Giải lời nguyền cho cây thanh long: Mối liên kết rời rạc, vai trò hợp tác xã mờ nhạt
Khó khăn về thị trường khiến người trồng bắt đầu chặt bỏ cây thanh long, giống cây trồng giúp người nông dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Đấy là hệ quả của tập quán sản xuất kiểu nhỏ lẻ, tự phát, manh mún tại trong vùng trồng thanh long.
“Bẫy” sản xuất với người trồng thanh long
Thị trường dễ dãi, giá thu mua cao, đầu tư một lãi gấp đôi là thực tế từng diễn ra với thị trường thanh long những năm trước đây. Thanh long Việt Nam từng được thương lái Trung Quốc tranh giành mua với giá 50.000-60.000 đồng/kg. Với mức lợi nhuận lớn, người người, nhà nhà đua nhau trồng thanh long.
Theo quy hoạch, vùng trồng thanh long của Bình Thuận đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025 là 30.000 ha. Tuy nhiên, đến cuối năm 2021, toàn tỉnh đã có hơn 33.750 ha, vượt gần 4.000 ha so với quy hoạch. Trong đề án "Phát triển cây thanh long của tỉnh Tiền Giang đến năm 2025", thanh long được quy hoạch với diện tích khoảng 9.000 ha, nhưng đến nay diện tích trồng vượt đề án hơn 700 ha.
Với Long An, diện tích trồng thanh long đã hơn 11.600 ha, vượt định hướng phát triển đến năm 2030 hơn 3.000ha. Khi nguồn cung vượt cầu cũng chính là lúc chúng ta sa vào cái “bẫy” sản xuất. Dư thừa sản phẩm dẫn đến tình trạng người nông dân tự làm giá, hạ giá để cạnh tranh. Chính điều này làm cho số phận của trái thanh long trở nên “bấp bênh”.
Ông Nguyễn Quốc Trịnh-Chủ tịch Hiệp hội Thanh Long tỉnh Long An cho rằng: “Hiện nông dân mình tự ra giá rồi tự bán mà bà con cứ đổ thừa cho thương lái. Tình hình vậy chúng tôi sẽ sớm tạo nhóm group để các nhà vườn trồng thanh long và HTX có thể trao đổi thông tin với nhau. Ai có sản lượng bao nhiêu, có mặt hàng nào để cùng giảm sản lượng để mình cùng nhau tìm được nguồn tiêu thụ cùng một giá trị chứ không thể phát triển mạnh ai nấy làm”.
Nhằm liên kết người sản xuất, tại các vùng trồng thanh long đã hình thành nên các hợp tác xã. Vai trò của hợp tác xã thanh long không chỉ quy tụ người có đất tham gia sản xuất mà còn định hướng xã viên sản xuất như thế nào, sản xuất sản lượng ra sao cho phù hợp, kết nối với doanh nghiệp, hiệp hội ra sao… Song hiện nay việc liên kết giữa hợp tác xã với bà con nông dân rất khó khăn do đa số hợp tác xã đều vận hành theo kiểu “mạnh ai nấy làm, thân ai nấy lo”.
“Ở địa phương cũng có nhiều HTX, bà con cũng tham gia, song vai trò, tiếng nói của HTX trong việc điều tiết sản lượng, hiệp thương với đơn vị thu mua cũng khá mờ nhạt, nên khi đối tác gây khó cũng đành chấp nhận” - anh Lê Thành Thái, nhà vườn ở xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành, tỉnh Long An nói.
Theo TS. Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn Kinh tế hợp tác - Trường Cán bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn II thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho đến nay mô hình hợp tác xã thanh long chưa thực sự thành công, do các tổ chức này mới làm được về mặt lợi nhuận, chứ chưa phát huy được giá trị chia sẻ cộng đồng. Hợp tác xã thanh long như là một thương lái, nên nếu có rủi ro thì cộng đồng bỏ rơi hợp tác xã, tiếp đó hợp tác xã sẽ bỏ rơi người nông dân. Hợp tác xã thanh long phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc, kéo theo đó mức lợi nhuận của hợp tác xã cũng bấp bênh. Đây chính là yếu tố chưa thu hút được nhiều người nông dân tham gia vào hợp tác xã.
“Đặc thù của hợp tác xã thanh long là ít thành viên, đa số là thành viên có giàu và những người này có khả năng kinh doanh lớn. Để phát huy bản chất mô hình hợp tác xã là nhiều người thì nhóm người nhiều tiền, có khả năng kinh doanh thì họ không cần thiết liên quan lợi ích mà quan trọng là lợi nhuận. Họ không muốn có thủ tục rườm rà. Họ khác suy nghĩ của đa số người nông dân” - TS. Trần Minh Hải phân tích thêm.
Thiếu tư duy hội đoàn
Thị trường tiêu thụ thanh long ngày càng khó tính, kể cả Trung Quốc cũng đang tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn về kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc, nhãn mác và kiểm soát chặt về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm hóa 100% đối với mặt hàng nông sản, trong đó có thanh long nhập khẩu từ Việt Nam. Trong khi đó, khả năng cạnh tranh sản phẩm của chúng ta đang có dấu hiệu thụt lùi. Để nâng cao chất lượng sản phẩm rất cần thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân. Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, phải đưa người trồng thanh long vào tổ chức.
“Đưa các nhà vườn vào một tổ chức, đưa nông dân vào tổ chức, đưa doanh nghiệp vào một tổ chức, đưa hiệp hội ngành hàng vào tổ chức. Chúng ta thua tư duy là buôn có bạn, bán có phường. Chúng ta phải cay đắng nhìn lại, mình thất bại ngay câu chuyện đó. Chúng ta không có tư duy hội đoàn, mạnh ai nấy làm, mạnh ai nấy biết. Tái cơ cấu nông nghiệp suy cho cùng là cuộc cách mạng về tổ chức sản xuất trước” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Tổ chức lại sản xuất, tạo mối liên kết giữa người trồng, doanh nghiệp và thị trường là đòi hỏi của sự phát triển bền vững. Để làm được điều này, theo ông Nguyễn Tuấn Thanh, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An: Việc tổ chức phải bắt đầu từ cấp xã theo hướng sản xuất phải nắm được nhu cầu thị trường, hiểu rõ từng thị trường, đối tác và đối tượng cạnh tranh. Bên cạnh đó, các địa phương phải thống kê, nắm chắc diện tích, số lượng người dân sản xuất thanh long, từ đó tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người nông dân, các đơn vị, doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ, tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm” theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ, tự phát; nâng cao chất lượng giá trị trái thanh long; xây dựng kho chứa sơ chế bảo quản để thanh long và sản phẩm từ thanh long đi xa hơn bằng đường chính ngạch.
“Để có định hướng thì cần tạm thời không mở rộng diện tích trồng thanh long nữa. Hạn chế tình trạng dân trồng tự phát ngoài vùng quy hoạch để dần giảm bớt sản lượng. Thậm chí chủ động chuyển một số diện tích trồng thanh long sang loại cây trồng khác hiệu quả hơn” - ông Nguyễn Tuấn Thanh nói.
Hướng tới sản xuất bền vững cây thanh long không chỉ xây dựng những vùng sản xuất lớn mà còn phải phát huy được vai trò của kinh tế tập thể. Bên cạnh đó, cần đào tạo nên những người sản xuất thanh long chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng cây thanh long, sản phẩm từ thanh long để đáp ứng sự đa dạng của thị trường tiêu thụ./.