả. Mới đây nhất, 4 tập từ 12 đến 15 khi đưa lên YouTube đều đạt Top 1 Trending. Chương trình hấp dẫn đến nỗi có khán giả ở tận Thái Bình đã đặt mua cho được vé đi xem đêm concert Ca sĩ mặt nạ tại Sài Gòn.
Cuộc hẹn cuối tuần cũng đang là "điểm hẹn" yêu thích của khán giả vào thứ bảy hằng tuần trên VTV3. Một số tập của chương trình này đứng đầu chương trình giải trí có lượng người xem cao nhất của VTV, nằm trong top 10 chương trình có lượng người xem cao nhất cả nước. Không ít khán giả nhận xét xem chương trình họ bật cười vì sự duyên dáng của MC Long Vũ, đồng thời không thiếu cảm xúc lắng đọng khi nghe nghệ sĩ - khách mời chia sẻ về cuộc sống riêng.
Điều gì tạo nên sức hút?
Sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, người dân có nhu cầu được cười, thư giãn sau những ngày căng thẳng. Năm 2021, VTV tung Cuộc hẹn cuối tuần, tạo nên chương trình giải trí khá lành mạnh và vui tươi qua những cuộc trò chuyện thú vị, gần gũi và các tiết mục văn nghệ đặc sắc của các nghệ sĩ. Cuộc hẹn cuối tuần nổi bật cũng bởi mời được những khách mời xịn sò. Sự xuất hiện của những nghệ sĩ ít khi tham gia game show như Mỹ Tâm, Đen Vâu... phần nào tạo nên sự tò mò.
Còn 2 ngày 1 đêm mở rộng không gian, đưa khán giả đi dọc đất nước khám phá những danh lam thắng cảnh. Sáu nghệ sĩ Trường Giang, Ngô Kiến Huy, Lê Dương Bảo Lâm, Kiều Minh Tuấn, Hiếu thứ hai và Cris Phan mang lại nhiều tiếng cười khi chịu lăn xả, chơi hết mình.
Trong khi đó, Ca sĩ mặt nạ tạo dấu ấn từ những giọng ca đầy nội lực, đồng thời khiến khán giả tò mò khi ca sĩ hát trong những bộ mascot (đeo mặt nạ và hóa trang) được chăm chút về mặt tạo hình...
Xem các chương trình này, khán giả nhận thấy sự đầu tư nghiêm túc, bài bản của các nhà sản xuất. Nhưng tiền có phải là tất cả? Uyên Trần - một nhà sản xuất - cho biết: "Thời gian qua có nhiều game show đình đám mua format của nước ngoài nhưng cũng không thành công về mặt hiệu ứng khán giả và độ lan tỏa lớn. Cho nên để một chương trình thành công, theo tôi, ngoài mức độ chịu chơi và chịu chi của nhà sản xuất thì đòi hỏi chất xám của ê kíp sản xuất - đội ngũ biên tập và đội ngũ truyền thông quảng bá".
Như chương trình Ca sĩ mặt nạ, bản gốc của Hàn Quốc chỉ sử dụng bài hát cũ nhưng phiên bản Việt có thêm sáng tác mới lần đầu xuất hiện. Ban tổ chức còn đầu tư ban nhạc để hát live 100%... Mời những khách mời đặc biệt và khách mời quốc tế cũng là "chiêu" tăng sức hút...
"Tôi nghĩ chiều sâu nội dung của mỗi chương trình là quan trọng nhất. Như Cuộc hẹn cuối tuần quy tụ chất xám của nhiều phòng ban VTV. Chúng tôi mày mò những clip "bá đạo" hài hước, những tiết mục văn nghệ đỉnh cao mới đủ sức thuyết phục khán giả. Chương trình này mỗi lần thực hiện chỉ có thể ghi hình một tập, như chương trình Mỹ Tâm ghi hình suốt 6 tiếng" - một người trong ê kíp sản xuất Cuộc hẹn cuối tuần cho biết.
Công thức tạo nội dung thông minh
Đại diện đơn vị sản xuất chương trình Ca sĩ mặt nạ chia sẻ: "Để thành công đầu tiên là phải hiểu thị hiếu người dùng thông qua các hoạt động nghiên cứu thị trường có tính khoa học và chuyên nghiệp cao.
Thứ hai là phải có công thức sản xuất vừa khoa học vừa sáng tạo, mà chúng tôi gọi đó là "công thức tạo ra smart content (nội dung thông minh - PV)". Điều thứ ba là tinh thần và thái độ của nhà sản xuất trong từng nội dung. Mọi tính toán cho thành công đều là ảo vọng nếu nhà sản xuất không dành hết tâm huyết, sự đầu tư nghiêm túc và tối đa cho chương trình".