Giải bài toán "khát" lao động tại các tỉnh phía Nam
Nhiều doanh nghiệp tại Tp.HCM và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An… đang rơi vào tình trạng thiếu lao động trầm trọng.
Đỏ mắt tìm lao động
Tình trạng thiếu hụt lao động đang diễn ra tại nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp phía Nam.
Ghi nhận tại Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân, Tp.HCM). Doanh nghiệp này chuyên sản xuất giày dép với trên 2.500 công nhân lao động. Theo bà Phạm Thị Út, Phó Tổng giám đốc công ty, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn cố gắng đảm bảo đời sống cho lao động với mức lương trung bình khoảng 8 triệu đồng/tháng. Công ty TNHH Tỷ Hùng đang thiếu công nhân và có nhu cầu tuyển 500-700 LĐ nhưng tìm không ra người.
“Hằng tuần, chúng tôi đều tuyển dụng qua nhiều kênh như đăng thông tin lên website công ty, liên hệ với các trung tâm giới thiệu việc làm; người quen giới thiệu… nhưng vẫn không có. Chúng tôi đang lên kế hoạch về các tỉnh miền Tây để tuyển người đưa lên Tp.HCM làm việc”, bà Út nói.
Bà Ngô Tường Vy, Tổng giám đốc Công ty xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre) cũng cho biết doanh nghiệp này đã phải chạy ngược chạy xuôi tìm công nhân chọn hái, bốc tách sầu riêng nhưng vẫn không tuyển được người.
Theo bà Vy, dù đã lên kế hoạch tuyển lao động từ rất sớm và thường xuyên nhưng đến nay lượng lao động chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu, đặc biệt lực lượng có tay nghề cao trong bóc tách, chọn sầu riêng đang cực kỳ khan hiếm.
Do thiếu hụt nhân sự, công ty buộc phải chọn cách "làm tới đâu xuất tới đó". Vì vậy lượng hàng chỉ đạt khoảng 60% nhu cầu đối tác, nhiều thời điểm phải chia hàng ra bán, đặc biệt là cơm sầu riêng cấp đông với nhu cầu đặt hàng của khách lên tới 2 container (hơn 50 tấn) nhưng không có đủ người làm hàng.
"Sản lượng trái cây đang tăng cao, thêm thị trường xuất khẩu rộng mở, đặc biệt nhu cầu trái cây tại Trung Quốc, Mỹ, Nhật... tăng mạnh từ tháng 5 đến tháng 11. Do đó, áp lực nhân sự trong thời gian tới là rất lớn. Nếu thiếu hụt nhân sự kéo dài sẽ khó nâng cao được giá trị xuất khẩu nông nghiệp", bà Vy lo lắng.
Tương tự, Công ty Duy Anh Foods tại Tp.HCM (chuyên sản xuất bún, bánh tráng... xuất khẩu) có nhu cầu tuyển khoảng 250 - 300 công nhân trong năm 2022. Thế nhưng từ đầu năm đến nay, công ty chỉ tuyển được 60 - 70% số lao động so với nhu cầu. Đại diện Công ty Duy Anh Foods cho biết, doanh nghiệp phải chạy đôn chạy đáo để tuyển thêm lao động trong giai đoạn bình thường mới sau dịch bệnh Covid-19. "Nếu tuyển được đầy đủ số lao động, doanh nghiệp có thể tăng sản lượng xuất khẩu thêm 30 - 40%, thay vì chỉ xuất khoảng 3 - 4 tấn hàng mỗi ngày như hiện nay", đại diện công ty cho biết.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online , ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tp.HCM cho biết, trong Hiệp hội có nhiều doanh nghiệp đang "đứng ngồi không yên" vì rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động, dù doanh nghiệp đã liên tục rao tuyển nhưng vẫn không đủ; đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như may mặc, giày da và các công việc dịch vụ như kho bãi, giao nhận, xuất nhập khẩu, kinh doanh.
"Dịch Covid-19 kéo dài nên nhiều lao động về quê, ngành dịch vụ chuyển qua làm online nên nhiều người lao động thời vụ, lao động phổ thông hiện giờ đã quen việc, không muốn bó buộc khiến nguồn lao động đang thiếu ổn định và dịch chuyển rất nhanh. Ngoài ra, do chi phí đi lại tốn kém vì giá xăng dầu tăng, giá cả lương thực thực phẩm ở các thành phố lớn cũng tăng kéo theo chi phí sinh hoạt của công nhân tăng theo trong khi thu nhập không tăng, vì vậy đã có không ít lao động chọn nghỉ việc ở các thành phố lớn để chuyển về quê làm cho gần, không phải đi xa”, ông Trần Việt Anh lý giải.
Là ngành đang thiếu hụt lao động nhiều nhất, ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch Hội Da giày Tp. HCM cũng chia sẻ với báo Tin Tức : "Nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến cuối năm nhưng không ít doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp quy mô nhỏ, không thể cung cấp đủ sản phẩm cho đối tác do thiếu lao động. Hiện nay, 70 - 80% đơn hàng giày da của Việt Nam là gia công nên rất cần nhiều lao động phổ thông. Sắp tới, các doanh nghiệp cần hoàn thiện đơn hàng cho cuối năm, nếu tình trạng thiếu lao động kéo dài, nhiều doanh nghiệp sẽ mất mối làm ăn và mất thị trường xuất khẩu".
Đâu là giải pháp?
Theo ông Trần Việt Anh, thị trường lao động Việt Nam đang không cân đối ngành đào tạo vì việc đào tạo không phù hợp theo nhu cầu thực tế. Điều này dẫn tới việc doanh nghiệp muốn có người phải tự mày mò đào tạo với thời gian lâu, chi phí lớn.
“Để đảm bảo cung - cầu lao động gặp nhau và đào tạo đúng lao động chuyên ngành cho doanh nghiệp, nhà nước nên ưu tiên hơn nữa khâu đào tạo nhân lực cho các doanh nghiệp đang cần lao động như các ngành xuất khẩu, bởi đây là ngành đem ngoại tệ về cho Việt Nam; hoặc đào tạo những lao động mà doanh nghiệp FDI đang chú trọng đầu tư ở Việt Nam để sau khi các doanh nghiệp này rút đi, Việt Nam có thể thừa hưởng công nghệ và lao động dễ dàng tiếp cận khi họ về nước”, ông Trần Việt Anh phân tích.
Cùng chung nỗi lo lắng, ông Nguyễn Văn Khánh cho rằng các doanh nghiệp không biết tìm đâu ra lực lượng lao động đã qua đào tạo. "Giờ chỉ cần 300 lao động giày da được đào tạo nhưng hỏi các trường đều không đủ. Do đó doanh nghiệp đang phải đẩy mạnh liên kết với trường nghề để tăng lượng nhân lực được đào tạo cấp tốc nhằm chữa cháy, đồng thời hỗ trợ chỗ ở, ăn uống để kêu gọi lao động", ông Khánh cho biết.
Ngoài ra, theo ông Khánh, hội đang khuyến khích doanh nghiệp tăng cường cơ giới hóa để tăng năng suất, tiết giảm nhân công. Với ngành nông nghiệp, nhiều chuyên gia cho rằng trước khi xây dựng nhà máy, doanh nghiệp cần khảo sát trước nguồn lao động tại chỗ, liên kết với chính quyền để đặt hàng, đào tạo trước lao động. "Ngoài ra phải có phương án liên kết để giãn vụ, đa dạng mùa vụ nhằm có nguồn cung rải đều, ổn định giúp giữ chân người lao động", một chuyên gia bày tỏ quan điểm với Tuổi Trẻ Online.
Được biết, theo Trung tâm Dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động Tp.HCM (FALMI), dự báo nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn Tp.HCM trong 3 tháng cuối năm 2022 ước khoảng 69.500-77.100 chỗ làm việc nhằm phục vụ sản xuất các đơn hàng Tết.
Cụ thể, chiếm tới hơn 66% nhu cầu tuyển dụng trong giai đoạn này, lĩnh vực thương mại, dịch vụ là nhóm ngành nghề đang có nhu cầu tuyển dụng tăng cao nhất; tiếp đến là lĩnh vực công nghiệp - xây dựng (chiếm 33%). Nhu cầu nhân lực ở 9 ngành dịch vụ chủ yếu chiếm 56%, trong đó 4 ngành công nghiệp trọng yếu của Thành phố gồm: Cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, chế biến tinh lương thực thực phẩm, hóa dược - caosu (chiếm 19%). Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp tuyển dụng lao động bán thời gian để phục vụ đợt cao điểm Tết, chiếm 15%.
Nhu cầu nhân lực tập trung ở lao động qua đào tạo chiếm 84,85%, trong đó trình độ đại học trở lên chiếm 16,83%, cao đẳng chiếm 24,65%, trung cấp chiếm 28,6%, sơ cấp chiếm 14,77%; lao động chưa qua đào tạo chiếm 15,15%.
Nhận định về thị trường lao động cuối năm nay, ông Nguyễn Quang Cường, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên Tp.HCM, cho biết, dịp cuối năm thường là thời điểm “vào mùa” tuyển dụng của các doanh nghiệp, nhất là nhu cầu về mở rộng kinh doanh sản xuất phục vụ các dịp lễ, Tết cuối năm, như Noel, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán…
Để đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh , các doanh nghiệp đã không ngừng sử dụng tất cả các hình thức tuyển dụng trực tiếp, gián tiếp, thông qua người quen, hoặc đăng lên các trang mạng. Đồng thời không ngừng quan tâm đến các chính sách về lương, thưởng, phúc lợi cho người lao động để người lao động an tâm làm việc.
Ghi nhận của Lao Động thủ đô tại Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, Tp.HCM), tình hình tuyển dụng lao động đang bắt đầu sôi động. Để thu hút công nhân, nhiều doanh nghiệp đã đưa ra chế độ đãi ngộ khá cao. Cụ thể như Công ty TNHH Đạt Việt cho biết, ngoài được bảo đảm thu nhập từ 8-11 triệu đồng/tháng, CN còn được miễn phí cơm trưa và chiều, thưởng năng suất, lương tháng 13, phụ cấp nhà ở và đi lại.
Công ty TNHH Furukawa Automotive Parts Vietnam tuyển dụng số lượng lên đến 1.000 công nhân, với mức thu nhập từ 9-12 triệu đồng/tháng. Ngoài tham gia đầy đủ các chế độ bảo hiểm, công nhân còn được bố trí ở ký túc xá. Công ty TNHH Nissey Việt Nam thông báo tuyển dụng 200 nhân sự, với mức thu nhập thử việc dao động từ 6,5-7 triệu đồng.
Theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động thành phố thì mức lương mà nhà tuyển dụng đưa ra tăng từ 1,5% đến 16,6%. Trong đó mức lương trên 20 triệu đồng/tháng tăng cao nhất 16,6% so với cùng kỳ năm trước...
Minh Hoa (t/h)