Giải cứu đại gia: Từ "ánh sáng cuối đường hầm" đến “đứt gánh” giữa đường

Chia sẻ Facebook
13/10/2023 07:40:14

Việc giải cứu bằng cách tái cấu trúc toàn diện mỗi công ty từ hoạt động kinh doanh cho đến các khoản nợ đòi hỏi thời gian dài hơi và chiến lược kinh doanh đúng đắn.


Giải cứu bất thành

Tái cấu trúc doanh nghiệp là quá trình doanh nghiệp cải thiện các vấn đề nội tại dựa trên nền tảng sẵn có, trong bối cảnh môi trường kinh doanh thay đổi, hoạt động của doanh nghiệp bộc lộ sự yếu kém, mất cân đối. Thực tế, trong bối cảnh môi trường kinh doanh gặp nhiều khó khăn, rủi ro thì việc tái cấu trúc là giải pháp sống còn mà doanh nghiệp phải làm.

Nhiều năm qua, trên thương trường đã chứng kiến nhiều doanh nghiệp không chỉ dựa vào ngân hàng và các kênh huy động vốn truyền thống mà đã tìm kiếm nguồn vốn khác trong xã hội. Trong đó có mô hình chuyển nhượng thương hiệu hoặc các mô hình hợp tác đầu tư kinh doanh, trong đó cho phép nhà đầu tư tham gia quản trị và kiểm soát đồng vốn của mình.


Cũng chính bởi vậy, những thương vụ giải cứu các đại gia đình đám đã xuất hiện. Trong số đó phải nhắc đến tên tuổi của ông chủ của Thaco Trần Bá Dương . Vị tỷ phú này đã có hai lần tham gia giải cứu các đại gia trong ngành nông nghiệp gây chú ý với kỳ vọng rằng sẽ thành công, song kết quả nhận lại là những cú “đứt gánh” giữa đường.

Ông Dương Ngọc Minh (trái) và ông Trần Bá Dương (phải).

Lần thứ nhất là vào năm 2020 khi Thaco đầu tư vào CTCP Hùng Vương (UPCoM: HVG). Về Hùng Vương, đây là công ty của “vua cá tra” Dương Ngọc Minh - người vẫn được gọi là đại gia chân đất - thành lập năm 2003 và nhanh chóng vươn lên vị thế dẫn đầu ngành xuất khẩu cá tra nước nhà.

Tuy nhiên kể từ năm 2015, khi toàn ngành thủy sản gặp khủng hoảng, việc chạy đua huy động vốn đã khiến Hùng Vương lao đao kéo dài đến thời điểm hiện tại. Bị từ chối giãn nợ bởi ngân hàng, Hùng Vương giai đoạn 2018-2019 liên tục bán những công ty con, liên kết trong hệ sinh thái khép kín mà ông Dương Ngọc Minh từng tự hào nhằm duy trì hoạt động.

Khi đó, cuộc giải cứu Hùng Vương được ông Trần Bá Dương thực hiện thông qua công ty con Thadi (nay tên là Thagrico). Theo thoả thuận, Thagrico và những cổ đông liên quan sở hữu 35% cổ phần và tham gia quản trị, cử đại diện giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Tài chính và các chuyên gia phụ trách kỹ thuật, bán hàng.

Hai bên lập liên doanh phát triển mảng sản xuất heo giống với quy mô 45.000 con, trong đó Thagrico nắm 65% tương ứng giá trị đầu tư 2.000 tỷ đồng. Nhờ đó, Hùng Vương kỳ vọng sẽ thoát tình trạng thua lỗ triền miên.

Tuy nhiên, dưới sự điều hành của nhân sự và vốn tài chính từ phía Thaco, doanh nghiệp thủy sản này vẫn kinh doanh bết bát. Thậm chí cổ phiếu HVG còn bị buộc hủy niêm yết trên sàn HoSE vào 5/8/2020.

Đến cuối năm 2020, Thaco quyết định thoái hết vốn khỏi Hùng Vương. Đầu tháng 7/2021, đến lượt ông Trần Bá Dương cũng “dứt áo” khỏi Hùng Vương bằng việc bán hết cổ phiếu nắm giữ, khép lại gần 2 năm đầu tư chiến lược vào doanh nghiệp này. Sau sự rời đi của Thaco, Hùng Vương đã không có thêm bất kỳ động thái nào đáng chú ý.


Tiến thoái lưỡng nan

Lần giải cứu thứ 2 của ông Trần Bá Dương chính là thực hiện với công ty của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức). Thương vụ đầu tư của ông Dương vào CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, mã: HNG) bắt đầu từ một cuộc điện thoại và bức thư của bầu Đức vào đầu năm 2018.

Sau khi đọc bức thư của Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) về những khó khăn khi làm nông nghiệp và khẩn thiết cần sự giúp đỡ của Thaco, ông Dương đã đồng ý qua Lào và Campuchia để tìm hiểu cách HAGL làm nông nghiệp. Hai bên sau đó thống nhất hợp tác.

Theo chiến lược nhóm cổ đông Thaco đề ra cho HAGL Agrico giai đoạn 2021-2023, công ty sẽ trồng các loại cây ăn trái chiến lược (chuối, xoài, dứa), nuôi bò sinh sản, bò thịt theo mô hình chăn thả và bò vỗ béo tập trung trên nền tảng nông nghiệp hữu cơ.

Để cân đối tài chính, Thaco ứng hàng nghìn tỷ đồng nhằm tạo thanh khoản tạm thời cho HAGL Agrico, đồng thời những công ty con đầu tiên được chuyển nhượng cho CTCP Nông nghiệp Trường Hải (Thagrico).

Bầu Đức và ông Trần Bá Dương.

Tuy vậy, sau hơn hai năm, tình cảnh của HAGL Agrico vẫn chưa có nhiều khởi sắc. Đến cuối năm 2020, công ty ghi nhận nợ phải trả xấp xỉ 16.000 tỷ và lỗ luỹ kế 2.300 tỷ đồng. Tình trạng mất cân đối tài chính, cộng thêm tiềm lực của HAGL không vững vàng khi đang trong quá trình tái cơ cấu buộc bầu Đức phải ra một quyết định mới là phát hành riêng lẻ cổ phiếu và bán tiếp công ty con.

Tại phiên họp thường niên năm 2021, ngoài việc ông Dương tiếp quản vị trí Chủ tịch HAGL Agrico từ bầu Đức, Thagrico dự kiến mua hết 741 triệu cổ phiếu bao gồm hoàn đổi nợ và phát hành mới với giá phát hành 10.000 đồng. Nếu tính cả việc chuyển nhượng công ty con, kế hoạch có thể giúp Bầu Đức thu về 16.000 tỷ đồng để trả hết nợ ngân hàng, nợ nhóm Thaco, đối tác và còn dư để bổ sung vốn lưu động.

Tuy nhiên, đến ngày 23/7/2021, Hội đồng quản trị HAGL Agrico thông báo dừng thực hiện các thủ tục chào bán này. Thông tin trên gây bất ngờ cho giới đầu tư, bởi trước đó trong cuộc chuyển giao ghế Chủ tịch HĐQT HAGL Agrico cho ông Trần Bá Dương, bầu Đức còn vui mừng tuyên bố: “Từ ngày hôm nay, bức tranh tài chính của HAGL Agrico rất tươi sáng”.


Nhưng cũng phải nói rằng, việc HAGL thoái vốn khỏi HAGL Agirco cũng được bầu Đức tâm sự là trút được gánh nặng nợ nần khủng khiếp và có thể tập trung thúc đẩy kinh doanh tại HAGL. Nhiều lần chia sẻ sau này, bầu Đức gửi gắm tri ân với Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương: “Nếu không có Thaco giải cứu đã không có HAGL hôm nay”.


Nỗ lực giải cứu một hãng bay

Thương vụ giải cứu đại gia gần đây nhất gọi tên ông Dương Công Minh. Ông Minh chính thức xuất hiện tại Hàng không tre Việt (Bamboo Airways) với vai trò cố vấn cho HĐQT sau nhiều đồn đoán trước đó.

Ông Dương Công Minh là một doanh nhân kỳ cựu có hàng chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính và bất động sản. Ông là nhà sáng lập và lãnh đạo cấp cao của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn tên tuổi như Him Lam, Sacombank, LPBank…

Trước đó, giới đầu tư chứng kiến nhiều giao dịch và nhân sự tại FLC và Bamboo Airways liên quan tới ông Dương Công Minh và Sacombank. Sacombank là một trong những chủ nợ lớn nhất của Tập đoàn FLC và Bamboo Airways. Thông tin này được biết đến rộng rãi sau khi cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt và bị khởi tố vị tội thao túng giá cổ phiếu vào hồi tháng 4/2022.

Tập đoàn FLC và Bamboo Airways có nhiều mối quan hệ vay nợ với Ngân hàng Sacombank do ông Dương Công Minh làm Chủ tịch.

Ông Dương Công Minh trở thành cố vấn HĐQT của hãng hàng không Bamboo Airways.

Trước khi nhà đầu tư mới lộ diện, kết quả kinh doanh của Bamboo Airways được công bố với khoản lỗ lũy kế hơn 19.300 tỷ đồng tính đến hết năm 2022, tức 9 tháng sau khi ông Quyết bị bắt. Nếu không tính khoản trích lập gần 11.000 tỷ đồng hạch toán vào báo cáo tài chính năm ngoái, hãng bay này lỗ lũy kế trên 8.000 tỷ đồng, còn riêng năm 2022 lỗ từ hoạt động kinh doanh khoảng 4.800 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Ngọc Trọng - Chủ tịch Bamboo Airways, việc ông Dương Công Minh trở thành cố vấn cao cấp của hãng có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình cải tổ, kiện toàn bộ máy quản trị và lãnh đạo, hướng tới chinh phục các mục tiêu lớn một cách bền vững trong giai đoạn phát triển mới.

Còn tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của Bamboo Airways, ông Lê Bá Nguyên - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, nguyên Thành viên HĐQT Bamboo Airways nói rằng: “May mắn và kịp thời, nhóm đầu tư mới được cố vấn bởi ông Dương Công Minh đã vào hỗ trợ FLC và Bamboo Airways. Thời điểm đó có nhiều khó khăn như các nhà cung cấp và cho thuê máy bay ráo riết đòi nợ, tạo sức ép, hoạt động kinh doanh đứng trước nguy cơ phá sản”.

Khi tiếp quản Bamboo Airways, ông Dương Công Minh muốn phát triển thành hãng hàng không mang tầm châu Á. Ông mời các chuyên gia Nhật Bản tham gia vào Bamboo Airways. Đây cũng là nhóm tham gia tái cơ cấu thành công Japan Airlines - hãng bay phá sản đầu những năm 2010. Tại HĐQT Bamboo Airways nhiệm kỳ mới, cựu Phó Tổng Giám đốc Japan Airlines Oshima Hideki đảm nhiệm vai trò Chủ tịch.

Dù chưa biết việc giải cứu này sẽ đi đến đâu, nhưng thực tế phải nhìn thẳng là hãng hàng không này sẽ còn phải giải quyết nhiều vấn đề trong bối cảnh thị trường hàng không phục hồi chưa rõ ràng, kinh tế chung đi xuống. Nhất là việc nhanh chóng tăng quy mô đội bay hiện nay không đơn giản bởi thế giới đang thiếu máy bay khi nhu cầu đi lại phục hồi từ cuối năm ngoái, giá thuê tàu bay lên cao.

Trên thị trường hàng không, ngoài chất lượng dịch vụ, giá thành, giờ bay cũng là một trong những yếu tố quan trọng quyết định lượng khách, doanh thu của doanh nghiệp. Là hãng ra đời sau, Bamboo Airways đang gặp trở ngại trong việc được phân slot bay (lượt cất/hạ cánh) cả ở nội địa, cũng như quốc tế.

Chính vì vậy, gần đây nhất, vào tháng 8/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính có yêu cầu các bộ ngành gồm Tài chính, Giao thông vận tải, Ngân hàng Nhà nước gỡ khó cho Bamboo Airways về vấn đề vốn, chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư mới, tăng quy mô đội tàu bay.


Trước đó hồi đầu tháng 7, Bamboo Airways đã gửi Thủ tướng báo cáo về tình hình hoạt động, các khó khăn của doanh nghiệp này. Trước kiến nghị của hãng, Thủ tướng yêu cầu Bamboo Airways cần nỗ lực tái cơ cấu, vươn lên trở thành doanh nghiệp lớn mạnh, chủ động báo cáo các cơ quan có thẩm quyền để kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc .

Chia sẻ Facebook