Giải cứu cơn khát vốn của doanh nghiệp
Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô khá ổn định, nếu sớm giải cứu cơn khát vốn của doanh nghiệp thì kinh tế Việt Nam có thể tiếp tục ghi nhận những đột phá mới.
Tháng cuối cùng của năm 2022 có những tín hiệu tích cực về tăng trưởng kinh tế, ổn định tiền tệ, lạm phát không quá cao, tỷ giá tương đối ổn định, đồng thời xuất hiện khó khăn về đầu tư và kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, đòi hỏi có giải pháp để tận dụng thành quả của kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua thách thức khi bước vào năm thứ ba của kế hoạch 5 năm 2021-2025.
Tín hiệu tích cực
Tổng cục Thống kê công bố báo cáo tình hình kinh tế 11/2022 với một số tín hiệu tích cực.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 tăng 4,2%), trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 8,9% (cùng kỳ năm 2021 tăng 5,4%), sản xuất và phân phối điện tăng 7,7%, cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 7,1%, khai khoáng tăng 6,5%.
Cả nước thu hoạch được 1.326,7 nghìn ha lúa mùa, chiếm 85,4% diện tích gieo cấy, bằng 101,2% cùng kỳ năm trước; ước tính năng suất lúa mùa đạt 52,9 tạ/ha, tăng 1,3 tạ/ha; sản lượng đạt 8,21 triệu tấn, tăng 152 nghìn tấn so với vụ mùa năm trước. Sản lượng thủy sản ước đạt 8.253 nghìn tấn, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Năm nay nông dân, ngư dân nhiều địa phương vừa được mùa vừa được giá.
Có 194,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm trước; bình quân mỗi tháng có 17,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 132,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 24,3%; bình quân mỗi tháng có 12 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 445,9 nghìn tỷ đồng, bằng 74,9% kế hoạch năm, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 bằng 74%, giảm 7,7%)
Vốn FDI đăng ký mới, vốn điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 25,14 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước. Vốn FDI thực hiện ước đạt 19,68 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất của 11 tháng trong 5 năm qua.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 342,21 tỷ USD, tăng 13,4%; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 331,61 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước, xuất siêu 10,6 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 0,6 tỷ USD).
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2022 tăng 4,56% so với tháng 12/2021 và tăng 4,37% so với cùng kỳ năm trước; bình quân CPI tăng 3,02%/tháng so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,38%.
Chỉ số giá USD tháng 11/2022 tăng tăng 8,71% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân 11 tháng tăng 1,83% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.638,9 nghìn tỷ đồng, bằng 116,1% dự toán năm; tổng chi ngân sách Nhà nước ước đạt 1.359,0 nghìn tỷ đồng, bằng 76,2% dự toán năm; bội thu 279,9 nghìn tỷ đồng.
Tuy vậy, tình hình kinh tế vĩ mô vẩn chứa đựng một số bất ổn như thị trường chứng khoán với VNindex liên tục giảm dưới 1000 điểm, vừa mới được phục hồi nhưng chưa vững chắc, giá cả nguyên liệu, xăng dầu biến động khó lường, các đối tác thương mại, đầu tư quan trọng đã và đang thay đổi chính sách có tác động tiêu cực đến xuất nhập khẩu và thu hút FDI.
Khó khăn của doanh nghiệp
Các doanh nghiệp đã đóng góp quan trọng vào thành quả trên đây, hiện đang gặp nhiều khó khăn về đầu tư và kinh doanh trên thị trường trong nước và thị trường quốc tế do đơn hàng xuất khẩu năm 2023 sản phẩm dệt may, da giày, nội thất, nhôm sắt thép, xi măng sụt giảm nghiêm trọng. Nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm nhân công, giảm quy mô sản xuất trong các tháng cuối năm 2022.
Hiện các kênh huy động vốn của doanh nghiệp đều bị ách tắc, ngân hàng đã hết room tín dụng từ đầu quý III/2022, các kênh huy động vốn khác của doanh nghiệp như thị trường cổ phiếu cũng rất khó khăn.
Một là thiếu vốn, khó tiếp cận nguồn vốn.
Doanh nghiệp tư nhân nhất là SMEs gặp nhiều khó khăn về vốn để duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm cho người lao động do dòng tiền của đã cạn kiệt sau 2 năm dịch bệnh.
Doanh nghiệp ngành thép đối diện với "khủng hoảng" cung vượt cầu do đơn hàng xuất khẩu và trong nước giảm mạnh; một số doanh nghiệp phải bán sản phẩm thấp hơn giá vốn 30-40%.
Doanh nghiệp nông nghiệp thiếu vốn thu mua nguyên liệu trong khi một số nông sản lại tập trung vào các tháng cuối năm và đầu năm 2023.
Doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng bị dừng hầu hết hợp đồng cung ứng vật liệu cho các công trình; các hợp đồng đã hoàn tất lại không thể thanh toán do chủ đầu tư cũng không có dòng tiền.
Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trước đây có thể sử dụng hợp đồng đã ký kết hoặc thế chấp bất động sản để vay vốn nhưng hiện nay các ngân hàng không giải ngân do áp lực về room tín dụng.
Hai là khó duy trì các kênh huy động vốn trung và dài hạn
Điểm nghẽn lớn nhất đối với thị trường trái phiếu là dòng vốn thanh khoản của doanh nghiệp; quý IV/2022 gần như không doanh nghiệp nào huy động được trái phiếu mới, do các doanh nghiệp đang bị ách tắc về việc huy động vốn trên thị trường. Trong khi lượng trái phiếu sắp đáo hạn cũng tạo áp lực cho doanh nghiệp, bởi họ chưa có khả năng tìm được nguồn vốn bù đắp hoặc cơ cấu lại các khoản nợ, nên không thể tiếp tục dựa vào kênh này để thực hiện dự án đầu tư đã được ký kết hợp đồng.
Thị trường chứng khoán sụt giảm làm trầm trọng thêm khó khăn về vốn của doanh nghiệp; một số tập đoàn kinh tế buộc phải mua lại trái phiếu trước hạn. Đã xuất hiện làn sóng bán nhà máy và cơ sở sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam cho nhà đầu tư nước ngoài; điển hình như doanh nghiệp Thái Lan đang tiến hành nhiều thương vụ đàm phán mua các nhà máy dệt may và các ngành khác.
Thứ ba là khó khăn do môi trường đầu tư và kinh doanh
Chủ trương cải cách thủ tục hành chính theo hướng Chính phủ kiến tạo, Chính phủ số đã thu được kết quả đáng khích lệ, nhưng vẫn còn tình trạng thực thi luật pháp liên quan đến môi trường đầu tư, kinh doanh làm ảnh hưởng tới niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp. Ví dụ việc hoàn thuế VAT cho hàng xuất khẩu của ngành gỗ, cao su đang gặp nhiều trở ngại với quy trình xác minh nguồn gốc phức tạp, không nhất quán cách làm giữa các địa phương, không nhất quán giữa thời gian xác minh được công bố 40 ngày với thời gian thực tế có thể lên nhiều tháng thậm chí cả năm, làm cho doanh nghiệp đọng vốn với số tiền rất lớn.
Giải pháp
Tình trạng khát vốn của hàng vạn doanh nghiệp bao gồm SMEs, tập đoàn kinh tế cần có giải pháp tình thế, đủ mạnh từ doanh nghiệp, ngân hàng và nhà nước để nhanh chóng khắc phục trong tháng cuối năm và quý I năm sau, nếu không sẽ khó bảo đảm điều kiện thực hiện định hướng và mục tiêu kinh tế xã hội năm 2023 đã được Quốc hội quyết định tại kỳ họp vừa qua.
Doanh nghiệp cần tái cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp với tình hình tài chính hiện có, đổi mới hệ thống quản trị nội bộ, công tác tiếp thị, điều chỉnh kế hoạch mở rộng dự án và phương thức đầu tư phù hợp với năng lực vốn, công nghệ và con người; quản lý chặt chẽ thu chi, sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn, giảm thiểu chi phí, rủi ro cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cần theo dõi tình trạng luân chuyển dòng tiền, thiếu vốn lưu động, nhanh chóng giải phóng nguồn thu nhập từ bán hàng, giảm chi phí thanh toán, tận dụng nguồn vốn dư thừa mà vẫn đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn tiền, ưu tiên dùng nguồn tiền thu được để trả nợ trước, tạm thời dừng dự án đầu tư lâu dài; thanh toán đúng hạn cho nhà cung ứng, tận dụng uy tín của đối tác để tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.
Ngân hàng tăng thêm nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các chương trình, dự án cho vay ưu đãi với lãi suất thấp; mở rộng đối tượng SMEs vay thông qua tín chấp, trên cơ sở tạo điều kiện để doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả và lợi nhuận; chủ động tiếp cận với doanh nghiệp, đánh giá các khoản nợ, bàn bạc gia hạn nợ, đáo nợ, cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất. Trong vài tháng gần đây, mặc dù phải tăng lãi suất tiền gửi nhưng nhiều ngân hàng đã cố gắng giữ lãi suất cho vay tăng chậm hơn lãi huy động để hỗ trợ doanh nghiệp, tuy lợi nhuận giảm, đồng thời là tiêu chí quan trọng để Ngân hàng Nhà nước cấp hạn mức tín dụng nhiều hơn trong năm sau.
Ngân hàng Nhà nước cần nới room tín dụng doanh nghiệp để các ngân hàng thương mại có điều kiện chủ động cho vay mới, đảo nợ, giãn nợ, tín dụng ưu đãi lãi suất thấp; tiếp tục cung ứng vốn qua nghiệp vụ thị trường mở và nghiệp vụ tái cấp vốn để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại, điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt để điều tiết vốn từ nơi thừa sang nơi thiếu, nhằm tạo điều kiện tối đa để SMEs được ưu tiên vốn vay.
Nhà nước cần ban hành chính sách khuyến khích ngân hàng thương mại có tỷ lệ dư nợ tín dụng cho SMEs ở mức cao; phát triển tổ chức thuê tài chính để giúp SMEs đổi mới công nghệ; huy động các nguồn vốn dài hạn để mở rộng sản xuất, kinh doanh; có gói hỗ trợ tài chính đủ lớn liên quan đến giảm thuế, giãn hoãn thuế, hỗ trợ lãi suất, tài trợ cho doanh nghiệp thích ứng với đặc thù kinh doanh của từng ngành.
Trái phiếu doanh nghiệp được coi là một công cụ huy động vốn đắc lực của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản, cần được khuyến khích với các điều kiện rõ ràng, minh bạch để các nhà đầu tư cá nhân an tâm; không vì một số tiêu cực liên quan đến huy động vốn trên thị trường trái phiếu mà ban hành những quy định theo hướng chú trọng quá mức đề phòng rủi ro, không quan tâm đến nhu cầu vốn của doanh nghiệp.
Ủy ban Chứng khoán cam kết với doanh nghiệp tiến hành rà soát phát hành trái phiếu ra công chúng để giảm thiểu tối đa thủ tục hành chính và thời gian phát hành cho doanh nghiệp. Cũng cần quan tâm công tác xếp hạng tín nhiệm trái phiếu như một bộ lọc cho các nhà đầu tư tham gia thị trường, để trái chủ phân loại được trái phiếu đang nắm giữ là tốt hay không, trả nợ đúng hạn không (!). Từ khóa được nhắc đi nhắc lại nhiều lần liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp chính là niềm tin.
Triển vọng về kinh tế Việt Nam năm 2023 dù đối mặt với nhiều thách thức, nhưng vẫn được doanh nghiệp, người dân và các định chế tài chính quốc tế đánh giá rất tích cực. Chính phủ dự báo tốc độ tăng trưởng khoảng 6,5%, nhưng một số tổ chức nước ngoài dự báo GDP tăng trên 7% đến 8%, phát triển theo hướng kinh tế xanh, bền vững hơn.